(Dân trí) - Tết đến, người lao động khắp nơi lại về quê sum họp gia đình. Tuy nhiên năm nay, không ít công nhân trở về trong tâm trạng nặng trĩu khi đang rơi vào tình cảnh... thất nghiệp.
"Về nghỉ Tết sớm luôn là niềm mong ước của mỗi người, trong đó có công nhân lao động, nhưng về sớm với tình cảnh như tôi hiện nay thì chẳng ai muốn". Đó là chia sẻ của anh Đinh Hữu Nam, 28 tuổi, trú tại xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Anh Nam là một trong những lao động Quảng Bình bất đắc dĩ phải về quê đón Tết sớm vì bị mất việc làm.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cũng như nhiều thanh niên ở xã miền núi Cao Quảng, vì không muốn cứ bám vào mấy sào ruộng hay nghề thợ hồ, năm 2019, anh Nam quyết định "Nam tiến". Anh được nhận vào làm ở một công ty sản xuất gạch men tại Bình Thuận với mức lương trên 10 triệu đồng.
Việc làm và thu nhập ổn định nên anh Nam có điều kiện gửi tiền về phụ giúp gia đình. Thế nhưng từ năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, công ty nơi anh Nam làm việc bắt đầu cắt giảm nhân sự, nợ lương. Biến cố khiến cuộc sống của anh và nhiều lao động cùng công ty hết sức chật vật, mọi chi tiêu đều phải chắt bóp và cũng chẳng còn tiền để gửi về cho gia đình.
"Đến đầu năm 2022, công ty khó khăn quá, 3 tháng mới có lương một lần mà cũng không đầy đủ, bị nợ lần lữa. Đến cuối năm thì tôi phải nghỉ việc. Gần Tết mà mất việc cũng buồn lắm chứ, nhưng biết làm thế nào được. Cũng bởi vậy mà tôi về quê ăn Tết sớm hơn mọi năm rất nhiều dù thực sự là chẳng ai muốn về sớm trong tình cảnh này. Thôi thì cứ ăn Tết cho vui vẻ, tạo động lực tìm việc làm khác đầu năm mới", anh Nam tự động viên bản thân.
Không chỉ anh Nam, thời gian qua, có không ít lao động ly hương mưu sinh phải trở về quê trong tình cảnh mất việc làm. Một số thì phải nghỉ vì các công ty, xí nghiệp cắt giảm nhân sự, cũng có người có việc làm nhưng đồng lương thấp, chẳng đủ chi tiêu, không trụ lại được thành phố nên đành trở về quê, đón Tết xong rồi tìm việc làm mới.
Buồn và ngần ngại cũng là tâm trạng chung của không ít lao động tỉnh Quảng Bình khi phải trở về quê trong tình cảnh thất nghiệp, càng lo lắng hơn khi cái Tết đang cận kề. Anh Hoàng Văn Tuấn, trú tại huyện Lệ Thủy là một trong số đó.
Vợ chồng anh Tuấn trước đây làm công nhân ở Bình Dương. Sau thời gian chật vật vì Covid-19, giữa năm 2022, anh nhận được thông tin về việc Quảng Bình tuyển lao động hợp đồng ngắn hạn tại Hàn Quốc nên vội vàng trở về quê đăng ký.
Nào ngờ, chỉ vì các lao động tỉnh Quảng Bình trước đó sang Hàn Quốc bỏ trốn, phía nước bạn đã tạm dừng cấp thị thực nhập cảnh, giấc mơ đi làm việc ở nước ngoài của anh Tuấn vì vậy không thành. Không thể đi Hàn Quốc, anh Tuấn chán nản quay trở lại Bình Dương nhưng những tháng cuối năm, để tìm được một công việc ổn định là điều không dễ dàng.
"Xin việc mà bị nợ lương, giảm lương thì cũng nản, với lại đã gần Tết nên vợ chồng tôi quyết định về quê, ra năm mới sẽ tìm việc làm khác. Năm nay buồn hẳn. Trước, khi có công việc, thu nhập ổn định, về quê đón Tết cũng vui vẻ, háo hức lắm. Thất nghiệp như mấy tháng nay thì Tết làm sao mà vui được. Hy vọng năm mới thuận lợi và có việc làm để ổn định cuộc sống, chăm lo cho con cái học hành", anh Tuấn nặng trĩu tâm trạng.
