1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Trên 60% phụ nữ Việt từng bị bạo lực

An Linh

(Dân trí) - Dẫn số liệu nghiên cứu về bạo lực đối với phụ nữ năm 2019, ông Lê Khánh Lương, quyền Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới nói có 62,9% phụ nữ Việt Nam từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong cuộc đời.

Đây là thông tin được đại diện Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH) đưa ra tại cuộc họp định kỳ mạng lưới đối tác hành động về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được tổ chức ngày hôm nay (18/4).

Theo ông Lê Khánh Lương, 23,3% phụ nữ được hỏi cho biết từng bị thương tích khi bị chồng/bạn tình bạo lực và những phụ nữ này có nguy cơ về vấn đề sức khỏe tâm thần cao hơn gấp 3 lần so với những phụ nữ chưa từng bị bạo lực.

Trên 60% phụ nữ Việt từng bị bạo lực - 1

Hơn 60% phụ nữ Việt Nam từng bị một trong các hình thức bạo lực trong cuộc đời (Ảnh minh họa).

Điều đáng lo ngại, khoảnh 50% phụ nữ bị bạo lực chưa từng kể với ai việc mình bị bạo lực và 90,4% cho biết chưa từng tìm kiếm sự hỗ trợ nào từ cơ quan chức năng.

Theo báo cáo này, những vụ bạo lực có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế khoảng 100.000 tỷ đồng, tương đương 1,8% GDP. Thiệt hại này đến từ chi phí trực tiếp của bạo hành, chi phí do bỏ dở công việc hoặc ảnh hưởng đến năng suất lao động của người phụ nữ do bạo hành gây ra.

Theo ông Lương, nhận thức chống bạo được các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương triển khai nhiều giải pháp như hoàn thiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành động của người dân về thực hiện bình đẳng giới, xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới; triển khai các mô hình, dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực.

"Tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các bộ, cơ quan của Chính phủ và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội và các luật sư, chuyên gia… hoạt động trong lĩnh vực bình đẳng giới và phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; tạo tiền đề để nghiên cứu, xây dựng và ban hành quy định về cơ chế phối hợp liên ngành trong phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới" - ông Lê Khánh Lương cho hay.

Tại cuộc họp, bà Hà Thị Quỳnh Anh, chuyên gia về Giới và Nhân quyền, Quỹ Dân số Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA), cho rằng: "Thời gian qua, có rất nhiều vấn đề liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới với trẻ em, phụ nữ và trẻ em gái". Đây là những thách thức không nhỏ đối với mạng lưới đối tác hành động về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

"Trên mạng xã hội đăng tải nhiều vụ bạo lực nghiêm trọng đã đặt cho mạng lưới nhiều câu hỏi cần phải làm thế nào để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực là nạn nhân đã tin tưởng, dám lên tiếng và tìm đến sự trợ giúp, hỗ trợ tư vấn trong khi xảy ra các sự việc, vụ việc bạo lực trên cơ sở giới", bà Quỳnh Anh nói.