1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Thường vụ Quốc hội "chốt" tăng giờ làm thêm trong tháng, trong năm

Quang Phong

(Dân trí) - Trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong năm.

Chiều 23/3, tại phiên họp thứ 9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 100% đại biểu có mặt đã thông qua dự thảo Nghị quyết điều chỉnh giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Thường vụ Quốc hội chốt tăng giờ làm thêm trong tháng, trong năm - 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý đến vấn đề hậu Covid-19 ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của người lao động.

Về số giờ làm thêm trong 1 năm, người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong 1 năm, trừ các trường hợp như: Người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi; người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai.

Về giờ làm thêm trong tháng, theo dự thảo Nghị quyết, trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2022, còn với quy định làm thêm giờ trong 1 năm có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, việc nâng trần thời gian làm thêm trong tháng, trong năm nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

"Trong tình hình hiện nay, đây là vấn đề rất cần thiết. Các khảo sát của chúng tôi trong những ngày gần đây cho thấy đa số các doanh nghiệp, người sử dụng lao động, lao động đồng tình theo hướng đó do xuất phát từ nhu cầu thực tiễn hiện nay", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói và nêu dẫn chứng khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, trong 17.000 lượt người cho ý kiến thì hầu hết đồng tình với việc điều chỉnh giờ làm thêm.

Thường vụ Quốc hội chốt tăng giờ làm thêm trong tháng, trong năm - 2

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc nâng trần thời gian làm thêm nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi sản xuất, phát triển KT-XH.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nêu thực tiễn do sức ép công việc, đơn hàng nhiều doanh nghiệp đã trực tiếp thỏa thuận với người lao động để tiến hành việc làm thêm. Chính vì việc này dẫn đến quyền lợi của người lao động đôi khi không được đảm bảo.

"Trong luật quy định rất rõ chính sách đối với giờ làm thêm, do vậy, khi chúng ta thực hiện vấn đề này công khai, minh bạch, quyền lợi của người lao động sẽ được bảo đảm", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói thêm.

Nêu ý kiến tại phiên họp, theo ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - cho rằng, tăng số giờ làm thêm trong tháng, trong năm với bối cảnh hiện nay là chính sách hết sức quan trọng của Đảng, Nhà nước. Qua đó, giữ được vai trò, vị thế của Việt Nam trong chuỗi sản xuất, kinh doanh toàn cầu.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý đến vấn đề hậu Covid-19 ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của người lao động. "Hậu Covid-19 là vấn đề lớn đang được đặt ra. Với lợi ích trước mắt và lâu dài thì người lao động chọn cái gì?", Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị các đại biểu hết sức khách quan, thận trọng đối với vấn đề này.