Tham gia bảo hiểm xã hội có lợi hơn gửi tiết kiệm?

(Dân trí) - “Quan niệm cho rằng nên gửi tiết kiệm thay vì tham gia BHXH là không thực tế. Trong điều kiện về tài chính có hạn, đặc biệt là những người có thu nhập thấp, người nghèo và người cận nghèo, việc tham gia BHXH để hưởng lương hưu khi về già là lựa chọn hiệu quả và thông minh nhất”.

Ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội VN, trao đổi quan điểm về một số thông tin gần đây cho rằng, việc gửi tiết kiệm sẽ có lợi ích hơn tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH).

Lợi ích lâu dài

Theo lý giải của BHXH VN, nếu so sánh giữa tham gia BHXH để hưởng lương hưu và gửi tiết kiệm về cơ bản cũng tương tự như giữa việc tham gia BHXH và bảo hiểm nhân thọ.

“Bởi các ngân hàng cũng hoạt động nhằm mục đích sinh lời và là nghề kinh doanh có lời nhất. Như vậy, phần tiền lời đó cũng được lấy chính từ tiền gửi tiết kiệm của người gửi. Khi gửi tiết kiệm, người tham gia được hưởng một khoản tiền lãi theo kỳ hạn của tiền gửi, sau thời gian khoảng 20 - 30 năm thì giá trị của khoản tiền gốc còn lại rất ít” - ông Phạm Lương Sơn nói.


Nhận lương hưu từ việc tham gia BHXH sẽ hỗ trợ người lao động lúc tuổi già. (Ảnh minh hoạ)

Nhận lương hưu từ việc tham gia BHXH sẽ hỗ trợ người lao động lúc tuổi già. (Ảnh minh hoạ)

Đây là điều ngược lại với BHXH. Số tiền đóng BHXH được trả lại bằng việc điều chỉnh tăng theo chỉ giá tiêu dùng (CPI) qua từng năm và trở thành căn cứ để tính lương hưu.

Để so sánh lợi ích từ việc đầu tư khi tham gia BHXH tự nguyện so với việc gửi tiết kiệm của một người, ông Phạm Lương Sơn dẫn chứng bằng ví dụ với các giả định như sau:

“Đóng BHXH và gửi tiết kiệm 20 năm tính từ năm 2008 (năm 2008 là năm đầu tiên thực hiện BHXH tự nguyện); Số tiền gửi tiết kiệm bằng số tiền đóng BHXH duy trì trong suốt 20 năm và số tiền đóng BHXH được tính bằng tỷ lệ % theo quy định của từng thời kỳ tính trên số tiền người tham gia lựa chọn làm căn cứ đóng BHXH là 5.000.000 đồng”.

Cụ thể:

Về mức đóng BHXH tự nguyện: Năm 2008-2009: 800.000đ (bằng 16%); Năm 2010-2011: 900.000đ (bằng 18%); Năm 2012-2013: 1.000.000đ (bằng 20%); Năm 2014 trở đi: 1.100.000đ (bằng 22%).

Lãi suất tiết kiệm: 7%/năm, tính theo lãi gộp qua từng năm.

Chỉ số điều chỉnh tiền đóng BHXH theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 5%/năm tính từ năm t-1 (chỉ số CPI tăng bình quân 8,1%/năm, tính từ năm 2008 đến nay). Người tham gia hưởng lương hưu từ năm 2028 khi đủ 55 tuổi đối với nữ tỷ lệ % hưởng lương hưu theo quy định là 55% (nam giới đủ 60 tuổi, tỷ lệ là 45%);

Mức điều chỉnh lương hưu bình quân tăng: 7%/năm (lấy thấp hơn mức tăng thấp nhất kể từ năm 1993 đến năm 2017). Kỳ vọng sống sau tuổi nghỉ hưu là 20 năm; Mức lương cơ sở tại thời điểm năm 2048 là 10.000.000 đồng, tăng 8,27%/năm (từ năm 2008 đến tháng 6/2017 mức tăng lương cơ sở bình quân là 13,7%/năm);

Trợ cấp tuất một lần bằng 3 tháng lương hưu tại thời điểm chết (mức thấp nhất theo quy định).

