Thoát nghèo nhờ trồng cây "vàng xanh" trên đỉnh núi
(Dân trí) - Chỉ 3 năm trồng đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, cây vầu đang được mệnh danh là "vàng xanh", cây xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc nơi thượng nguồn sông Lò.
Công tác giảm nghèo, thoát nghèo bền vững đối với vùng dân tộc thiểu số miền núi tại Thanh Hóa vẫn luôn là bài toán khó. Tại huyện Quan Sơn (Thanh Hóa), những năm qua, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm mạnh nhờ tìm được giống cây chủ lực phù hợp giúp người dân thoát nghèo, đó là cây vầu.
Trước đây, vầu là giống cây mọc tự nhiên trong rừng, không có nhiều giá trị kinh tế. Khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tìm đến thu mua cây vầu, mở ra hướng mới trong phát triển kinh tế cho địa phương.
Gia đình ông Vi Văn Piên (bản Hậu, xã Tam Lư) trồng 4 ha vầu có tuổi đời 5 năm. Theo ông Piên với mỗi ha vầu sẽ cho thu nhập từ 45-50 triệu đồng, thậm chí 70 triệu đồng/ha nếu cây sinh trưởng tốt. Mỗi năm gia đình ông có thể thu về khoảng hơn 200 triệu đồng từ rừng vầu.
Ngoài thu nhập từ rừng vầu, ông Piên còn ươm giống vầu để cung cấp cho bà con tại địa phương, bán đi cả các huyện khác trong tỉnh.
"Hiện nay nhu cầu lấy giống rất lớn, mỗi năm, gia đình cung cấp khoảng 6 vạn cây giống, năm nay có khả năng tăng lên. Khí hậu và thổ nhưỡng ở đây rất phù hợp với cây vầu, không những vậy còn dễ trồng và không mất nhiều công chăm sóc. Giống vầu phát triển nhanh, chỉ 3 năm là có thể thu hoạch nhưng lại có vòng đời tới 50 năm", ông Piên chia sẻ.
Cũng như gia đình ông Piên, nhiều gia đình khác tại Tam Lư cũng đang làm giàu từ cây vầu. Chị Lò Thị Lan (trú bản Hậu, xã Tam Lư) có 4 ha vầu, cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm.
"Nhờ việc nhân giống và phát triển diện tích vầu đã đem lại đời sống ấm no cho bà con. Mấy năm nay, gia đình tôi bán giống vầu đem lại thu nhập ổn định, có điều kiện xây sửa nhà cửa, mua sắm các trang thiết bị phục vụ đời sống, nuôi các con học đại học", chị Lan cho biết.
Được biết, hiện người dân xã Tam Lư có thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt 40 triệu đồng/người/năm, xã cũng đã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019.
Không chỉ mang lại thu nhập cho người trồng, nhiều lao động địa phương cũng được tạo việc làm như khai thác cây, đưa từ trên núi xuống hay sau khi khai thác, chẻ thành nan, vận chuyển tập kết dọc Quốc lộ 217 để chờ thương lái đến thu mua.
Do vầu được khai thác quanh năm, chỉ trừ tháng 9 và 10 vì đây là thời điểm ra măng, chính quyền cấm khai thác để cho măng phát triển. Bởi vậy, gần như quanh năm lao động địa phương có việc làm.
Một lao động có thể khai thác từ 30 đến 40 cây vầu mỗi ngày. Đối với những người có sức khỏe có thể khai thác vầu được nhiều hơn, thu nhập cũng sẽ cao hơn. Trung bình mỗi ngày công, lao động bỏ túi 300-400.000 đồng.
Với thu nhập ổn định từ khai thác cây vầu tự nhiên, nhiều hộ dân trong huyện Quan Sơn đã thoát được nghèo, đời sống nâng lên.
Ông Nguyễn Văn Sinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Quan Sơn cho biết, nhiều xã trồng vầu như Sơn Lư, Tam Thanh, Tam Lư hay Na Mèo đã vươn lên làm giàu nhờ cây vầu.
"Tổng diện tích toàn huyện có khoảng 42 nghìn ha vầu,13 nghìn ha luồng. Chúng tôi gọi đây là cây vàng xanh bởi hiệu quả kinh tế mang lại cho người dân, giải quyết việc làm dôi dư và tăng thu nhập, nhiều hộ dân thoát nghèo bền vững. Sắp tới, huyện sẽ tiếp tục nhân rộng diện tích vầu trên địa bàn", ông Sinh nói.
Cũng theo ông Sinh, nhờ tận dụng được lợi thế, có hướng đi hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo trên toàn huyện Quan Sơn đã giảm từ 41,87% (năm 2015) xuống còn 3,24% (năm 2020).
Huyện Quan Sơn có 3.045 ha vầu, luồng được Hội đồng quản trị rừng thế giới cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững - FSC thuộc hai xã: Tam Lư, Tam Thanh.