1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Thanh tra hồ sơ người có công:

Thanh tra LĐ-TB&XH: Kiến nghị thu hồi hàng trăm tỷ đồng cho Nhà nước

(Dân trí) - Từ công tác thanh tra của ngành LĐ-TB&XH, hàng nghìn hồ sơ người có công sai phạm đã được phát hiện, qua đó kiến nghị thu hồi hàng trăm tỷ đồng nộp ngân sách nhà nước.

Một trường hợp hồ sơ giả mạo do thanh tra Bộ LĐ-TB&XH phát hiện:

Thanh tra LĐ-TBXH: Kiến nghị thu hồi hàng trăm tỷ đồng cho Nhà nước - 1
Thanh tra LĐ-TBXH: Kiến nghị thu hồi hàng trăm tỷ đồng cho Nhà nước - 2

Cụm ảnh 2: ảnh chụp tài liệu tại vị trí số 1 và 2 cho thấy phần chữ in phôi của tài liệu được hình thành bằng các hạt mực laze

Thanh tra LĐ-TBXH: Kiến nghị thu hồi hàng trăm tỷ đồng cho Nhà nước - 3
Thanh tra LĐ-TBXH: Kiến nghị thu hồi hàng trăm tỷ đồng cho Nhà nước - 4

Cụm ảnh 3: Hình ảnh lồng ghép trùng khớp các đặc điểm chung và riêng hình dấu xác nhận mang tên "Trung đoàn 800" trên tài liệu cần giám định với hình dấu mang tên "Trung đoàn 165" trên Giấy chứng nhận bị thương số: 270 CNBT, đề ngày 19/8/1985, ghi của Trung đoàn 165 Sư đoàn 312 QĐ1, cấp cho ông Nguyễn Văn Hách, sinh năm 1965 (ký hiệu A2) cho thấy chúng là do cùng một con dấu đóng ra ngoại trừ số "800" và "165" được kẻ, vẽ bằng tay

Nhận xét Giấy chứng nhận bị thương số: 21/CNBT, đề ngày 21/5/1984, ghi của Trung đoàn 800, cấp cho ông Đỗ Hữu Tuấn, sinh năm 1960 (ký hiệu A1):

- Phần chữ in phôi của tài liệu được hình thành bằng các hạt mực laze

 - Hình dấu xác nhận mang tên "Trung đoàn 800" trên tài liệu cần giám định với hình dấu mang tên "Trung đoàn 165" trên Giấy chứng nhận bị thương số: 270 CNBT, đề ngày 19/8/1985, ghi của Trung đoàn 165 Sư đoàn 312 QĐ1, cấp cho ông Nguyễn Văn Hách, sinh năm 1965 (ký hiệu A2) là do cùng một con dấu đóng ra ngoại trừ số "800" và "165" được kẻ, vẽ bằng tay.

Tăng cường công tác thanh tra

Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là một chính sách đặc biệt, thể hiện sự quan tâm, biết ơn của Đảng và Nhà nước đối với những người đã cống hiến, hy sinh xương máu cho độc lập Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân, đồng thời thể hiện sâu sắc đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và tổ chức thực hiện kịp thời, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người có công, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội.

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công là một vấn đề có tính chất lịch sử, những đóng góp của họ cho đất nước đã diễn ra cách đây nhiều thập kỷ, trong điều kiện chiến tranh, đến nay hồ sơ, giấy tờ bị thất lạc, thiếu chứng cứ để giải quyết, vì vậy, việc xác nhận người có công với cách mạng sẽ không tránh khỏi những thiếu sót.

Mặt khác, bên cạnh những trường hợp xứng đáng được Nhà nước và nhân dân tôn vinh, chăm sóc, đã có không ít đối tượng lợi dụng kẽ hở của chính sách để làm giả giấy tờ, khai man hồ sơ hưởng trợ cấp ưu đãi trái pháp luật, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội.

Trước thực tế đó, để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Ngành về lĩnh vực người có công, trong những năm qua, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tăng cường công tác thanh tra, lựa chọn hai nhóm đối tượng (thương binh và người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học) được nhận định dễ xảy ra sai sót trong quá trình xác nhận hồ sơ để thực hiện.

Nhiều kết quả đã đạt được trong công tác thanh tra, như sau:

Đối với hồ sơ thương binh: Thực hiện chương trình phối hợp về thanh tra việc xác nhận hồ sơ thương binh do cơ quan quân đội thực hiện. Kết quả thanh tra, kiểm tra 66.014 hồ sơ, xác định 3.214 hồ sơ không đảm bảo tính pháp lý phải kiến nghị đình chỉ chế độ và yêu cầu nộp trả ngân sách nhà nước số tiền trên 338,4 tỷ đồng; 1.415 hồ sơ đang tiếp tục xác minh hoặc giám định kỹ thuật hình sự để có cơ sở kiến nghị xử lý tiếp theo.

