Tô cháo đền ơn "5.000 đồng hoặc không tiền cũng được"

Diệp Phan

(Dân trí) - Từng mưu sinh nhiều nghề, cảm thông với người lao động nghèo, anh Hòa treo bảng hiệu trước quán: "Cháo lòng cho người khuyết tật, người già, người bán vé số, 5k hoặc không tiền cũng được".

Gần 1 năm nay, quán cháo lòng Quang Khải của vợ chồng anh Trần Văn Hòa, 47 tuổi, và chị Trần Thị Dung, 36 tuổi, là nơi tìm đến của nhiều người lao động nghèo Sài Gòn.

Quán nằm ở số 317, đường Trung Mỹ Tây 13, quận 12, không gian chỉ vỏn vẹn khoảng 60m2 với 7 chiếc bàn mặt đá nhưng được sắp xếp rất gọn gàng, sạch sẽ.

Tô cháo đền ơn 5.000 đồng hoặc không tiền cũng được - 1

Chị Dung đang chuẩn bị nguyên liệu cho vào cháo (Ảnh: Thanh Huyền).

Trước khi làm ông chủ quán cháo lòng, vợ chồng anh Hòa khởi nghiệp với hai bàn tay trắng. Họ trải qua nhiều nghề như bán trái cây, chạy xe tải thuê… Khi có một số vốn, họ mở quán ăn chuyên về hải sản nhưng không thành công.

Vốn là người quê gốc Hà Nam, anh Hòa vực dậy, thử sức với quán cháo lòng, nấu theo khẩu vị của quê hương. Dần dần, anh tự học cách pha trộn giữa công thức của người Bắc và người Nam nên quán khá đắt khách.

Cặp vợ chồng có lẽ sẽ chưa nghĩ đến chuyện phải giúp đỡ người nghèo bằng một tô cháo giá rẻ chỉ 5.000 đồng, thậm chí là miễn phí nếu chưa từng trải qua biến cố.

Trước dịch Covid -19 năm ngoái, trong một lần đi chợ mua nguyên liệu anh Hòa bị tai nạn tưởng chừng khó qua khỏi. Khi đó, quán phải đóng cửa, vợ chồng chị về quê Hà Nam của anh sống gần một năm.

Hi hữu, anh Hòa hồi phục hoàn toàn. Vợ chồng anh tâm niệm là do trời thương nên phải làm việc tốt để đền ơn cuộc đời. "Vậy là từ sau Tết, hai vợ chồng quyết định treo bảng hiệu này để giúp người nghèo có những bữa ăn ngon, không phải bận lòng", chị Dung chia sẻ.

Không muốn vợ cực nhọc với việc dậy sớm mỗi ngày, anh Hòa nhận việc đi chợ từ 3 giờ sáng rồi về tự sơ chế thực phẩm rồi bắc nồi nấu cháo.

Tô cháo đền ơn 5.000 đồng hoặc không tiền cũng được - 2

Quán lúc nào cũng đông khách (Ảnh: Thanh Huyền).

Tô cháo đền ơn 5.000 đồng hoặc không tiền cũng được - 3

Anh Hòa làm hầu hết mọi công đoạn từ sơ chế đến đứng bếp nấu (Ảnh: Thanh Huyền).

Mỗi ngày, quán phục vụ hàng trăm thực khách với hai món cháo lòng và bún lòng. Buổi sáng quán bán từ 6 đến 11 giờ trưa, có cháo lòng, tiết canh, má heo. Buổi chiều, từ 16h đến 21h, anh Hòa bán thêm vịt quay mang đi. Việc nấu ăn do anh Hòa đảm nhận, còn chị Dung là người trực tiếp đứng bán.

Cho rằng nội tạng của động vật nếu không chế biến kỹ thì sẽ có mùi tanh và có thể mang nhiều mầm bệnh nên anh Hòa đặt tâm huyết vào khâu sơ chế.

"Bán cho người khác cũng nên xem như bán cho người nhà mình. Tôi muốn khách ghé quán ăn không phải chỉ vì rẻ, ngon mà còn là sạch sẽ, dinh dưỡng", anh Hòa tâm niệm.

Bình thường, anh Hòa bán một tô cháo đầy đủ giá 25.000 đồng: gồm huyết heo, lòng non, phèo,… ăn kèm nước mắm có vài lát hành tím, ớt, cùng với đĩa rau thơm.

Ông Thái Minh Thành (56 tuổi, quận 12) cho biết: "Tôi làm thợ hồ, sống ở Sài Gòn cũng hơn 20 năm nhưng thấy cháo lòng quán anh Hòa hợp khẩu vị nhất. Tuy quán có bán giá rẻ hỗ trợ người nghèo nhưng tôi còn đi làm được nên vẫn ăn tô cháo giá bình thường, nhường phần hỗ trợ cho những người khó khăn hơn".

Tô cháo đền ơn 5.000 đồng hoặc không tiền cũng được - 4

Tô cháo 5.000 đồng vẫn rất chất lượng (Ảnh: Thanh Huyền).

Tuy bán nhiều lời ít nhưng vợ chồng anh Hòa vẫn thấy vui với việc tốt đang làm. Nhiều lần thấy người vô gia cư, người già bán vé số vào quán, anh chị không muốn lấy tiền nhưng nhiều người vẫn nhất quyết trả. Khi đó, vợ chồng anh chị thường nói "trả bao nhiêu cũng được", để những người lao động nghèo không ngại.

"Vợ chồng tôi cũng sống xa quê, buôn bán không dư giả nhiều nhưng hễ giúp được ai thì cứ giúp, lòng tốt thì không lãng phí bao giờ" chị Dung tâm niệm.