Lật tẩy thủ đoạn mua bán người nhắm vào phụ nữ dân tộc, vùng núi
(Dân trí) - Với chiêu bài "việc nhẹ, lương cao", rủ rê đi lấy chồng nước ngoài để có cuộc sống an nhàn, sung sướng..., các đối tượng dẫn dụ nạn nhân vào "bẫy" rồi bán qua nước ngoài.
Địa chỉ nhắm đến của tội phạm mua bán người
Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát Hình sự (PC02) - Công an tỉnh Nghệ An, trong 3 tháng cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người (tháng 7-9/2022), Phòng phối hợp các đơn vị địa phương phát hiện, phá 4 vụ, bắt 9 đối tượng về hành vi mua bán người, mua bán trẻ em, giải cứu 4 nạn nhân.
Ốc Thị H. (SN 1992, trú xã Chiêu Lưu, Kỳ Sơn) là một trong 4 nạn nhân may mắn được giải cứu, vừa trở về đoàn tụ với gia đình sau 12 năm lưu lạc. 2010, khi vừa tròn 18 tuổi, H. bị Moong Văn Thạch (SN 1977) và Đậu Thị Hoan (SN 1971), trú cùng địa phương lừa bán sang Trung Quốc với giá 210 triệu đồng. Cô gái này sau đó bị bán sâu vào trong nội địa làm vợ một người đàn ông Trung Quốc, phải chịu nhiều cực khổ, bị bóc lột sức lao động...
Trong khi đó, nạn nhân Xeo Thị U. (SN 2002, trú xã Bảo Nam, Kỳ Sơn, Nghệ An) bị lừa bán sang Trung Quốc khi mới 14 tuổi. Tháng 7 vừa qua, Phòng Cảnh sát Hình sự - Công an tỉnh Nghệ An phối hợp Công an huyện Kỳ Sơn và Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn bắt giữ Xeo Văn Dậu (SN 1994, trú xã Lượng Minh, Tương Dương), Cụt Thị Bông (SN 1995, trú xã Chiêu Lưu, Kỳ Sơn) và Cụt Phò Thuận (SN 1986, trú xã Bảo Nam). Năm 2016, 3 đối tượng trên đã câu kết lừa bán cháu U. sang Trung Quốc với giá 135 triệu đồng.
Đặc biệt, ngày 1/8, Công an tỉnh Nghệ An phối hợp Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh giải cứu thành công Xeo Thị Q. (SN 2002, trú xã Bảo Nam, Kỳ Sơn) có dấu hiệu là nạn nhân của tội phạm mua bán người. Ngành chức năng đã bàn giao chị Q. cho gia đình và chính quyền địa phương, đồng thời thực hiện các bước xác minh, điều tra theo quy định pháp luật.
Theo một lãnh đạo của Phòng Cảnh sát Hình sự, tội phạm mua bán người còn tiềm ẩn phức tạp. Hiện tỉnh Nghệ An đang có 6 địa phương được xác định là địa bàn trọng điểm về tội phạm mua bán người, gồm các huyện miền núi Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu và Quỳ Hợp.
"Điểm mặt" thủ đoạn của tội phạm mua bán người
Phương thức, thủ đoạn hoạt động của nhóm tội phạm này chủ yếu là lợi dụng vào các mối quan hệ quen biết hoặc qua các đầu mối trung gian để tiếp cận nạn nhân. Chúng dùng lời lẽ dụ dỗ, hứa hẹn tìm việc làm lương cao, công khai ngã giá, rủ rê nạn nhân đi lấy chồng ở nước ngoài sẽ có cuộc sống nhàn hạ hơn, đồng thời có tiền giúp đỡ gia đình nên một số nạn nhân tin, tự nguyện đi theo.
"Thời gian gần đây, các đối tượng thường thông qua mạng xã hội như Zalo, Facebook, lợi dụng tình trạng người lao động ở cả nông thôn lẫn thành thị cần việc làm, đối tượng lừa đảo đã lập ra các trang như "Việc làm Campuchia", "Hội người Việt ở Campuchia"... sau đó tìm cách lôi kéo, lừa phỉnh nạn nhân, hứa hẹn có việc làm với mức lương cao. Các nạn nhân sang Campuchia, làm việc tại các casino, không đáp ứng được yêu cầu công việc sẽ bị bóc lột sức lao động và gọi về gia đình đòi tiền chuộc.
Ngoài ra, có một số đối tượng dùng thủ đoạn tìm đến các gia đình có phụ nữ ở các vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số đang mang thai, hoặc lợi dụng các trang mạng xã hội để dụ dỗ số phụ nữ đang mang thai nhưng không muốn nuôi con ở các địa phương, đưa sang Trung Quốc sinh con, rồi bán sang nước ngoài", đại diện Phòng PC02 cho hay.
Để ngăn chặn loại tội phạm này, bên cạnh đẩy mạnh công tác điều tra, các cơ quan liên quan chú trọng tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào vùng cao. Bên cạnh đó, ngành chức năng và các địa phương duy trì, nhân rộng mô hình, điển hình trong phòng, chống mua bán người như mô hình "Lá chắn phòng, chống mua bán người" tại bản Hồng Diện, xã Đôn Phục (huyện Con Cuông); "Hỗ trợ cộng đồng phòng, chống mua bán người" ở xã Tam Quang (huyện Tương Dương); "Câu lạc bộ Phòng, chống mua bán người" ở huyện Kỳ Sơn...
Tuy nhiên hiện nay, công tác phòng, chống loại tội phạm này còn gặp nhiều khó khăn. Nạn nhân của tội phạm mua bán người hầu hết mới chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ tiếp nhận, hỗ trợ tiền tàu xe, các nhu cầu thiết yếu ban đầu mà chưa được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ như vay vốn, học nghề, tạo việc làm...
Do vậy, cùng với công tác phòng, chống tội phạm thì hỗ trợ sinh kế, nâng cao đời sống cho đồng bào miền núi, đặc biệt là đối với phụ nữ được xác định là một trong những giải pháp bền vững để ngăn chặn tội phạm mua bán người.