1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

"Tín dụng đen" bủa vây công nhân nghèo

Theo khảo sát của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, 30% lao động luôn gặp khó khăn về tiền bạc. Vì vậy, chuyện công nhân phải tìm đến tín dụng đen là khó tránh.

Mắc bẫy tín dụng đen vì khó khăn

Chỉ cần một loại giấy tờ tùy thân bất kì là ai cũng có thể vay được ngay vài chục triệu đồng. Nhiều người sa vào bẫy tín dụng đen đã phải chịu mức lãi suất lên đến vài chục phần trăm.

Đánh đúng tâm lý cần tiền gấp của những lao động lâm vào cảnh túng thiếu như con ốm, nhà hết gạo, hết tiền… những cái bẫy tín dụng đen đang bủa vây tại các khu công nghiệp - nơi tập trung nhiều công nhân, lao động ngoại tỉnh. Khi đã sa chân vào bẫy tín dụng đen, đóng lãi muộn thì "lãi mẹ đẻ lãi con" dẫn đến không khả năng trả nợ.

Tín dụng đen bủa vây công nhân nghèo - 1
Nhiều người lao động đã quên mất lãi suất hay khoản phí cắt cổ khi sa vào tín dụng đen. Ảnh minh họa.

Chồng gần như không có việc làm, vợ thu nhập chỉ còn 1/10 vì dịch bệnh trong khi con bệnh nặng, không thể mượn người thân vì ai cũng khó khăn. Đó là lý do một người phụ nữ nhắm mắt chấp nhận vay tiền ngoài để rồi luôn sống trong sợ hãi.

"Mượn 1 triệu là đóng 300.000 một tháng. Mượn người này xong mình mượn rồi thiếu, trị hết bệnh cho con, rồi đến tới ngày trả mình không có, mình lại xoay qua mượn người khác. Tiền nợ là đau đầu nhất luôn, không nằm ngủ chợp mắt được gì hết. Sợ người ta la, ta chửi, sợ người ta đến nhà rùm beng lên. Có nhỏ em lúc trước cũng mượn, nhiều khi đi làm về 10 giờ thấy um sùm, nhìn qua thấy tạt nước, tạt đồ, sợ lắm" - nạn nhân tín dụng đen cho hay.

Sợ nhưng vẫn phải mượn bởi trong lúc bế tắc nhất, bao quanh các xóm trọ luôn là những lời mời chào.

"Chỉ cần chụp hình CMND là có thể tiếp cận được 5 triệu, 10 triệu kể cả 20 triệu đồng để xử lý cơm áo gạo tiền của người lao động đang vừa ở trọ, vừa phải dự phòng phí và phải xử lý những tình huống bệnh tật", ông Võ Khắc Bình - Chủ tịch Liên đoàn Lao động Quận 7, TP Hồ Chí Minh cho hay.

Nhiều người lao động đã quên mất lãi suất hay khoản phí cắt cổ. Họ chỉ tỉnh ra khi khoản vay dù ít nhưng lãi chồng lãi đã khiến số tiền vay cứ liên tục gia tăng và kéo dài không hạn định. Đã có những người, vì bế tắc trong vòng luẩn quẩn ấy mà chọn cái kết bi thảm cho cả bản thân và gia đình.

Cần có tín dụng vi mô cho người lao động

Bộ Công an cho biết, trong 3 năm vừa qua đã khởi tố gần 2.000 vụ với gần 4.000 bị can, trong đó gần 1.000 vụ cho vay nặng lãi. Nhiều bị hại là công nhân.

Tại cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với công nhân cả nước, tín dụng đen cũng là một trong những vấn đề được người lao động phản ánh. 

Khi được hỏi vì sao tìm đến tín dụng đen, dù biết hậu quả, nhiều công nhân cho biết vì là người ngoại tỉnh, không có hộ khẩu, không có tài sản thế chấp nên không thể tiếp cận với các nguồn tín dụng chính thống. Do đó, rất cần những mô hình tài chính vi mô và cơ chế để giúp người lao động không vướng vào bẫy tín dụng đen.

Tín dụng đen bủa vây công nhân nghèo - 2
Rất cần những mô hình tài chính vi mô và cơ chế để giúp người lao động không vướng vào bẫy tín dụng đen. Ảnh minh họa.

Nhu cầu vay chính đáng của công nhân lao động là các gói vay nhỏ nhỏ lẻ cho sinh hoạt hàng ngày như như đóng tiền học cho con cái, giải quyết ốm đau, tiền thuê trọ… và cần có nguồn tín dụng chính thức đáp ứng.

"Hiện nay mức vay theo quy định chỉ giới hạn đến 50 triệu đồng, trong khi nhu cầu của công nhân, người lao động ngày càng gia tăng, vì vậy kiến nghị tăng lên mức 100 triệu đồng. Về tiết kiệm cũng kiến nghị tăng mức trần tiết kiệm tại điểm giao dịch từ 1 triệu đồng lên 2 triệu đồng", ông Hoàng Văn Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổ chức tài chính vi mô CEP cho hay.

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: "Chúng tôi đang hoàn thiện hệ thống pháp luật để các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại mạnh dạn cho vay các khoản như con cái ốm đau, đóng tiền học, thậm chí ma chay, cưới xin... Thậm chí cho vay nóng trong một vài tuần, một vài tháng".

Ngân hàng Nhà nước sẽ thúc đẩy các ngân hàng thương mại cho vay các khoản nhỏ lẻ, không cần thủ tục phức tạp với những khoản tín dụng không lớn để người lao động kịp thời tiếp cận; đồng thời đẩy mạnh các biện pháp công nghệ để người vay tiếp cận những khoản vốn này. Cùng với đó, phối hợp với các cấp chính quyền, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam để người lao động thuận lợi tiếp cận những khoản vốn này.

Theo VTV.VN