Không chỉ các công nhân phải về quê sớm vì mất việc làm, nhiều lao động khác dù vẫn có công việc nhưng vì lương, thưởng thấp nên cũng đối mặt với không ít khó khăn.
Tết là dịp sum vầy, đoàn tụ, ai đi xa, ngày Tết cũng mong trở về để được sống trong không khí ấm áp của tình thân. Chính vì vậy, về quê ăn Tết là nhu cầu chính đáng của mỗi người. Thế nhưng khi công việc và thu nhập bị giảm sút, nhiều người đắn đo, trăn trở với chuyện ở lại hay về.
Anh Trần Văn Hoàng (31 tuổi, trú tại xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa) hiện đang làm công nhân hàn xì tại TPHCM. Gần 2 năm qua, công việc ít, thu nhập bấp bênh nên cuộc sống của vợ chồng anh hết sức chật vật. Vợ anh Hoàng làm giáo viên hợp đồng, "lương ba cọc ba đồng", 2 con còn nhỏ.
Theo anh Hoàng, dù Tết đã cận kề, vợ chồng anh vẫn đắn đo. Bởi lẽ không về thì nhớ nhà, ở lại thì nặng trĩu tâm tư. Hơn nữa, về Tết tốn kém nhiều khoản, từ vé tàu xe, chi phí trang trải trong dịp Tết, điều mà vợ chồng anh Hoàng hiện nay khó lòng đáp ứng.
"Tết đến nơi rồi mà giờ trong túi cạn tiền, không biết xoay xở ra sao. Làm công nhân, cuối năm cũng muốn kiếm thêm nhưng việc chẳng có. Làm quanh năm chỉ mong cuối năm về quê ăn Tết với gia đình, nhưng nay khó khăn quá, chẳng có đủ kinh tế, về quê cũng ngại với bạn bè, họ hàng", anh Hoàng bộc bạch.
Hiện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các Phòng LĐ-TB&XH cấp huyện, thị xã, thành phố rà soát, nắm lại tình hình, số lượng lao động để có đề xuất chính sách hỗ trợ kịp thời. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ nắm chặt lại tình hình quy mô sản xuất ở các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn để có giải pháp tham mưu UBND tỉnh giải quyết việc làm cho người lao động khi quay về địa phương, nhất là sau Tết.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Bình cũng đã lên kế hoạch, nắm chặt tình hình lao động để kết nối giữa người lao động với doanh nghiệp, tư vấn để người lao động tìm kiếm được việc làm mới. Dự kiến từ nay đến Tết, tại Quảng Bình, lượng lao động về quê sẽ ngày một đông hơn. Việc cấp thiết hiện nay là làm sao để các lao động khó khăn có đủ điều kiện vui Xuân, đón Tết.
Theo báo cáo từ Sở LĐ-TB&XH Quảng Bình, đến nay, trên địa bàn có khoảng 4.015 doanh nghiệp đang hoạt động có doanh thu và có khoảng 45.320 lao động, trong đó có 8 khu công nghiệp, khu kinh tế với 66 doanh nghiệp và 4.945 lao động.
Trong những tháng cuối năm 2022, do tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình gặp khó khăn, việc cắt giảm giờ làm, cho công nhân nghỉ một số ngày trong tháng để chờ đơn hàng, đã ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của một bộ phận người lao động (tập trung ở các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc).
Nhằm hỗ trợ các lao động khó khăn, ngành lao động Quảng Bình đã tổ chức các gian hàng giảm giá và Chương trình "Tết sum vầy - Xuân gắn kết" để hỗ trợ công đoàn viên, người lao động trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, trao tặng 5.030 suất quà cho công đoàn viện, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trị giá 2,5 tỷ đồng.
Nội dung: Tiến Thành
Thiết kế: Đỗ Diệp