Trang bị kiến thức, kỹ năng cho trẻ em thông qua mô hình độc đáo

Lê Thanh Xuân

(Dân trí) - Nhận thức rõ vai trò quan trọng của công tác bảo vệ trẻ em, các cấp, ngành và các địa phương đã có nhiều hoạt động nhằm tạo điều kiện thuận lợi để trẻ em được chăm sóc, đảm bảo các quyền của trẻ em.

Thúc đẩy quyền trẻ em

Không chỉ mở rộng, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các thành viên tham gia mạng lưới xã hội bảo vệ, chăm sóc trẻ em, từ Trung ương đến địa phương đã đa dạng hóa hình thức, mô hình cung cấp thông tin, thúc đẩy quyền trẻ em ngày càng mạnh mẽ hơn.

Thí điểm triển khai từ năm 2017, đến nay, mô hình Hội đồng trẻ em đã được triển khai ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, góp phần quan trọng trong thúc đẩy quyền và tiếng nói trẻ em.

Tiêu biểu nhất phải kể đến trong tháng 9 vừa qua, phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ I diễn ra tại Phòng họp Diên Hồng của Nhà Quốc hội, do 263 đại biểu trẻ em tham gia điều hành. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một phiên họp "Quốc hội" trẻ em được tổ chức, nhằm thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em.

Trang bị kiến thức, kỹ năng cho trẻ em thông qua mô hình độc đáo - 1

Đại biểu trẻ em sẽ đóng vai đại biểu Quốc hội để thảo luận, nêu ý kiến về những vấn đề nóng liên quan tới trẻ em (Ảnh: Nghĩa Đức).

Phiên họp giả định toàn thể có sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, qua đó khẳng định sự quan tâm rất lớn đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Tại địa phương, rất nhiều mô hình mới, hoạt động câu lạc bộ trẻ em ra đời nhằm thúc đẩy quyền trẻ em. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai chương trình, đề án về bảo vệ, chăm sóc trẻ em và hướng dẫn các bộ ngành, địa phương về công tác trẻ em năm 2023.

Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Bình Định đã có chỉ đạo về việc triển khai công tác trẻ em trên địa bàn tỉnh. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu thực hiện đầy đủ trách nhiệm của các cấp, các ngành, người đứng đầu chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em.

Đặc biệt, tỉnh Bình Định đặc biệt chú trọng đến việc rà soát, đánh giá kết quả công tác phối hợp liên ngành trong phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp, xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em; phòng, chống bạo lực trẻ em trong gia đình, trường học; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là đuối nước, tai nạn giao thông; hỗ trợ và chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh; phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật; bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; chăm sóc, phát triển toàn diện trẻ em.

Nhân rộng mô hình hỗ trợ trẻ em

Trong đó, tỉnh Bình Định đã tăng cường triển khai, duy trì, nhân rộng các mô hình về hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã được thành lập.

Cụ thể như các mô hình phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị xâm hại; cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; mạng lưới kết nối chăm sóc, phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời và các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công tác trẻ em cho chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, cha mẹ và trẻ em.

Theo đó, vừa qua, các huyện miền núi của tỉnh đã linh hoạt hình thức cung cấp thông tin đến trẻ em bằng mô hình hội thi, câu lạc bộ. Hội Liên hiệp phụ nữ huyện An Lão đã phối hợp với Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT huyện An Lão và Trường Phổ thông dân tộc bán trú Đinh Ruối ra mắt 2 câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" tại hai trường.

Trang bị kiến thức, kỹ năng cho trẻ em thông qua mô hình độc đáo - 2

Buổi tập huấn về quyền trẻ em (Ảnh: Sở LĐ-TB&XH Bình Định).

Lần đầu tiên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã tổ chức buổi tập huấn dành cho 66 trẻ em nòng cốt của các câu lạc bộ quyền tham gia của trẻ em đến từ thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn và huyện Tây Sơn, Vĩnh Thạnh.

Các em được hướng dẫn kỹ năng bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; hướng dẫn kỹ năng giảm bớt căng thẳng; hướng dẫn kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Sau đó, khi trở về sinh hoạt tại câu lạc bộ của mình, các em sẽ là những tuyên truyền viên tích cực, hỗ trợ hiệu quả thành viên, trẻ em trên địa bàn nơi sinh sống.

Trở thành hoạt động thường niên, Tháng hành động vì trẻ em vừa qua đã được tỉnh Bình Định tổ chức rộng khắp, phát động toàn xã hội chung tay bảo vệ trẻ em, giúp trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh để trẻ em được phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và tinh thần.

Để có những hoạt động ý nghĩa trong việc chăm sóc, bảo vệ và thúc đẩy quyền trẻ em trong thời gian qua, bà Trương Thị Thùy Trang, Trưởng Phòng Trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, công tác trẻ em và bình đẳng giới được các sở, ban, ngành, hội đoàn thể, các địa phương xem là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Trong 9 tháng đầu năm, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) đã tiếp nhận 238.500 cuộc gọi đến (giảm 85.953 cuộc so với cùng kỳ năm 2022); 950 lượt tiếp nhận qua App và Zalo (giảm 7.261 lượt so với cùng kỳ năm 2022).

Về huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 8 tháng đầu năm Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam vận động được trên 17,851 tỷ đồng; thực hiện hỗ trợ cho 48.221 lượt trẻ em với kinh phí trên 26,06 tỷ đồng.