(Dân trí) - Chiêu trò "việc nhẹ lương cao" khiến nhiều thiếu niên bị lừa bán cho các quán karaoke làm tiếp viên, bị những kẻ chăn dắt cưỡng bức, bóc lột sức lao động đến tận cùng. Các em nên làm gì để cứu mình?
Trẻ em rơi vào bẫy buôn người, bị cưỡng bức lao động cần làm gì?
Chiêu trò "việc nhẹ lương cao" khiến nhiều thiếu niên bị lừa bán cho các quán karaoke làm tiếp viên, bị những kẻ chăn dắt cưỡng bức, bóc lột sức lao động đến tận cùng. Các em nên làm gì để cứu mình?
Những bé gái bị bán vào "động quỷ"
Giàu sinh năm 2007, ngụ ở một xã vùng biên huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An. Nhà Giàu rất nghèo, cha làm mướn, mẹ bất hạnh mắc bệnh u ác mô mềm ở tử cung, cha phải vay mượn cả trăm triệu đồng chạy chữa mà chưa hết. Hè năm 2022, khi chưa tròn 15 tuổi, Giàu quyết định nghỉ học, lên Tây Ninh xin đi làm ở xưởng sơ chế nhựa để phụ tiền chữa bệnh cho mẹ.
Hoàn cảnh như Giàu không hiếm thấy ở các vùng quê. Hầu hết các em đều chọn các công việc lao động phi chính thức để kiếm tiền. Với tuổi đời còn quá nhỏ, nhiều em tin theo những lời đường mật, dụ dỗ đi làm "việc nhẹ, lương cao", để rồi rơi vào cạm bẫy.
Ngày 5/11, Công an tỉnh Gia Lai khởi tố 2 đối tượng Trịnh Thị Mai và Trần Minh Chung để điều tra về tội mua bán người dưới 16 tuổi, giữ người trái pháp luật. Công an tỉnh Gia Lai phát hiện và giải cứu thành công 7 bé gái (đều dưới 16 tuổi, có em chỉ mới 13 tuổi) bị Mai và Chung giam giữ, ép buộc làm nhân viên tại cơ sở nhà nghỉ và massage Mai Thy (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai).
Thủ đoạn của băng nhóm này là chiêu dụ các bé gái với chiêu vẽ "việc nhẹ, lương cao". Khi "con mồi" mắc câu, các đối tượng sẽ đến đón rồi đưa về nhà Mai và Chung để giam lỏng, ép buộc làm công việc trên. Hầu hết các bé gái nạn nhân đều thuộc diện gia đình khó khăn, đi tìm việc làm sớm rồi bị đưa đến cơ sở này làm việc.
Cuối năm 2022, Công an nhiều tỉnh thành khác như Đồng Nai, Tây Ninh cũng triệt phá nhiều băng nhóm có cùng thủ đoạn như trên, giải cứu nhiều cô gái trẻ đang bị bóc lột sức lao động ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm.
Không chỉ bị bán trong nước, nhiều bé gái còn bị bán sang nước ngoài, phải đi làm các công việc nhạy cảm như lừa đảo, tiếp viên sòng bạc, tiếp viên quán hát… tại Campuchia.
Trong năm 2022, cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh tiếp nhận nhiều đơn trình báo, kêu cứu từ các gia đình có con em sang Campuchia làm "việc nhẹ lương cao", nhờ công an hỗ trợ đưa về Việt Nam, trong đó có rất nhiều bé gái mới ở độ tuổi 15-16. Hầu hết các em đều nghỉ học sau khi tốt nghiệp lớp 9, chưa có công việc phù hợp nên nghe theo lời các đối tượng "cò mồi" rồi vượt biên sang Campuchia làm việc.
Trình báo cơ quan chức năng, chị Sen (ngụ huyện Gò Dầu, Tây Ninh) nghẹn ngào cho biết con gái chị sinh năm 2006, nghe lời dụ dỗ "việc nhẹ lương cao" nên qua Campuchia làm việc. Ở đó, họ nhốt bé gái này trong một phòng làm việc tập thể, ép làm công việc gọi điện thoại lừa đảo người khác. Khi bé làm không được thì bị đánh đập, buộc người nhà đem tiền qua chuộc.
Chị Sen cho hay: "Con tôi kêu mẹ chuẩn bị 30-40 triệu đồng để chuộc con về. Tôi không biết kiếm đâu ra tiền nên đến nhờ công an giải cứu con".
Nhận biết việc bị mua bán người
Theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 2015-2020, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 1.300 vụ mua bán người, bắt giữ gần 1.700 đối tượng, lừa bán gần 3.000 nạn nhân.
Dụ dỗ, mua bán người nhằm mục đích bóc lột sức lao động của trẻ em là vấn nạn xảy ra lâu nay. Từ lâu, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thực hiện nhiều chương trình để hạn chế vấn nạn này, đầu mối là Đường dây nóng phòng chống mua bán người 111 (Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111).
