1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Đà Nẵng:

Tín hiệu tích cực từ mô hình tư vấn và điều trị cho người nghiện ma túy

Khánh Hồng

(Dân trí) - Sau hơn một năm triển khai thí điểm mô hình hỗ trợ tư vấn và kết nối dịch vụ điều trị nghiện ma túy tại 6 phường trên địa bàn TP Đà Nẵng, bước đầu đã ghi nhận được những tín hiệu tích cực.

Người nghiện được tư vấn hỗ trợ

Cuối tháng 10/2020, T.M.H. (sinh 1997, trú phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê) bị phát hiện sử dụng ma túy. Cơ quan công an đã lập hồ sơ để đưa T.M.H đi cai nghiện. Điều phối viên sau khi tiếp nhận H. từ cơ quan công an đã phối hợp với nhân viên y tế tư vấn cho T.M.H.

Đối tượng này có nguyện vọng được cai nghiện tại gia đình để cơ hội làm việc nuôi sống bản thân và gia đình. Sau khi xem xét hoàn cảnh gia đình, mức độ nghiện của T.M.H, Tổ công tác cai nghiện ma túy phường Vĩnh Trung đã đồng ý cho T.M.H. được cai nghiện tại nhà.

Quá trình T.M.H. cai nghiện tại nhà, các thành viên trong Tổ công tác cai nghiện ma túy phường Vĩnh Trung thường xuyên theo dõi và giúp đỡ T.M.H. Hiện đối tượng này đang chấp hành tốt việc cai nghiện.

Tín hiệu tích cực từ mô hình tư vấn và điều trị cho người nghiện ma túy - 1

UBND phường Vĩnh Trung trao tặng phương tiện sinh kế cho những người hoàn thành cai nghiện 

Được biết, Vĩnh Trung là một trong 6 phường của Đà Nẵng tham gia thí điểm mô hình hỗ trợ tư vấn và kết nối dịch vụ điều trị nghiện ma túy.

Ông Huỳnh Văn Thành (điều phối viên, Tổ công tác cai nghiện phường Vĩnh Trung) cho biết, mô hình thể hiện tính nhân văn khi các đối tượng được đề xuất, lựa chọn hình thức cai nghiện. Tuy nhiên, phải tùy thuộc vào tình hình cụ thể của mỗi người mà Tổ công tác cai nghiện sẽ cân nhắc và đưa ra quyết định cụ thể.

Với mô hình hỗ trợ tư vấn và kết nối dịch vụ điều trị nghiện ma túy, mỗi phường sẽ có một Tổ công tác cai nghiện ma túy.

Phường sẽ chọn một điều phối viên (là người đang công tác trên địa bàn phường, có thời gian công tác trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội), một phòng làm việc đặt tại Trạm Y tế hoặc tại UBND phường để thực hiện tiếp nhận, sàng lọc, tư vấn, kết nối và chuyển gửi đối tượng đến các cơ sở dịch vụ điều trị nghiện ma túy và tổng hợp, báo cáo kết quả hoạt động của mô hình.

Những tín hiệu tích cực

Theo Chi cục phòng chống tệ nạn TP Đà Nẵng, sau hơn một năm triển khai, đến nay, có 132 đối tượng đã tham gia mô hình ở 6 phường.

Phần lớn, các đối tượng tham gia mô hình ở các phường đều được tư vấn về tác hại của ma túy, các hình thức, biện pháp cai nghiện, các chính sách hỗ trợ cai nghiện và các cơ sở cung cấp dịch vụ điều trị nghiện, giới thiệu việc làm, trợ giúp pháp lý trên địa bàn thành phố.

Hầu hết, các phường đều tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức, treo pano điện tử, bảng hiệu, truyền thanh, sinh hoạt nhóm, nói chuyện chuyên đề để người sử dụng ma túy, người nghiện ma túy, gia đình có người nghiện ma túy trên địa bàn hiểu và nắm bắt cơ bản về việc triển khai thí điểm mô hình.

Phối hợp với Mặt trận, các đoàn thể tổ chức gặp mặt, tư vấn, định hướng nghề cho các nhóm người sử dụng ma túy, người nghiện ma túy trên địa bàn.

Việc triển khai thí điểm mô hình được sự quan tâm của UBND thành phố, chính quyền địa phương và sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành đoàn thể nên công tác triển khai mô hình diễn ra thuận lợi.

Tuy nhiên, Chi cục phòng chống tệ nạn TP Đà Nẵng cũng cho biết, bên cạnh những thuận lợi, mô hình cũng gặp những khó khăn khi cán bộ tham gia mô hình còn hạn chế nghiệp vụ chuyên môn, lại kiêm nhiệm nhiều công việc, ảnh hưởng đến tiến độ hoạt động mô hình.

Điều phối viên, công an trong quá trình xác minh, lập hồ sơ chuyển gửi dịch vụ chưa có nguồn kinh phí hỗ trợ. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc thực hiện mô hình còn hạn chế.

Tính đến ngày 15/12/2020, trên địa bàn thành phố có 3.706 người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy đang còn thời hạn quản lý (nghiện 2.111 người, sử dụng 1.595 người).