Tin lời nhân viên vay tiền online, công nhân bẻ sim, trốn nợ

Xuân Hinh

(Dân trí) - Qua 3 lần vay 90 triệu nhưng thực tế chỉ nhận 51 triệu đồng từ công ty tài chính, anh S. phải "còng lưng" trả hơn 70 triệu đồng nhưng vẫn nợ khoảng 40 triệu đồng.

"Sập bẫy" tín dụng đen

Tin lời nhân viên vay tiền online, công nhân bẻ sim, trốn nợ - 1

Năm 2015, anh N.H.S. làm việc tại khu công nghiệp Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) vay tiền của công ty tài chính 20 triệu đồng để mua xe máy, trả góp trong 2 năm, mỗi tháng trả góp hơn 1 triệu đồng.

Công ty tài chính này thường xuyên có người đứng trước cổng khu công nghiệp phát tờ rơi nên anh S. rất dễ dàng tiếp cận. Thủ tục vay tiền khá đơn giản, anh S. chỉ cần gọi điện, xác minh một số vấn đề liên quan đến nơi làm việc, hợp đồng lao động. Sau đó, một người đại diện công ty tài chính đến gặp trực tiếp để nhận bản photo chứng minh thư, hộ khẩu, bảng lương, hợp đồng lao động… và tiền vay được chuyển vào tài khoản của anh S. trong ngày.

Sau khi trả góp được 11 tháng, anh S. được người bên công ty tài chính gọi điện gợi ý vay tiếp với khoản vay lãi suất ưu đãi. Tin lời người này, anh Sơn đồng ý vay và bắt đầu bi kịch "nợ chồng nợ"

"Họ nói vì tôi có quá trình trả góp tốt nên được vay thêm một khoản tiền nữa với lãi suất rất ưu đãi. Lúc đó, ba tôi bệnh và nghĩ mình đi làm đều đặn mỗi tháng trả hơn 2 triệu cũng hợp lý. Chính vì thế, sau khi trả góp lần vay thứ nhất được 11 tháng, tôi đã vay tiền tại công ty tài chính này lần thứ 2", anh S. kể.

Tuy nhiên, trong lần thứ 2 vay 30 triệu đồng trả góp trong 3 năm, anh Sơn chỉ nhận được khoảng 17 triệu đồng. Công ty tài chính tự lấy số tiền 30 triệu này trừ đi số tiền anh S. còn nợ ở hợp đồng thứ nhất.

Tin lời nhân viên vay tiền online, công nhân bẻ sim, trốn nợ - 2

Tiếp theo, sau khi anh S. trả tiền góp hằng tháng trong hợp đồng thứ 2 được 9 tháng, bên công ty tài chính tiếp tục gọi điện cho anh S. gợi ý cho anh vay thêm một gói 40 triệu trong vòng 3 năm.

Sau khi vay hợp đồng thứ 3, trả tiền nợ hợp đồng thứ 2, anh S. nhận được khoảng 14 triệu đồng. Khi trả góp được khoảng 18 tháng, mỗi tháng 2,2 triệu đồng, anh S. muốn tất toán hợp đồng nên gọi đến công ty tài chính thì nhận được thông báo, muốn tất toán hợp đồng cần đóng hơn 40 triệu nữa. Lúc này, anh S. thấy vô lý nên không đồng ý trả số tiền trên và yêu cầu thương lượng nhưng bất thành.

Kể từ đó, anh S. liên tục bị công ty tài chính gọi điện để đòi nợ. Hai người thân của anh S. cũng bị công ty tài chính liên tục gọi điện uy hiếp. Anh S. yêu cầu đưa vụ việc ra pháp luật nhưng nhóm người này vẫn không ngừng lại. Quá bực tức vì bị làm phiền, năm 2019, anh S. quyết định về quê sinh sống và làm việc.

Có lần bên phía công ty tài chính gửi tin nhắn ngày, giờ ra tòa án để làm việc. Anh S. có đến  nhưng không thấy bên công ty tài chính đâu, anh đành ra về.

Sau nhiều lần thay sim, đổi số điện thoại, không nghe số lạ, anh S. tạm được yên ổn. Đến thời điểm này anh S. muốn xây nhà nhưng vì có nợ xấu nến không thể vay tín dụng hay ở bất cứ ngân hàng nào. Điều này khiến anh rất khổ tâm.

Đi từ Bắc vào Nam không thoát nợ

Tin lời nhân viên vay tiền online, công nhân bẻ sim, trốn nợ - 3

Nhiều công nhân "dính bẫy" tín dụng đen.

Anh N.V.H. trước đây làm việc tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) có vay của công ty tài chính số tiền khoảng 30 triệu đồng, trả góp trong vòng 24 tháng. Có những tháng chưa đủ tiền mà đến hạn đóng trả góp, anh H. và người thân bị gọi điện làm phiền. Thậm chí không ít lần anh H. phải nghe những lời đe dọa không hay. 

Sau một thời gian, anh H. vào TPHCM để làm việc và kiếm thêm thu nhập nuôi gia đình và trả nợ. Mỗi tháng trả góp hơn 2 triệu cũng là gánh nặng đối với anh.

Anh H. kể rằng, lúc đó vay tiền nóng để trang trải cuộc sống, con ốm mà không biết xoay đâu nên thấy tờ rơi cho vay tiền chỉ cần chứng minh thư nên anh liên hệ luôn. Đến khi vay rồi, anh mới nhận ra, sự rủi ro khi liên quan đến tín dụng đen.

"Đến bây giờ khi đã cố gắng chắt chiu để trả hết số tiền đã vay của công ty tài chính, tôi nhẹ cả người. Thỉnh thoảng, tôi vẫn bị gọi điện để gợi ý vay thêm một vài chục triệu để chi tiêu nhưng tôi từ chối. Một lần dính vào tín dụng đen với tôi là quá đủ", anh H. bộc bạch.

Không chỉ riêng anh S, anh H, tại một số công ty, tình trạng người lao động vay tiền tại các công ty tài chính, tín dụng đen không hiếm. Khi vay, họ không đọc kỹ hợp đồng nên khi phải trả số tiền vượt quá số tiền vay gấp nhiều lần họ mới biết mình bị lừa.

Theo Bộ Công an, trong 3 năm vừa qua đã khởi tố gần 2.000 vụ với gần 4.000 bị can, trong đó gần 1.000 vụ cho vay nặng lãi. Nhiều bị hại là công nhân lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước.

Dương Thùy