Chủ doanh nghiệp quyết định thành bại của "3 tại chỗ"
(Dân trí) - "Doanh nghiệp mà cố tình luồn lách đưa người vào làm không qua xét nghiệm, cách ly... sẽ trả giá đắt khi xuất hiện các ca dương tính" - Chủ tịch Công đoàn công ty TNHH Juki Việt Nam cảnh báo.
Chủ quan sẽ phải trả giá
Những ngày qua, một số ca nhiễm Covid-19 đã xuất hiện ở một số doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" tại Bình Dương, Tiền Giang. Các công này buộc phải ngưng sản xuất và cách ly y tế đối với toàn bộ công nhân viên.
Ngoài những nguyên nhân khách quan, một vài ý kiến cho rằng sự chủ quan đã khiến doanh nghiệp đứt gãy chuỗi sản xuất.
Theo ông Nguyễn Phước Đại, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Juki Việt Nam, một số doanh nghiệp chỉ cần đảm bảo tiến độ sản xuất nên luồn lách để đưa người vào làm mà không qua xét nghiệm, cách ly.
Chính sự chủ quan của một số chủ doanh nghiệp khi sợ tốn tiền xét nghiệm Covid-19, tốn tiền thuê nhà ở cho công nhân khi đợi kết quả xét nghiệm, có thể khiến doanh nghiệp phải trả giá đắt khi xuất hiện các ca dương tính.
"Nguyên nhân dịch Covid-19 xuất hiện tại các doanh nghiệp "3 tại chỗ" có thể do các chủ doanh nghiệp lơ là trong công tác phòng chống dịch. Nếu chủ doanh nghiệp chú trọng mọi yêu cầu của Chính phủ khi áp dụng "3 tại chỗ", rất khó để dịch bệnh xảy ra", Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Juki Việt Nam nhấn mạnh.
Theo đó, công ty muốn hoạt động phải được kiểm tra việc đảm bảo công tác phòng chống dịch. Công nhân muốn đến làm việc tại công ty phải xét nghiệm và có kết quả PCR âm tính. Hàng tuần, họ sẽ phải test Covid-19 cho người lao động và có sự kiểm tra của cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Phước Đại, để duy trì việc phòng chống dịch, các doanh nghiệp "3 tại chỗ" phải chịu khá nhiều chi phí. Cụ thể, đối với chi phí xét nghiệm cho hàng ngàn, hàng chục ngàn công nhân mỗi ngày, mỗi tuần cũng không nhỏ.
Cùng với đó, các chi phí phát sinh như thuê khách sạn cho công nhân ở đợi kết quả xét nghiệm, chi phí nhà ở cho công nhân..., cũng khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại. Chính những lý do trên khiến một số doanh nghiệp "bất chấp tất cả" để đảm bảo tiến độ sản xuất trong thời gian ngắn.
Đồng quan điểm trên, ông Huỳnh Bảo Toàn - Giám đốc một công ty nội thất ở Quận 12 cho rằng: "Doanh nghiệp sẽ tốn rất nhiều chi phí để thực hiện 3 tại chỗ. Chủ doanh nghiệp sẽ tốn nhiều công sức hơn để ổn định sản xuất trong lúc này. Họ chỉ cần chủ quan, mất cảnh giác là hậu quả sẽ khôn lường".
Theo ông Huỳnh Bảo Toàn, khi chủ doanh nghiệp đã đưa công nhân đến làm việc thì trách nhiệm sẽ thuộc về người chủ khi xảy ra dịch. Chủ doanh nghiệp không thể đổ lỗi cho người lao động khi họ đang hoạt động ở trong công ty, dưới sự giám sát. Do vậy, việc giám sát phải được thực hiện thường xuyên.
Để "3 tại chỗ" thành công như kỳ vọng, theo ông Huỳnh Bảo Toàn, các doanh nghiệp cần có sự hợp tác với các lực lượng chức năng trong công tác phòng chống dịch. Lúc này, doanh nghiệp cần nghĩ đến cộng đồng hơn là nghĩ đến lợi nhuận công ty.
Dù khó khăn vẫn đồng hành cùng người lao động
Công ty TNHH Juki Việt Nam có khoảng 400/1.300 người lao động đang thực hiện "3 tại chỗ". Trong hơn 20 năm làm việc, ông Nguyễn Phước Đại chưa khi nào thấy doanh nghiệp khó khăn như lúc này.
Nhiều đơn hàng phải chuyển qua cho các cơ sở khác để sản xuất. Nếu dịch kéo dài, doanh nghiệp sẽ khó duy trì sản xuất.
Theo Chủ tịch Công đoàn công ty TNHH Juki Việt Nam, doanh nghiệp hiện chỉ hoạt động cầm cự đợi qua dịch, sản xuất gần như không có lợi nhuận, kéo dài nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản. Nhưng ông cho rằng công ty còn hoạt động thì đời sống người lao động vẫn được đảm bảo.
Được biết, những công nhân đang "3 tại chỗ" ở công ty này ngoài lương được hỗ trợ thêm 200.000 đồng/ngày. Những công nhân nghỉ ở nhà được chi trả 50% lương.
Theo ông Nguyễn Phước Đại, doanh nghiệp đang rất cần sự chung tay của người lao động. Nếu người lao động cố tình vi phạm các quy định 5K, đây sẽ là nguyên nhân dẫn đến các ca bệnh trong công ty.
"Chúng tôi kêu gọi các công nhân phải tự ý thức để bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng. Tuy nhiên, việc giám sát cũng được triển khai thường xuyên. Tôi nghĩ, các doanh nghiệp nếu còn hoạt động được thì đời sống người lao động vẫn được đảm bảo", ông Nguyễn Phước Đại chia sẻ.
"3 tại chỗ" là quyết tâm của Chính phủ để doanh nghiệp không đứt gãy chuỗi sản xuất, đảm bảo đời sống người lao động. Do đó, các cơ quan chức năng cũng cần có sự hậu kiểm tra chặt chẽ hơn để chủ doanh nghiệp tích cực hơn trong công tác phòng chống dịch, từ đó, đời sống người lao động được đảm bảo hơn - ông Nguyễn Phước Đại đề nghị.
Tại công ty của ông Huỳnh Bảo Toàn, dù phải cắt giảm 80% nhân sự nhưng người lao động vẫn được duy trì mức lương từ 50 - 70%. Tuy vậy, nếu dịch tiếp tục kéo dài khả năng duy trì hoạt động của công ty vẫn bỏ ngỏ.
"Công ty tôi làm nội thất, giờ mặt hàng này không phải thiết yếu nên không thể giao dịch. Không thể chở hàng đến cho khách nên sản xuất xong để lại công ty. Nguyên liệu như sắt, gỗ cũng không được cung cấp, khó càng thêm khó. Tôi vẫn phải hỗ trợ người lao động vì họ là xương sống của công ty, họ gắn bó với mình bao nhiêu năm, giờ không thể bỏ họ được", ông Huỳnh Bảo Toàn chia sẻ.
Không chỉ 2 công ty trên, hàng ngàn doanh nghiệp trong các KCN, KCX dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng vẫn nỗ lực hỗ trợ, giúp đỡ công nhân, người lao động vượt qua mùa dịch.