Nhiệm vụ của Đường dây nóng phòng, chống mua bán người 111 là tư vấn qua điện thoại về chính sách, pháp luật và tâm lý cho nạn nhân; chuyển thông tin đến các cơ quan chức năng để can thiệp, giải cứu và hỗ trợ kịp thời nạn nhân mua bán người. Tổng đài 111 hoạt động 24h tất cả các ngày trong tuần và hoàn toàn miễn phí.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, Tổng đài 111 đã tiếp nhận 1.354 cuộc gọi cung cấp thông tin và 476 cuộc gọi tư vấn về hoạt động mua bán người, trong đó có 96 ca chuyển tuyến giải cứu và hỗ trợ cho 110 nạn nhân.
Điều quan trọng là làm sao để nhận biết bản thân đang trở thành nạn nhân mua bán người?
Theo hướng dẫn của Tổng đài 111, nếu bạn ở một trong những tình huống sau, hãy gọi 111 để được Đường dây nóng phòng, chống mua bán người hỗ trợ.
Nên làm gì khi trở thành nạn nhân mua bán người?
Theo Tổng đài 111, khi đã nhận ra mình là nạn nhân của mua bán người dựa vào các dấu hiệu nhận biết trên, nạn nhân nên thực hiện các bước cần thiết theo hướng dẫn trong Sổ tay Di cư an toàn của tổ chức World Vision (Tầm nhìn thế giới).
Chính sách hỗ trợ trẻ em bị mua bán, cưỡng bức lao động
Sau khi được giải cứu, nạn nhân mua bán người là trẻ em sẽ được cơ quan chức năng hỗ trợ để hòa nhập với cuộc sống mới. Luật Phòng, chống mua bán người đã quy định rõ các chế độ hỗ trợ dành cho nạn nhân.
Cụ thể, Điều 32 Luật Phòng, chống mua bán người quy định nạn nhân được hưởng các chế độ: Hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại; Hỗ trợ y tế; Hỗ trợ tâm lý; Trợ giúp pháp lý; Hỗ trợ học văn hóa, học nghề; Trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn.
Nghị định số 9/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người hướng dẫn chi tiết hơn các chế độ này tại các Điều 19, 20, 21, 22, 23, 24.
Điều 19 Nghị định số 9/2013/NĐ-CP quy định, nạn nhân mua bán người trong thời gian chờ xử lý vụ việc được hỗ trợ tiền ăn, quần áo, vật dụng cá nhân… Khi có nguyện vọng trở về nơi cư trú thì được hỗ trợ tiền ăn trong những ngày đi đường và tiền tàu xe.
Nạn nhân là người chưa thành niên thì Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) quận, huyện, thị xã hoặc cơ quan công an đưa về nơi người thân thích cư trú.
Điều 20 quy định, trong thời gian lưu trú tại cơ sở hỗ trợ, nạn nhân được chăm sóc y tế để phục hồi sức khỏe. Nạn nhân là người chưa thành niên được cơ sở hỗ trợ nạn nhân hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo mức bằng mức quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho các đối tượng tương ứng.
Theo Điều 21, cơ sở hỗ trợ nạn nhân có trách nhiệm tổ chức các hoạt động hỗ trợ giúp nạn nhân ổn định tâm lý trong thời gian lưu trú gồm tư vấn, tham vấn tâm lý cho nạn nhân và thực hiện các liệu pháp trị liệu nhóm. Đối với nạn nhân là người chưa thành niên, cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân có trách nhiệm liên hệ, đánh giá về mức độ an toàn đối với nạn nhân khi trở về gia đình hoặc nơi cư trú trước khi đưa nạn nhân trở về.
Điều 22 quy định, nạn nhân được trợ giúp pháp lý, tư vấn để phòng ngừa bị mua bán trở lại; trợ giúp làm thủ tục đăng ký hộ khẩu, hộ tịch, nhận chế độ hỗ trợ, đòi bồi thường thiệt hại, tham gia tố tụng và các thủ tục pháp lý khác có liên quan đến vụ việc mua bán người.
Theo Điều 23, nạn nhân được hỗ trợ học văn hóa nếu có nhu cầu. Nạn nhân có nhu cầu học nghề thì được hỗ trợ một lần chi phí học nghề. Nạn nhân thuộc hộ nghèo khi trở về nơi cư trú được hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu.
Điều 24 quy định, nạn nhân có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh được xem xét tạo điều kiện vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Điều kiện, thời hạn và mức vốn cho vay thực hiện theo quy định hiện hành đối với các dự án vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm.
Bài: Tùng Nguyên
Ảnh: Tùng Nguyên - Phạm Hoàng - CTV