1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng: "Phải kiểm tra chính sách đi vào cuộc sống thế nào"

Khánh Hồng

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng lưu ý Đà Nẵng ngoài việc giám sát, cần quan tâm đến công tác kiểm tra các chính sách đi vào cuộc sống như thế nào.

Dành hết tâm để phục vụ doanh nghiệp và người dân

Sáng 28/10, Đoàn kiểm tra của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) do Thứ trưởng Lê Tấn Dũng làm trưởng đoàn đã làm việc với TP Đà Nẵng về công tác triển khai chính sách hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 trên địa bàn.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng ghi nhận những kết quả cũng như những khó khăn mà Đà Nẵng gặp phải trong quá trình triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động.

Thứ Trưởng Lê Tấn Dũng cho biết, công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị của Đà Nẵng đã thực hiện tốt. Công tác tuyên truyền được thực hiện đa dạng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Công tác giám sát cũng chưa nghe vấn đề gì tiêu cực.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng: Phải kiểm tra chính sách đi vào cuộc sống thế nào - 1

Đoàn kiểm tra của Bộ LĐ-TB&XH do Thứ trưởng Lê Tấn Dũng làm trưởng đoàn đã làm việc với TP Đà Nẵng sáng 28/10 (Ảnh: Khánh Hồng).

"Đà Nẵng có 2 đợt tổ chức đưa công dân từ vùng dịch về, đây là việc làm rất nhân văn. Đà Nẵng cũng xây dựng chính sách đặc thù hỗ trợ các nhóm đối tượng khó khăn do Covid-19 mà không phải là địa phương nào cũng làm được", Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nói.

Về gói hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Thứ trưởng đánh giá Đà Nẵng triển khai khá tốt, khá nhanh tạo động lực cho người sử dụng lao động và người lao động trong sản xuất.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đề nghị TP Đà Nẵng tiếp tục quyết tâm, quyết liệt công tác phòng chống dịch để phục hồi sản xuất. Ưu tiên tiêm vaccine để người lao động để sớm trở lại tham gia sản xuất.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng: Phải kiểm tra chính sách đi vào cuộc sống thế nào - 2

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: Khánh Hồng).

Thứ trưởng cho hay, qua rà soát, vẫn còn một số chính sách vướng về hồ sơ. Doanh nghiệp thiếu chỗ này, doanh nghiệp thiếu chỗ kia. Vì vậy mong thành phố và đặc biệt là Giám đốc Sở LĐ-TB&XH quan tâm, trực tiếp tháo gỡ, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện.

"Về quy định 2 ngày cho mỗi hồ sơ, chúng tôi rất chia sẻ, nhưng phần kiến nghị này Đoàn ghi nhận chứ không sửa được. Có thể là 2 ngày hoặc 3-4 ngày nhưng các đồng chí dành hết các tâm của mình thôi. Chỉ mong các đồng chí dành hết tâm, sức của mình để phục vụ doanh nghiệp người dân. Quy định là như thế nhưng chắc chắn không thể nào cứ tuyệt đối được", Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nói.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cũng lưu ý Đà Nẵng ngoài việc giám sát cần dành thời gian quan tâm đến công tác kiểm tra, để tránh sai sót.

"Đà Nẵng làm cũng rất bài bản, đầy đủ nhưng cần kiểm tra xem chính sách đi vào cuộc sống như thế nào", Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhắc.

Nhiều kiến nghị từ địa phương

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đăng Hoàng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng, báo cáo trước Đoàn công tác, thời gian qua các sở, ngành, địa phương đã khẩn trương, tích cực triển khai thực hiện ngay việc hướng dẫn, chi hỗ trợ cho các đối tượng, với phương châm là đối tượng nào rõ, cụ thể thì tiến hành lập danh sách, hướng dẫn hồ sơ thực hiện chi hỗ trợ.

Trong đó, tập trung hoàn thành sớm việc chi hỗ trợ người có công cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Vì vậy, đến ngày 25/7, nhiều địa phương đã hoàn thành chi trả đến các đối tượng trên.

Tuy nhiên, tại thời điểm từ tháng 7 đến tháng 9, do nhiều địa phương thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, việc đi lại của người dân gặp khó khăn, dẫn đến vẫn còn nhiều trường hợp chưa thực hiện việc lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ.

Ông Hoàng cũng cho biết, từ khi dịch bệnh bùng phát vào đầu tháng 5 làm cho doanh nghiệp và người lao động thuộc ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Hàng loạt khách sạn, tour du lịch phải dừng hoạt động. Tuy nhiên đối tượng tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động làm việc trong lĩnh vực trên khó tiếp cận được với chính sách hỗ trợ theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg.

