Trẻ em, người chưa thành niên phạm tội: Luật cần nghiêm khắc mà nhân văn!

Hoa Lê

(Dân trí) - Luật tư pháp người chưa thành niên được xây dựng theo tinh thần quy định đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội, hạn chế tối đa việc trừng phạt...

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 6/6, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình dự luật Tư pháp người chưa thành niên. Dự luật gồm 173 điều được chia thành 5 phần, 11 chương.

Trẻ em, người chưa thành niên phạm tội: Luật cần nghiêm khắc mà nhân văn! - 1

Chánh án Nguyễn Hòa Bình là Trưởng ban soạn thảo, trình dự luật Tư pháp người chưa thành niên (Ảnh: Quochoi.vn).

Hệ thống tư pháp thân thiện, bảo vệ trẻ em

Trẻ em luôn được xác định là đối tượng ưu tiên chăm sóc, giáo dục và bảo vệ đặc biệt, thể hiện trong nhiều nghị quyết, văn kiện quan trọng. Đặc biệt, Chỉ thị số 28-CT-TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đã đề ra giải pháp "phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em".

Ngoài ra, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định "Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em".

Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên yêu cầu "Các quốc gia thành viên phải tìm cách thúc đẩy việc hình thành những đạo luật, thủ tục, các cơ quan và tổ chức riêng cho trẻ em bị coi là, bị tố cáo hay bị thừa nhận là đã vi phạm pháp luật hình sự".

Thẩm tra dự luật, Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên  với những lý do như đã nêu trong tờ trình.

"Việc ban hành Luật bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới và hoàn thiện chính sách pháp luật hình sự đối với NCTN; bảo đảm và bảo vệ tốt nhất lợi ích của NCTN. Dự thảo Luật khắc phục những hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành, chỉ điều chỉnh một số chính sách hình sự và thủ tục tố tụng hình sự đối với NCTN trên nền của các quy định vốn được dành cho người trưởng thành, mà thiếu cách tiếp cận có tính chuyên biệt, hệ thống và toàn diện", báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Theo Ủy ban Tư pháp, việc ban hành một đạo luật chuyên biệt về tư pháp đối với NCTN thể hiện Việt Nam đáp ứng và thực thi tích cực, nghiêm túc yêu cầu của Công ước quốc tế về quyền trẻ em, các khuyến nghị của Ủy ban Quyền trẻ em Liên hợp quốc.

Việt Nam đã có nhiều bộ luật, luật, văn bản dưới luật điều chỉnh về tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên, từng bước hình thành pháp luật về tư pháp người chưa thành niên. Nhìn chung, chính sách hình sự đối với người chưa thành niên cơ bản đã có sự phân hóa.

Một số thủ tục tố tụng, biện pháp giám sát, giáo dục, thi hành án, tái hòa nhập cộng đồng đặc thù áp dụng đối với người chưa thành niên đã được ban hành. Thiết chế bảo vệ người chưa thành niên trong hoạt động tư pháp, đặc biệt là hệ thống Tòa gia đình và người chưa thành niên đã từng bước được kiện toàn...

Tuy vậy, hệ thống pháp luật hiện hành cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Tờ trình của TAND tối cao, cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật nêu, thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự có người chưa thành niên tham gia cho thấy thủ tục giải quyết còn rườm rà, thời gian giải quyết còn dài. Quan điểm xử lý người chưa thành niên phạm tội vẫn còn nặng về răn đe, áp dụng hình phạt mà chưa xác định việc trừng phạt chỉ nên được sử dụng như là biện pháp cuối cùng.

Luật hiện hành chưa chú trọng tạo cơ hội cho người chưa thành niên phạm tội sửa chữa, cải thiện hành vi. Hoạt động tư pháp người chưa thành niên được phân công cho nhiều cấp, nhiều ngành nhưng không có cơ quan chủ trì điều phối, vì vậy, phối hợp liên ngành còn thiếu đồng bộ, chưa hiệu quả. Nguồn lực đầu tư cho việc chăm sóc, bảo vệ người chưa thành niên trong hoạt động tố tụng còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu;...