Với một số sai phạm chủ yếu như: Kết quả giám định kỹ thuật hình sự xác định tài liệu bị tẩy toàn bộ nội dung cũ để viết lại nội dung mới, giả mạo hình dấu trên tài liệu; lập giả danh sách quân nhân bị thương hoặc cấp sao danh sách quân nhân bị thương không có cơ sở; cấp giấy chứng nhận bị thương sai thẩm quyền; ghi thêm nội dung bị thương; hồ sơ không có quyết định phục viên, xuất ngũ, chuyển ngành hoặc giấy xác nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự của Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện (kèm theo một số hình ảnh về kết quả giám định tài liệu gốc).

Đối với hồ sơ người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học: Từ năm 2016 đến tháng 10/2020, Thanh tra Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đã tiến hành thanh tra tại 21 tỉnh, thành phố. Kiểm tra 98.080 hồ sơ, xác định 2.839 trường hợp không đủ điều kiện hưởng chế độ phải đình chỉ và thu hồi nộp ngân sách nhà nước số tiền trên 306,9 tỷ đồng; 3.572 trường hợp phải điều chỉnh giảm mức hưởng; 16.986 trường hợp phải tiếp tục bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.

Với một số sai phạm chủ yếu như: Sử dụng giấy tờ chứng minh thời gian hoạt động kháng chiến (từ ngày 01/8/1961 đến ngày 30/4/1975 tại các vùng quân đội Mỹ sử dụng chất độc hoá học trong chiến tranh Việt Nam) không hợp pháp (tẩy xóa, sửa chữa, viết thêm địa bàn hoạt động hoặc sử dụng giấy tờ giả); kết quả giám định bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hoá học tại một số Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh không đảm bảo quy định (giám định thêm bệnh, tật cho đối tượng, xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể không đúng quy định; hội đồng giám định y khoa họp không đúng thành phần).

Nhiều kiến nghị, đề xuất

Để việc thực hiện chính sách đảm bảo công bằng, đúng đối tượng, đúng quy định của pháp luật và xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi chính sách, trong thời gian tới, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất tiếp tục thực hiện số giải pháp sau:

Đối với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Chỉ đạo cơ quan chuyên môn nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác thanh tra chính sách người có công, đảm bảo đến hết năm 2021, 100% số hồ sơ hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học trên phạm vi toàn quốc phải được thanh tra, kiểm tra; tiếp tục giám định kỹ thuật hình sự tài liệu gốc và xác minh hồ sơ thương binh để kiến nghị xử lý tiếp theo các kết luận thanh tra việc xác nhận hồ sơ thương binh tại Quân khu; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những trường hợp giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ ưu đãi người có công; đối với những vụ việc có dấu hiệu tội phạm sẽ chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo quy định.

Đối với các cơ quan, đơn vị có liên quan: Bộ Quốc phòng chỉ đạo cơ quan chuyên môn, Bộ Tư lệnh các Quân khu tổ chức thực hiện nghiêm kiến nghị tại kết luận thanh tra; Cục Điều tra hình sự (Phòng Giám định kỹ thuật hình sự) thực hiện việc giám định số tài liệu có nghi vấn sai sót còn lại để có cơ sở kiến nghị xử lý theo quy định.

Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn Sở Y tế và Hội đồng giám định y khoa các tỉnh, thành phố chấn chỉnh công tác khám, giám định đối với người có công với cách mạng (đặc biệt là đối tượng hưởng chế độ chất độc hoá học) đảm bảo chặt chẽ về chuyên môn và đúng quy định của pháp luật; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân nếu để xảy ra sai sót trong quá trình thực hiện khám, giám định y khoa.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương khi tiếp nhận hồ sơ do các cơ quan có thẩm quyền chuyển đến cần kiểm tra chặt chẽ, xử lý nghiêm đối với hồ sơ không đảm bảo quy định; kịp thời xác minh, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm đảm bảo công bằng trong thực hiện chính sách người có công với cách mạng; phối hợp với các ngành liên quan và các cấp chính quyền địa phương có biện pháp thu hồi dứt điểm số tiền đối tượng đã hưởng sai quy định được phát hiện qua công tác thanh tra.

Đề cao sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp, người dân và cơ quan báo chí trong công tác xét duyệt hồ sơ, thực hiện chính sách đối với người có công.