Sau khi tính toán, kết quả như sau:

Tham gia bảo hiểm xã hội có lợi hơn gửi tiết kiệm? - 2

Theo ông Phạm Lương Sơn, cùng với số tiền gửi tiết kiệm là 249.600.000 đồng, nhưng đầu tư để tham gia BHXH tự nguyện thì được hưởng an sinh xã hội trọn đời với tổng số tiền được hưởng là 2.160.690.000 đồng (đối với nam là 1.786.019.000 đồng) và nhiều hơn gửi tiết kiệm với số tiền rất lớn là 973.333.000 đồng (đối với nam là 598.303.000 đồng).

Cũng theo lý giải của BHXH VN, trường hợp tham gia BHXH bắt buộc, lợi ích của người tham gia rất lớn vì số tiền người lao động phải bỏ ra đóng BHXH chỉ là 90.763.600 đồng, phần còn lại do đơn vị đóng.

Ngoài ra, người lao động trong suốt thời gian hưởng lương hưu được khám, chữa bệnh do quỹ BHYT chi trả với số tiền không thể thống kê được.

Từ câu chuyện thực tế

Ông Phạm Lương Sơn cho biết, một số thông tin trên báo chí gần đây có phản ánh câu chuyện với tiêu đề “12 sổ tiết kiệm trị giá căn nhà: Sau 20 năm còn 3 bát phở”. Nội dung bài báo đã kể về một số câu chuyện về hành trình tích cóp tiền đem gửi tiết kiệm của một số người và sau mấy chục năm họ ngã ngửa khi tiền gửi “bốc hơi” còn bằng cân thịt, mớ rau, thậm chí có trường hợp chỉ còn 0 đồng.

Câu chuyện thứ nhất: Từ năm 1982-1985, vợ chồng ông Lê Minh Toán (phường Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội) dành dụm được tổng giá trị 4.100 đồng và gửi 12 cuốn sổ tiết kiệm vào các quỹ tiết kiệm thuộc Ngân hàng Nhà nước Trung ương.

Ở thời điểm ấy, số tiền ông gửi đủ mua thêm một căn hộ nhỏ ở trung tâm Hà Nội. Đến khi về hưu, năm 2002, ông Toán áng chừng số tiền cả gốc lẫn lãi mà cả đời ông gửi tiết kiệm sẽ vào khoảng 50-70 triệu đồng và cầm sổ tiết kiệm ra ngân hàng rút tiền. Nhưng ông đau xót khi biết số tiền sau 20 năm, cả gốc lẫn lãi ông chỉ thu được 109.778 đồng, đủ trả ba tô phở.

Câu chuyện thứ hai: Anh Hoàng Nam Thành (TPHCM) gửi tiết kiệm 2 chỉ vàng từ cuối năm 1983, sau 34 năm chỉ còn 0 đồng.

Câu chuyện thứ ba: Ông Nguyễn Vinh Rượu (Hòa Vang, Đà Nẵng) gửi 90 đồng vào quỹ tiết kiệm theo dạng tiết kiệm không kỳ hạn từ ngày 27/9/1983, đến sáng 31/3/2015, bà Nguyễn Thị Thạnh (con gái ông Rượu) mang sổ tiết kiệm đến Ngân hàng VietinBank hỏi và được trả lời theo ước tính của nhân viên ngân hàng thì bà Thạnh sẽ được nhận hơn 20.000 đồng.

“Như vậy càng củng cố thêm nhận định: Đối với quỹ BHXH, dù đồng tiền mất giá vẫn luôn được Nhà nước điều chỉnh kịp thời bù đắp lại quyền lợi cho người tham gia BHXH. Vì vậy, người hưởng lương hưu luôn có mức lương ổn định trong suốt cuộc đời, không bị rủi ro như gửi tiết kiệm” - ông Phạm Lương Sơn nói.

Ông Phạm Lương Sơn cho biết: “Mỗi người khi còn khả năng lao động để tạo thu nhập thì việc chủ động lo toan cho cuộc sống của mình khi về già là điều tất yếu. Nếu chúng ta có thu nhập dư giả, việc lựa chọn sẽ có nhiều hơn: Vừa tham gia BHXH, vừa tham gia bảo hiểm nhân thọ và gửi tiết kiệm để được hưởng nhiều quyền lợi hơn và rất hữu ích. Tuy nhiên, điều đó nằm ngoài khả năng của nhiều người. Đặc biệt, việc lựa chọn tham gia bảo hiểm nhân thọ hoặc gửi tiết kiệm thay cho tham gia BHXH là không thực tế”.

Hoàng Mạnh

Tin liên quan:

Ban hành nhiều văn bản phục vụ cấp số BHXH mới

Theo Ban Thu (BHXH VN), sau khi có thông báo về việc triển khai việc thay số sổ BHXH và số thẻ BHYT thành số BHXH mới theo Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017, ngành đã ban hành thêm nhiều văn bản hướng dẫn, như: Công văn số 3340/BHXH-ST về việc cấp sổ BHXH, thẻ BHYT theo mã số BHXH thực hiện từ ngày 01/8/2017; Công văn số 3799/BHXH-BT về việc hoàn thiện, cấp mã số BHXH cho người tham gia BHXH, BHYT. Công văn số 3865/BHXH-BT về việc rà soát mã số BHXH để in mẫu MS1 và TK1-TS trong đó có quy định tổ chức rà soát, xác định mã số BHXH hoàn thành trước ngày 20/9/2017. Theo ông Vũ Mạnh Chữ - Phó trưởng Ban Thu (BHXH VN), lưu ý BHXH các tỉnh cần chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ công tác rà soát, đồng bộ dữ liệu, ưu tiên cấp mã số BHXH và đổi thẻ mới cho đối tượng học sinh, sinh viên và các đối tượng hết hạn sử dụng thẻ BHYT trước ngày 31/12/2017.

V.A

Hơn 79,08 triệu người tham gia BHYT

Theo BHXH VN, tới tháng 9/2017, số người tham gia BHXH bắt buộc là 13,23 triệu người; bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 11,39 triệu người; BHXH tự nguyện là 243.000 người; BHYT là 79,08 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 84,9% dân số.

Trao đổi với báo giới, ông Lê Văn Phúc Phó phụ trách Ban thực hiện chính sách Bảo hiểm Y tế (BHYT) Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, trong năm 2017 Quỹ BHYT sẽ bội chi khoảng 10.000 tỷ đồng. Được biết, BHXH VN sẽ đề xuất Chính phủ cho phép sử dụng quỹ dự phòng để thanh toán cho số chi phí khám chữa bệnh BHYT bội chi này. Tuy nhiên, BHXH VN sẽ kiên quyết không thanh toán đối với trường hợp lạm dụng quỹ, để đảm bảo Quỹ BHYT được chi đúng mục đích, đúng đối tượng. Đến hết tháng 9/2017, BHXH VN ước tính số chi BHXH, BHYT, BHTN toàn ngành là 199.450 tỷ đồng (tăng 15,15% so với cùng kỳ năm 2016). Trong đó, chi BHXH từ nguồn ngân sách 33.252 tỷ đồng, chi BHXH từ Quỹ BHXH 97.163 tỷ đồng, chi Quỹ BHTN 5.323 tỷ đồng và chi KCB BHYT 64.200 tỷ đồng.

L.Đ

Đáp ứng điều kiện gì để được hỗ trợ học nghề

Bà Nguyễn Thu Hà ở Hà Nội hