TP Cần Thơ: Cán bộ đi từng ngõ, rà từng lao động tự do để xét hỗ trợ
(Dân trí) - Dịch bệnh khiến cuộc sống của lao động tự do trở nên khó khăn. Thấu hiểu điều này, những ngày qua bất kể mưa gió, cán bộ ấp, xã, phường TP Cần Thơ đến tận nhà dân, phát phiếu đề nghị nhận hỗ trợ.
Đến từng nhà, rà soát lao động tự do…
Có mặt tại văn phòng khu vực 3 (phường An Cư, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) vào tuần đầu tháng 9, PV Dân trí đã ghi nhận không khí tất bật của các cán bộ khu vực. Một số cán bộ đang khẩn trương hướng dẫn người dân ghi thông tin chuẩn bị test nhanh Covid-19 tại nhà. Một vài cán bộ khác mang gạo, rau, củ, quả hỗ trợ người dân…
"Từ khi dịch bùng phát đến nay, cán bộ khu vực làm việc không còn xem giờ hay quan tâm hôm nay thứ mấy nữa", ông Lê Phước Tài - Bí thư, Trưởng khu vực 3 cho biết. Ông đang trên đường tới các tổ 3, tổ 4 phát phiếu đề nghị hỗ trợ cho người dân. Vì nhóm đối tượng này hiện gặp nhiều khó khăn và mất việc đã lâu.
Bà Nguyễn Thị Hiên - cư dân Tổ 3 (Khu vực 3) chia sẻ: "Thấy cán bộ đến phát giấy để làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ tôi mừng lắm. Từ khi thành phố thực hiện Chỉ thị 16, tôi đóng cửa hàng tạp hóa, không buôn bán gì được. Đứa con lớn cũng bị thất nghiệp vì dịch".
Theo lãnh đạo UBND phường An Cư, tính đến ngày 11/9, toàn phường đã phát hơn 3.200 giấy đề nghị hỗ trợ lao động tự do, đã xét đợt một và trình về quận 352 trường hợp. UBND phường đang xét đợt 2 có 416 hồ sơ.
Theo bà Trần Phương Dung - Phó Chủ tịch UBND phường An Cư, đối với nhóm lao động tự do, trước đây UBND phường đã cho các khu vực phát phiếu khảo sát nên thuận tiện hơn khi bắt đầu triển khai.
"Nhưng do địa phương đang tập trung công tác phòng, chống dịch, xét nghiệm cộng đồng, công tác an sinh nên dù cán bộ phường, khu vực làm việc hết công suất nhưng không thể nhanh hơn. Lãnh đạo phường mong người dân thông cảm", bà Trần Phương Dung chia sẻ.
Tại nhiều xã nông thôn trên địa bàn huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cán bộ từ huyện đến ấp đang khẩn trương với công tác xét nghiệm toàn dân, công tác an sinh, hỗ trợ công tác truy vết... Tuy nhiên, khi tranh thủ hết việc cấp bách, cán bộ xã, ấp lại đến từng nhà dân phát phiếu đề nghị hỗ trợ cho nhóm lao động tự do.
Ông Lê Văn Vui, Phó trưởng ấp Thới Xuân, chia sẻ: "Thời gian này, nắng, mưa thất thường, anh em trong Ban nhân dân ấp Thới Xuân làm việc như chạy đua với thời gian nhưng không hết việc. Vất vả nhưng mọi người thấy vui vì được bà con cảm thông, khi việc hỗ trợ chưa thể nhanh, phủ hết như người dân mong đợi".
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thắng, tính đến nay, xã nhận 1.400 hồ sơ nhóm lao động tự do. Nhưng qua xét duyệt được 1.029 hồ sơ và đã gửi lên cấp huyện. Hiện các ấp vẫn đang khẩn trương phát phiếu đề nghị hỗ trợ và nhận lại hồ sơ của người dân.
Còn lúng túng xác định lao động tự do
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, đến ngày 11/9, tất cả các ấp, khu vực tại các xã, phường của TP Cần Thơ đã triển khai phát phiếu đề nghị hỗ trợ cho nhóm lao động tự do (có 5 nhóm theo Nghị quyết số 52 của HĐND TP Cần Thơ ban hành 27/8).
Tuy nhiên do TP Cần Thơ đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, các địa phương đang tập trung mở rộng xét nghiệm toàn dân để sớm kiểm soát dịch bệnh nên tiến độ triển khai hỗ trợ lao động tự do còn chậm.
Cụ thể đến ngày 10/9, nhóm 1 - người bán vé số lẻ, đợt 1 và 2 đã phê duyệt trên 11.600 người, đã chi trên 8.000 người; nhóm 2,3,4,5 đã trình cấp thẩm quyền phê duyệt trên 26.300 người, nhưng đến nay mới hơn 900 hồ sơ được duyệt.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thắng, khi địa phương rà soát và nhận yêu cầu hỗ trợ từ người lao động thì nhận thấy: Công việc lao động tự do rất đa dạng, mỗi địa phương có những công việc thực tế khác nhau, như khu vực nông thôn có nghề phun thuốc, rải phân thuê, gặt lúa...
Trước mắt, công việc nào xác định rõ ràng thì địa phương sẽ đưa vào danh sách. Công việc nào chưa rõ địa phương sẽ tổng hợp, kiến nghị cấp trên xem xét cho người dân.
Ngoài, ra nhiều địa phương còn gặp khó khi xem xét "nhóm lao động khác" phải ngừng việc do dịch Covid-19 (nhóm 5). Vì "công việc khác" là gì để xét duyệt cho người dân thì cần có hướng dẫn cụ thể.
Về hướng giải quyết, lãnh đạo Sở LĐ-TBXH TP Cần Thơ sẽ thành lập Tổ hướng dẫn, giải đáp thắc mắc về các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết 52 của HĐND TP Cần Thơ; lập nhóm chat Zalo giải đáp thắc mắc thực hiện nhóm lao động tự do.
Mới đây, Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ còn ban hành văn bản gửi các Phòng LĐ-TB&XH đề nghị thống kê tất cả các công việc lao động tự do của từng nhóm đối tượng theo thực tế tại địa phương. Sở cũng yêu cầu thống kê những loại công việc lao động tự do mà địa phương chưa thể xác định thuộc nhóm nào theo quy định tại Nghị quyết số 52 của HĐND TP Cần Thơ, để đưa vào danh sách đề nghị hỗ trợ.
5 nhóm đối tượng lao động tự do được nhận hỗ trợ
Ngày 27/8, HĐND TP Cần Thơ ban hành Nghị quyết số 52 về việc ban hành chính sách hỗ trợ cho nhóm lao động không có giao kết hợp đồng (lao động tự do), với mức hỗ trợ 2 triệu đồng/người.
Theo đó, có 5 nhóm đối tượng lao động tự do được nhận hỗ trợ, gồm: Bán vé số lẻ (nhóm 1);
Bốc vác, vận chuyển hàng hóa, vận chuyển hành khách bằng xe gắn máy (xe ôm truyền thống); Buôn bán hàng rong, bán hàng tự sản, tự tiêu ở chợ truyền thống, chợ dân sinh, chợ nổi; sửa xe, rửa xe, sửa đồ gia dụng (nhóm 2);
Lao động làm việc thời vụ (nhóm 3);
Tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong các lĩnh vực lưu trú, ăn uống, du lịch (nhóm 4);
Làm các công việc khác phải tạm ngưng hoạt động vì ảnh hưởng dịch Covid-19 (nhóm 5).