Nguyên nhân là theo quy định điều kiện hỗ trợ người lao động làm việc tại doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phòng, chống dịch Covid-19 và đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tháng trước liền kề trước thời điểm người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.

Thế nhưng thực tế văn bản yêu cầu tạm dừng tại các cơ sở kinh doanh du lịch, cơ sở lưu trú tạm dừng hoạt động từ 12h00 ngày 22/7, trong khi doanh nghiệp buộc phải tinh giảm nhân sự, người lao động phải tạm thời nghỉ việc không hưởng lương từ tháng 5 và tham gia bảo hiểm xã hội đến tháng 4.

"Như vậy, chiếu theo quy định người lao động không đảm bảo thời gian bảo hiểm xã hội đến tháng liền kề trước thời điểm doanh nghiệp tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền", ông Hoàng nói.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng kiến nghị một số nội dung, trong đó kiến nghị Trung ương bổ sung thêm nhóm doanh nghiệp ảnh hưởng do dịch Covid-19 mà không có khách hàng, thiếu nguyên vật liệu để sản xuất kinh doanh hoạt động trước khi có quyết định phải tạm dừng hoạt động của cơ quan có thẩm quyền.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng: Phải kiểm tra chính sách đi vào cuộc sống thế nào - 3

Ông Nguyễn Đăng Hoàng - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng báo cáo tại buổi làm việc (Ảnh: Khánh Hồng).

Quy định tại Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, thời hạn giải quyết đối với chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương và chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc là 6 ngày làm việc, trong đó, cơ quan Bảo hiểm xã hội: 2 ngày, UBND cấp huyện: 2 ngày và Sở LĐ-TB&XH: 2 ngày. Theo đó, quy định thời gian 2 ngày để giải quyết hồ sơ tại mỗi cơ quan là quá ngắn, gây khó khăn cho cán bộ xử lý hồ sơ trong công tác thẩm định.

Vì vậy, đại diện Sở LĐ-TB&XH thành phố đề nghị kéo dài thời hạn giải quyết hồ sơ đối với 2 chính sách nêu trên tăng lên từ 12 ngày trở lên khi ban hành Quyết định hướng dẫn Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 08/10/2021 của Chính Phủ.

Bà Ngô Thị Kim Yến - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - cho biết, ngoài chính sách của trung ương, TP Đà Nẵng thành phố cũng đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp khó khăn do ảnh hưởng Covid-19.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng: Phải kiểm tra chính sách đi vào cuộc sống thế nào - 4

Bà Ngô Thị Kim Yến - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: Khánh Hồng).

Bà Yến đề nghị Trung ương khi xây dựng chính sách cần có khoảng hở để địa phương triển khai thực hiện.

"Có những chính sách, anh em phải căn ke từng chữ, không ai dám làm vượt qua từng chữ của Trung ương làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách đối với người dân. Vì vậy cần có phần linh hoạt với tỷ lệ nhỏ để địa phương thực hiện được tốt hơn", bà Yến nêu.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng, đến thời điểm này, thành phố đã thực hiện giảm đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho hơn 9.000 đơn vị gồm hơn 176.000 lao động với số tiền hơn 20 tỷ đồng.

Đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 21 đơn vị với 3.291 lao động tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền hơn 11.000 tỷ đồng.

Đã chi hỗ trợ cho hơn 1.000 lao động người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương với tổng số tiền hơn 4,2 tỷ đồng. Đã chi hỗ trợ cho 84 lao động ngừng việc với tổng số tiền là 112 triệu đồng.

Đã chi hỗ trợ cho 250 người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng. Đã chi hỗ trợ cho gần 1.500 hộ kinh doanh cá thể với tổng số tiền hơn 4,3 tỷ đồng.

Đã chi hỗ trợ cho 34 người viên chức hoạt động nghệ thuật giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV với số tiền hơn 126 triệu đồng. Đã chi hỗ trợ cho hơn 2.400 hướng dẫn viên du lịch với số tiền hơn 8,9 tỷ đồng...

Đối với chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, đã thực hiện giảm đóng cho 8.072 đơn vị, với 160.107 lao động, số tiền giảm đóng hơn 9,5 tỷ đồng. Đã chi trả cho 131.287 người lao động với tổng số tiền hơn 318 tỷ đồng.

Đối với chính sách hỗ trợ riêng của thành phố tại Kế hoạch số 135/KH-UBND (gồm hỗ trợ người có công cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo): Đã thực hiện chi trả hỗ trợ 53.593 người, với số tiền hơn 29 tỷ đồng (đạt 100%).

Ngoài ra, Đà Nẵng đã hỗ trợ hơn 486.500 hộ dân gồm hơn 317.700 nhân khẩu với tổng số tiền gần 361 tỷ đồng khi thành phố thực hiện quyết định 2788/QĐ-UBND trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.