Bí ẩn xung quanh cây đại thụ 700 tuổi cứ bị chặt lại có người ngã bệnh
(Dân trí) - Theo câu chuyện truyền miệng, mỗi khi định đốn hạ cây đại thụ tuổi đời hơn 700 năm này lại có người đổ bệnh.
Đến khu vực nhà ga xe lửa Kayashima ở vùng đông bắc Osaka, Nhật Bản, nhiều du khách tỏ ra bất ngờ trước kiến trúc độc đáo tại đây. Điểm nhấn khác biệt chính là khu giếng trời hình vuông lớn để dành chỗ cho cây đại thụ hàng trăm năm tuổi vẫn vươn lên tươi tốt.
Những tán cây mọc vươn ra khỏi mái nhà ga, đó là cây long não khoảng hơn 700 năm tuổi. Nó được biết tới với tên gọi "The Big Kusu of Kayashima" (tạm dịch: cây Kusu đại thụ của Kayashima).
Kể từ khi nhà ga Kayashima đi vào hoạt động năm 1910, cây long não này đã ở đó, che nắng mưa cho hành khách. Suốt hàng chục năm, cây long não "không làm phiền" bất cứ ai. Cho tới khi dân số Nhật Bản bắt đầu tăng với tốc độ chóng mặt, tình trạng quá tải trở thành vấn đề nghiêm trọng khiến chính quyền địa phương nhận định rằng nhà ga Kayashima cần được mở rộng để đón lượng khách lớn hơn. Kế hoạch trên được thông qua vào năm 1972 và cây long não già sẽ bị đốn hạ.
Tuy nhiên, cũng từ đó, nhiều chuyện kỳ lạ đã xảy ra.
Trang Spoon & Tamago cho biết, cây cổ thụ này vốn gắn với một ngôi đền thờ linh thiêng tại địa phương. Nơi đây thờ cúng các vị Thần. Bởi vậy, thông tin về cây sắp bị đốn hạ khiến nhiều người dân địa phương bất bình và phản đối. Những câu chuyện truyền miệng được kể lại liên quan tới các sự kiện trùng hợp đáng sợ xảy ra trong khoảng thời gian đó.
Cụ thể, một số người dân cho biết, họ thấy một con rắn trắng trườn trên cành cây. Số khác lại khẳng định có khói trắng bốc lên từ đây. Khi một cành long não bị cắt bỏ, một người công nhân đã đổ bệnh.
Trên trang July's Culture Medium, một người Mỹ có tên July McAtee từng có thời gian sống tại Nhật Bản, đã chia sẻ câu chuyện huyền bí hơn về cây đại thụ này. Đồng nghiệp của July cho biết, người dân giữ lại cây vì sự sợ hãi và mê tín. Trước đó, người ta từng định đốn hạ cây hai lần, nhưng mỗi lần như vậy đều có ai đó qua đời. Người địa phương tin rằng, thần linh muốn cây được sống, nên phải từ bỏ việc chặt hạ và mở rộng nhà ga xung quanh gốc cây.
Qua nhiều lần tranh cãi, cuối cùng, các quan chức địa phương đã đồng ý và cam đoan giữ lại cây cổ thụ này. Tới năm 1980, việc cải tạo nhà ga đã hoàn thành. Nhờ sự bảo vệ mạnh mẽ có phần tâm linh của người dân, cây long não vẫn tồn tại. Trong khi đó, quần thể kiến trúc nhà ga Kayashima được xây bao quanh.