TPHCM: Hơn 1.000 tỷ đồng chăm lo Tết Tân Sửu năm 2021
(Dân trí) - Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, tổng kinh phí chăm lo Tết Tân Sửu 2021 là 1.025 tỷ đồng (tăng gần 12 tỷ đồng so với năm 2020), đáng chú ý là nguồn xã hội hóa lên tới 239 tỷ đồng.
Thông tin trên được ông Võ Văn Hoan đưa ra tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác chăm lo Tết Nguyên đán Tân Sửu của UBND TPHCM diễn ra chiều 18/2.
"Nguồn kinh phí xã hội hóa chăm lo Tết năm 2021 vận động được khoảng 239 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ, cho thấy thành phố không để ai bỏ lại phía sau, mọi người dân đều có cái Tết ấm áp, an vui", ông Hoan nhấn mạnh.
Thành phố đã tổ chức 19 đoàn lãnh đạo đi thăm nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lão thành cách mạng và gia đình; 39 đoàn đại biểu đi thăm, tặng quà cho 159 đơn vị và gần 595.000 đối tượng diện chính sách có công, chính sách xã hội, hộ nghèo, hộ khó khăn, văn nghệ sĩ bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, số lượng người lao động, công nhân, sinh viên ở lại thành phố đông hơn mọi năm. Mặt trận và các đoàn thể thành phố đã quan tâm, chăm lo Tết đến từng đối tượng tại các khu nhà trọ, ký túc xá. Đồng thời chăm lo chu đáo cho người dân tại các khu cách ly, phong tỏa do ảnh hưởng dịch bệnh, đảm bảo Tết đến với mọi người, mọi nhà.
Liên đoàn lao động TPHCM tổ chức chương trình "Tấm vé nghĩa tình" hỗ trợ vé xe cho công nhân với 34.171 vé, trị giá hơn 16 tỷ đồng.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP, công tác giám sát trả lương, thưởng và các khoản trợ cấp, hỗ trợ cho người lao động trước và trong dịp Tết đảm bảo chu đáo, đầy đủ và kịp thời đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Mức thưởng bình quân 9,09 triệu đồng/người, thấp hơn 9% so với Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 (9,99 triệu đồng/người).
"Nguyên nhân do ảnh hưởng dịch Covid-19 làm hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, đơn hàng giảm, doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, khó thu hồi công nợ", ông Hoan nói.
Đến nay chỉ xảy ra 2 vụ tranh chấp lao động tập thể (1 doanh nghiệp FDI và 1 doanh nghiệp trong nước) trong khu công nghiệp trên địa bàn huyện Củ Chi với tổng số 570 người tham gia (bằng số vụ và tăng 93 người so với cùng kỳ năm 2020).
Nguyên nhân là do tiền thưởng Tết giảm, người lao động đề nghị doanh nghiệp thưởng Tết bằng năm 2020. Hai vụ tranh chấp lao động tập thể xảy ra trong thời gian ngắn và đã được tổ công tác của thành phố tiếp cận, hỗ trợ các bên thương lượng, giải quyết xong trước Tết nguyên đán.
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Lê Minh Tấn cho biết, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng công tác chăm lo Tết cho các đối tượng được tổ chức chu đáo. Đặc biệt, năm nay huy động nguồn xã hội hóa được 239 tỷ đồng, cao hơn năm 2020 (hơn 200 tỷ đồng), trong đó huy động cao nhất là TP Thủ Đức với hơn 18 tỷ đồng.
Về tình hình mối quan hệ doanh nghiệp, người lao động dịp Tết Nguyên đán, ông Lê Minh Tấn cho biết năm nay không có trường hợp doanh nghiệp bỏ trốn.
Sau kỳ nghỉ Tết đã có 88% lao động trở lại làm việc. Nhiều doanh nghiệp cho nghỉ đến hết ngày Mùng 10 tháng Giêng và dự kiến ngày 11 tháng Giêng tỷ lệ người lao động trở lại làm việc đạt 98%.