TPHCM đưa gần 300 trẻ em, người lang thang xin ăn về trung tâm bảo trợ
(Dân trí) - Theo UBND TPHCM, trong quý 1/2023, thành phố đã tiếp nhận 276 người xin ăn, không có nơi cư trú ổn định.
Thời gian qua, UBND TP yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các địa phương đẩy mạnh thực hiện công tác tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn, xin tiền dưới bất cứ hình thức nào như đàn hát để xin, giả danh tu sĩ Phật giáo để đi khất thực, hoặc các hình thức đi xin có tính đối phó khi kiểm tra như bán vé số, bán bánh kẹo…
Trong tháng 3, thành phố cũng đã ban hành quy định cơ chế phối hợp thực hiện công tác này, tổ chức hội nghị triển khai đến từng ban ngành liên quan và lãnh đạo tất cả UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn.
Theo cơ chế này, lãnh đạo thành phố chỉ đạo tất cả 312 UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành lập Tổ công tác riêng để thực hiện nội dung trên.
UBND các địa phương và tổ công tác có nhiệm vụ thông tin, phổ biến rộng rãi trong khu dân cư số điện thoại của các thành viên tổ công tác để tiếp nhận thông tin từ người dân. Từ đó, rà soát, lập danh sách các khu vực có trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật có nguy cơ lang thang xin ăn để kịp thời xử lý.
Chỉ tính riêng trong quý 1, thành phố đã tiếp nhận ban đầu 276 trường hợp người xin ăn, không có nơi cư trú ổn định.
Khi phát hiện những trường hợp trên, các tổ công tác địa phương sẽ chia thành từng nhóm để có cách xử lý khác nhau.
Với những người sức khỏe yếu, có biểu hiện suy kiệt, nghi ngờ mắc các bệnh truyền nhiễm hoặc có hành vi quá khích, nghi vấn tâm thần sẽ được đưa đến các cơ sở y tế thăm khám, điều trị.
Trường hợp xác định những người này mắc bệnh truyền nhiễm (phong, AIDS, lao kháng thuốc) sẽ được tổ công tác đưa đến Khu điều trị phong Bến Sắn hoặc Bệnh viện Nhân ái.
Trường hợp không mắc bệnh mà có nơi cư trú tại TPHCM, tổ công tác sẽ xác minh, đưa về nơi ở và lập biên bản nhắc nhở. Nếu trường hợp đã lập biên bản nhắc nhở 1 lần hoặc tại địa chỉ cư trú không có người thân thích, nhà đã bán hoặc giải tỏa thì đưa về cơ sở trợ giúp xã hội.
Trường hợp không mắc bệnh mà có nơi cư trú ngoài TPHCM, tổ công tác đưa về Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần (đối với người quá khích) hoặc trung tâm hỗ trợ xã hội để chờ bàn giao cho chính quyền nơi họ cư trú.
Trước đây, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM đã nhiều lần kêu gọi người dân thành phố không cho tiền trực tiếp người ăn xin trên đường phố. Chính quyền thành phố cũng khuyến nghị người dân, khi phát hiện người xin ăn thì thông báo đến các cơ quan chức năng xử lý.