"Thấy kỷ vật này, tôi như được gặp lại mẹ của mình"
(Dân trí) - Cầm trên tay tấm phiếu xác nhận tiền ủng hộ cách mạng từ Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Khu 5 năm 1965, Đại tá Trần Văn Kẽm rưng rưng: "Tôi như được gặp lại mẹ"
Những kỷ vật sống mãi với thời gian
Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ nhưng những kỷ vật thiêng liêng mang dấu ấn lịch sử vẫn khắc sâu trong chúng ta về tinh thần chiến đấu, hy sinh anh dũng, kiên cường, bất khuất của thế hệ đi trước vì nền độc lập dân tộc.
Giờ đây, những hiện vật quý báu ấy như nhắc nhở thế hệ trẻ về một giai đoạn lịch sử oanh liệt, hào hùng của dân tộc.
Cận ngày Quốc khánh 2/9 năm nay, cụ Nguyễn Thị Đấy (91 tuổi - người có công cách mạng ở thôn An Hội, xã Hoài Sơn, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) rất xúc động vì bất ngờ nhận lại kỷ vật của bà trong thời gian tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Tay run run cầm kỷ vật là chiếc thẻ cử tri Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam cấp năm 1965, bao ký ức của một thời oanh liệt lại ùa về trong tâm thức người phụ nữ ở cái tuổi xưa nay hiếm.
Cụ Đấy kể rằng, năm 1954, sau khi chồng tập kết ra Bắc, dù đang nuôi con nhỏ nhưng bà vẫn nhiệt tình tham gia cách mạng.
"Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh", để tránh sự theo dõi của địch, đêm tối, bà chuyển lương thực để nuôi cán bộ cách mạng của ta nằm vùng ở các khu rừng núi hiểm trở ở An Đỗ, An Hội.
"Căn cứ cách mạng của cán bộ ta nằm cách làng hơn 2km. Mọi nhất cử nhất động của người dân, quân địch đều theo dõi nên tôi phải chọn đi ban đêm. Nếu bị chúng phát hiện thì chết chắc, còn trời tối, đường núi hiểm trở, không cẩn thận rơi xuống vực cũng bỏ mạng", cụ Đấy kể.
Biết chồng tôi tập kết ra Bắc, còn tôi nuôi cán bộ cách mạng nhưng không có chứng cứ nên chúng rất thù ghét và thường xuyên đến nhà kiếm cớ bắt bớ.
"Tôi bị địch bắt đi tù chẳng biết bao lần, chúng dùng nhiều hình thức tra khảo độc ác nhưng tôi vẫn một lòng theo cách mạng", cụ Đấy hồi tưởng.
Bà Nguyễn Thị Số (69 tuổi, con gái duy nhất của cụ Đấy), xúc động: "Ba tôi tập kết ra Bắc khi tôi chưa được 1 tuổi. Mẹ ở nhà hoạt động cách mạng, thường xuyên bị địch bắt đi tra khảo. Mới 12 tuổi, tôi phải lên núi chặt mía rồi gánh hơn 10km ra chợ ở xã Hoài Châu, bán lấy tiền mua cá khô lên thăm mẹ. Thương mẹ lắm! Khi ấy, nếu chiếc thẻ cử tri này bị kẻ thù phát hiện, chắc hai mẹ con không còn sống đến giờ".
Kỷ vật lưu lạc hơn nửa thế kỷ ở Mỹ
Mỗi kỷ vật là một câu chuyện riêng nhưng nó gắn với ký ức một thời oanh liệt của người lính và thân nhân gia đình. Đặc biệt, những kỷ vật này là tài sản vô giá, không chỉ là câu chuyện của quá khứ mà còn là thông điệp của thế hệ trước gửi lại cho muôn đời sau.
Giọt nước mắt lăn trên khóe mắt người cán bộ cách mạng - Đại tá Trần Văn Kẽm (77 tuổi ở phường Lý Thường Kiệt, TP Quy Nhơn, Bình Định), khi ký ức về người mẹ đã mất ùa về qua kỷ vật vừa được Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định trao lại cho gia đình.
Kỷ vật là phiếu xác nhận tiền ủng hộ cách mạng từ Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Khu 5 năm 1965, do Mỹ trao trả lại cho Chính phủ Việt Nam.
"Thấy kỷ vật này, tôi như được gặp lại mẹ của mình. Kỷ vật ghi tên người ủng hộ là bố tôi (ông Trần Mua) nhưng người ủng hộ là mẹ. Bởi vì, bố tôi khi đó đã đi tập kết ra Bắc, chỉ có mẹ ở nhà. Sở dĩ, ghi vậy để qua mặt kẻ thù vì nếu để quân địch biết, chắc chắn chúng sẽ không tha", ông Kẽm nói.
Ông Kẽm kể vào năm 1962, ba anh em của ông đều thoát ly tham gia cách mạng ở vùng núi đầu nguồn sông Kôn (huyện Vĩnh Thạnh).
Khi ấy, mẹ của ông ở nhà một mình tại thôn Xuân Phong, xã An Hòa (huyện Hoài Ân). Dù không trực tiếp tham gia cách mạng nhưng bà luôn một lòng với cách mạng, tích cực lao động, sản xuất để góp sức, góp của cho cách mạng.
Ông Kẽm chia sẻ thêm trong cuộc chiến tranh ác liệt, hai người anh trai đã hy sinh. Ngày 26/12/2014, Chủ tịch nước đã có quyết định truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng cho mẹ ông là bà Ngô Thị Đường.
"Nhận lại được kỷ vật của mẹ tôi mừng lắm. Tôi không nghĩ suốt 57 năm qua nhưng họ vẫn giữ kỷ vật về mẹ tôi. Giá như mẹ còn sống để cùng chia niềm vui này. Tôi sẽ bảo quản kỷ vật thật kỹ để giáo dục con cháu về truyền thống yêu nước của dân tộc và gia đình", Đại tá Trần Văn Kẽm nói.