Đề xuất truy tố người chưa thành niên phạm tội bằng 1/2 khung hình phạt

Hoài Thu

(Dân trí) - TAND Tối cao đề nghị xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên với đề xuất xây dựng quy trình tố tụng thân thiện, cho phép VKS truy tố người chưa thành niên bằng 1/2 khung hình phạt tương ứng.

Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên là một trong những luật được đề nghị xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Nội dung này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sáng 10/4, tại phiên họp thứ 22.

Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Tiến cho biết dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên dự kiến xây dựng 6 nhóm chính sách quan trọng.

Một là đổi mới, xây dựng quy trình thủ tục tố tụng thân thiện; cho phép VKS được quyền truy tố người chưa thành niên theo mức hình phạt bằng 1/2 khung tương ứng; quy định trình tự, thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên.

Đề xuất truy tố người chưa thành niên phạm tội bằng 1/2 khung hình phạt - 1

Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Tiến (Ảnh: Phạm Thắng).

Hai là hoàn thiện quy định về hình phạt đối với người chưa thành niên, bao gồm cải tạo không giam giữ; giáo dục tại trường giáo dưỡng; tù có thời hạn và một số quy định cụ thể khác.

Ba là kế thừa, phát triển các quy định hiện hành về biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự, điều kiện áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.

Nhóm chính sách thứ tư nêu đề xuất giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thực hiện chức năng điều phối về tư pháp người chưa thành niên và quy định chức năng, nhiệm vụ của cơ quan điều phối trong dự án luật này.

Năm là quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của người làm công tác xã hội trong tư pháp hình sự người chưa thành niên.

Cuối cùng, TAND tối cao xây dựng cơ chế thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết Ủy ban Pháp luật và Thường trực các Ủy ban thẩm tra tán thành với đề nghị của Chính phủ và TAND Tối cao, đưa dự án này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và thông qua tại kỳ họp thứ 8.

Theo Bộ luật Dân sự 2015, người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi, được chia thành 3 nhóm: Người chưa đủ 6 tuổi; người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi và người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi.

Bộ luật Hình sự 2015 quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Người từ đủ 16 tuổi trở lên đến dưới 18 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.

Bộ luật này cũng nêu rõ việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của họ và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.