Những hạn chế này là một trong những nguyên nhân dẫn tới thực trạng tỷ lệ người chưa thành niên vi phạm, tái phạm vẫn còn cao và có xu hướng gia tăng.

Cũng theo Ban soạn thảo, Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á, thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em và nhiều văn kiện quốc tế về quyền con người nói chung và quyền trẻ em nói riêng. Các văn kiện này đều khuyến nghị đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện pháp luật về tư pháp người chưa thành niên.

Tuy vậy, cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có Luật Tư pháp người chưa thành niên. Trong khi đó, nhiều quốc gia trên thế giới đều đã có đạo luật này. Riêng ở khu vực ASEAN hiện đã có 9/10 quốc gia có Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Vì vậy, năm 2022 Ủy ban quyền trẻ em Liên hợp quốc đã khuyến nghị Việt Nam "xây dựng và thông qua một đạo luật toàn diện về tư pháp trẻ em, cung cấp khuôn khổ pháp lý cho hệ thống tư pháp trẻ em".

Hạn chế tối đa biện pháp trừng phạt

Ban soạn thảo dự luật xác định mục tiêu hoàn thiện pháp luật tư pháp đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội;

Tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ người chưa thành niên phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm, cải thiện hành vi thông qua xử lý chuyển hướng, hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp mang tính chất trừng phạt, giam giữ nhưng vẫn bảo đảm sự an toàn của cộng đồng và trật tự xã hội;

Xây dựng quy trình thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với độ tuổi, tâm lý, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức và vì lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên;

Trẻ em, người chưa thành niên phạm tội: Luật cần nghiêm khắc mà nhân văn! - 2

Dự luật Tư pháp người chưa thành niên sẽ được trình tại Quốc hội chiều nay (Ảnh: Quốc hội).

Bảo đảm các quyền cơ bản của người chưa thành niên trong xử lý chuyển hướng, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng;

Thu hút, huy động nguồn nhân lực có chuyên môn về công tác xã hội; tăng cường trách nhiệm của gia đình, cơ quan, tổ chức hữu quan hỗ trợ, giám sát, giáo dục người chưa thành niên;

Thiết lập cơ sở giam giữ phù hợp với mục đích phục hồi, giáo dục và sự phát triển của người chưa thành niên;

Tăng cường cơ hội tái hòa nhập cộng đồng; xây dựng cơ chế giám sát, giáo dục, phục hồi hiệu quả, chuyên nghiệp, phù hợp với người chưa thành niên.

Theo đó, quan điểm chung khi giải quyết các vụ việc có người chưa thành niên phát sinh là bảo đảm trật tự an toàn xã hội và bảo vệ nạn nhân. Xử lý nghiêm hành vi vi phạm nhưng vẫn nhân văn, tạo cơ hội sửa chữa lỗi lầm đối với người chưa thành niên phạm tội.

Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức, đặc điểm nhân thân, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Áp dụng hình phạt với người chưa thành niên phạm tội chỉ được xem là giải pháp cuối cùng. Áp dụng thủ tục tố tụng thân thiện trong suốt quá trình giải quyết vụ việc.

Dự luật quy định 12 biện pháp xử lý chuyển hướng áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội thay thế biện pháp trừng phạt (Điều 36) như: Khiển trách; Xin lỗi bị hại; Bồi thường thiệt hại; Tham gia điều trị và tư vấn tâm lý; Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng; Hạn chế khung giờ đi lại; Quản thúc tại gia đình…

Dự luật cũng đổi mới chế định ngăn chặn, cưỡng chế đối với người chưa thành niên bị buộc tội, đáng chú ý là 2 biện pháp mới "ám sát điện tử và giám sát tại nhà"; thu hẹp các trường hợp người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp tạm giam.

Có hàng chục điều khoản quy định về tố tụng thân thiện, xét xử thân thiện với đối tượng này. Dự luật cũng chỉ quy định hệ thống hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và tù có thời hạn, không áp dụng hình phạt tù chung thân và tử hình đối với người chưa thành niên (Điều 107-199). Về thi hành án, người chưa thành niên được giam giữ tại trại giam riêng (Điều 156), mở rộng cơ hội tái hòa nhập cộng đồng (Điều 166-171).