Triển khai chi trả kinh phí thuốc ARV từ nguồn quỹ BHYT

(Dân trí) - “Cả nước có khoảng 200.000 người nhiễm HIV/AIDS, trong đó có khoảng 130.000 đang người dùng thuốc ARV. Trong số những những dùng thuốc ARV trên, khoảng 48.000 người đang có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Trong thời gian tới, số người nhiễm HIV còn lại sẽ được cấp thuốc ARV từ quỹ BHYT”.

Triển khai chi trả kinh phí thuốc ARV từ nguồn quỹ BHYT - 1

Người nhiễm HIV/AIDS ở VN sẽ dùng thuốc ARV từ nguồn của quỹ BHYT

Ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban Dược - Vật tư y tế (BHXH Việt Nam), trao đổi với báo giới về công tác triển khai điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV (thuốc ức chế sự phát triển của vius HIV) từ nguồn quỹ BHYT. Công tác trên bắt đầu được Bộ Y tế, BHXH VN triển khai từ năm 2019.

Theo ông Lê Văn Phúc, HIV/AIDS là căn bệnh mãn tính, phải điều trị liên tục, suốt đời với chi phí lớn. Việc điều trị và tuân thủ điều trị sẽ giúp người bệnh sống lâu, khỏe mạnh và ngăn ngừa khả năng lây nhiễm căn bệnh ra cộng đồng.

Trước đây, nguồn thuốc ARV chủ yếu do sự viện trợ của quốc tế. Từ vài năm nay, nguồn hỗ trợ đã giảm dần. Tới năm 2020, các nguồn viện trợ thuốc ARV từ quốc tế không còn nữa.

Để đối phó với tình trạng dừng nguồn hỗ trợ thuốc ARV, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2188/QĐ-TTg ngày 15/11/2016 quy định việc thanh toán thuốc kháng vi-rút HIV được mua sắm tập trung cấp quốc gia từ nguồn quỹ khám bệnh, chữa bệnh BHYT.

Theo ông Lê Văn Phúc : “Cho đến thời điểm này, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới huy động nguồn lực trong nước thông qua BHYT để chi trả cho các dịch vụ điều trị HIV/AIDS”.

Trên cơ sở này, những năm qua, BHXH VN đã tích cực phối hợp với Bộ Y tế xây dựng các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện, kiện toàn và ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT với các cơ sở điều trị HIV/AIDS, xây dựng cơ sở dữ liệu bệnh nhân điều trị ARV phục vụ cho việc theo dõi thanh toán thuốc ARV nguồn BHYT và thiết lập hệ thống thông tin quản lý đến từng bệnh nhân tham gia điều trị ARV…

Để chuẩn bị cho nguồn thuốc ARV trong năm 2019, BHXH VN đã phối hợp với Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia tổ chức đấu thầu thuốc ARV với kết quả tốt, giá cạnh tranh. Các đơn vị trúng thầu đã cung cấp, giao hàng cho các cơ sở điều trị trong tháng 2/2019, theo đúng tiến độ dự kiến.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế tháo gỡ từng vướng mắc, tạo điều kiện tối đa để người nhiễm HIV/AIDS tiếp cận với BHYT như: Người nhiễm HIV/AIDS không phải tham gia BHYT theo hộ gia đình, trường hợp không có giấy tờ tùy thân.

Qua đó, người nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT tăng theo từng năm, nhiều tỉnh thành đã đạt độ bao phủ BHYT 100% cho người nhiễm HIV/AIDS.

Cũng theo đại diện Ban Dược - Vật tư y tế, để đảm bảo nguồn quỹ BHYT chi trả cho người tham gia BHYT, bao gồm cả người nhiễm HIV, trong đó cần tập trung, tăng cường công tác quản lý để việc sử dụng quỹ BHYT hiệu quả và tiết kiệm nhất, thực hiện tốt việc đấu thầu, mua sắm, quản lý và sử dụng thuốc hiệu quả, đảm bảo an toàn, chất lượng và giá cả phù hợp.

Ngoài những lưu ý trên, công tác tuyên truyền tới người nhiễm HIV về tác dụng của việc tham gia chính sách BHYT trong điều trị bệnh.

“Tại một số tỉnh, thành phố, độ bao phủ BHYT còn thấp, nhiều người nhiệm HIV vẫn mang nặng tâm lý sợ lộ thông tin cá nhân, sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử nên không muốn cung cấp thông tin để tham gia BHYT.

Đặc biệt, một số bệnh nhân tuy có thẻ BHYT nhưng sẵn sàng bỏ tiền túi ra khám chữa bệnh, hoặc đến nơi không được hưởng BHYT nhằm che giấu tình trạng bệnh. Đồng thời còn có nhiều người nhiễm HIV chưa sẵn sàng mua thẻ BHYT do còn trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước hoặc các dự án” - ông Lê Văn Phúc cho biết.

Để hạn chế tình trạng này, BHXH VN đang phối với Bộ Y tế tăng cường nhiều biện pháp, như: Đẩy mạnh công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông cho những người nhiễm HIV về tầm quan trọng của BHYT, tham mưu xây dựng cơ chế tài chính hỗ trợ người nhiễm HIV tham gia BHYT, triển khai chống kỳ thị và phân biệt đối xử tại các cơ sở khám chữa bệnh để người nhiễm HIV yên tâm đến điều trị…

Theo tính toán, mỗi năm, chi phí khám chữa bệnh cho 1 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS sẽ hết khoảng 6.000.000 đồng (gồm thuốc và xét nghiệm). Với hơn 100.000 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, cả nước cần hơn 600 tỷ đồng để điều trị.Nội dung box

Phan Minh