TPHCM đưa 800 người lang thang, xin ăn về các trung tâm bảo trợ xã hội
(Dân trí) - Trong 8 tháng đầu năm, TPHCM đã tiếp nhận 792 người xin ăn, sống lang thang và 9 người có hoàn cảnh khó khăn về nuôi dưỡng tại các trung tâm bảo trợ xã hội.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, trong tháng 8, các đơn vị thuộc sở đã tiếp nhận 109 trường hợp người xin ăn, sinh sống nơi công cộng, không có nơi cư trú ổn định về các trung tâm bảo trợ xã hội nuôi dưỡng.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, Sở đã tiếp nhận 792 người xin ăn, sinh sống nơi công cộng, không có nơi cư trú ổn định, trong đó có 173 trường hợp có biểu hiện tâm thần. Ngoài ra, các đơn vị thuộc sở còn tiếp nhận 9 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn về nuôi dưỡng.
Hiện tại, 15 cơ sở bảo trợ xã hội công lập trực thuộc Sở LĐ-TB&XH TPHCM đang nuôi dưỡng, chăm sóc hơn 6.200 người, trong đó có 840 trẻ em dưới 16 tuổi và gần 1.700 người cao tuổi.
Về tình trạng sức khỏe, trong số hơn 6.200 người đang được các cơ sở bảo trợ xã hội của thành phố nuôi dưỡng có đến 4.250 người khuyết tật đặc biệt nặng (3.108 người bệnh tâm thần).
Thời gian qua, UBND thành phố yêu cầu Sở LĐ-TB&XH TPHCM cùng các địa phương đẩy mạnh việc tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn, xin tiền dưới bất cứ hình thức nào như đàn hát để xin, giả danh tu sĩ Phật giáo để đi khất thực, hoặc các hình thức đi xin có tính đối phó khi kiểm tra như bán vé số, bán bánh kẹo…
Tháng 3, thành phố đã ban hành quy định cơ chế phối hợp thực hiện công tác trên, tổ chức hội nghị triển khai đến từng ban ngành liên quan và lãnh đạo 312 UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn.
Theo cơ chế này, lãnh đạo thành phố chỉ đạo mỗi UBND xã, phường, thị trấn phải thành lập 1 tổ công tác riêng để thực hiện nội dung trên. Khi phát hiện trường hợp xin ăn, các tổ công tác địa phương sẽ căn cứ vào cơ chế phối hợp để xử lý.
Cuối tháng 8, Sở LĐ-TB&XH TPHCM cũng có văn bản yêu cầu chính quyền các quận, huyện, TP Thủ Đức và các trung tâm bảo trợ xã hội thực hiện cao điểm công tác tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn trên địa bàn, đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội nuôi dưỡng.
Trong văn bản này, Sở yêu cầu các tổ công tác địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát địa bàn, kịp thời phát hiện, tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn.
"Trường hợp phát hiện có dấu hiệu chăn dắt, dụ dỗ trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi đi xin ăn để trục lợi, tổ công tác xử lý hoặc chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra", Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM Lê Văn Thinh chỉ đạo.