Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà:
Tình trạng lao động trẻ em để lại hậu quả nặng nề
(Dân trí) - Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà trước vấn nạn sử dụng lao động trẻ em trên thế giới cũng như ở Việt Nam.
Sáng 1/12, tại Hà Nội, Hội thảo triển khai Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) đồng tổ chức.
Khó phát hiện ở lĩnh vực nông nghiệp
Hội nghị có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà; đại diện Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cùng các bộ ngành khác.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, Chương trình "Phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng sử dụng lao động là trẻ em trái pháp luật" cần hướng tới mục tiêu giảm nhanh tỷ lệ lao động trẻ em trong thời gian tới, cụ thể: Giảm tỷ lệ lao động trẻ em độ tuổi 5-17 tuổi từ dưới 4,9% (năm 2025 xuống còn 4,5% (năm 2030).
Đánh giá tình trạng lao động trẻ em xảy ra tại hầu hết các quốc gia trên toàn cầu, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho rằng, việc trẻ em phải lao động sớm đã và đang để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến sự phát triển hài hòa của trẻ em, cản trở việc tiếp cận và thụ hưởng nền giáo dục phù hợp.
"Điều này làm cản trở việc chuẩn bị một tương lai tốt hơn cho các em, làm mất đi các quyền của trẻ em và tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội, nhất là chất lượng của nguồn nhân lực trong tương lai", Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nói.
Theo đại diện Bộ LĐ-TB&XH tại Hội thảo: "Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Việt Nam cũng đã phê chuẩn Công ước số 182 của ILO về việc cấm và những hành động tức thời để loại bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, Công ước số 138 của ILO về tuổi tối thiểu làm việc".
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, việc phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
"Lao động trẻ em tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp, đây là những nơi khó can thiệp. Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra tình trạng lao động trẻ em còn gặp khó khăn trong hộ gia đình, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, khu vực phi chính thức và có nguy cơ cao tham gia chuỗi cung ứng", Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nêu.
79 triệu trẻ em phải làm việc
Tình trạng lao động trẻ em ảnh hưởng tiêu cực đến việc học tập, phát triển thể chất và tâm lý của trẻ em do tiếp xúc môi trường độc hại nguy hiểm. Nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ cơ sở, người sử dụng lao động, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em về phòng ngừa lao động trẻ em còn hạn chế.
Tại Hội thảo, Thượng tá Ngô Xuân Ý - Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) - nhấn mạnh, cơ quan này đã chỉ đạo tới lực lượng công an cấp xã, nhất là các cán bộ công an chính quy nắm rõ tình hình địa phương để phấn đấu hoàn thành mục tiêu 100% trẻ có nguy cơ trở thành lao động trẻ em, nguy cơ thành nạn nhân mua bán người được hỗ trợ, quản lý, theo dõi.
Đồng thời, ngành công an đang nâng cao chất lượng giải quyết tin báo và tập huấn năng lực điều tra thân thiện với cán bộ cấp cơ sở liên quan đến vấn đề lao động trẻ em.
Chia sẻ quan điểm tại Hội thảo, bà Bharati Pflug (chuyên gia cao cấp của ILO) đánh giá, Việt Nam đã giảm 6% lao động trẻ em, số lao động trẻ em được đi học tăng từ 43% lên 63%, so với thế giới tỉ lệ lao động trẻ em ở Việt Nam đã thấp hơn 4%.
"Năm 2020, 160 triệu trẻ em tham gia lao động trẻ em và 79 triệu em đang làm những công việc nguy hiểm. Đại dịch Covid-19 cũng cảnh báo số lao động trẻ em trên toàn thế giới sẽ tăng thêm 8,9 triệu, nâng tổng số lao động trẻ em toàn cầu xấp xỉ 169 triệu vào năm 2022", ước tính của đại diện ILO.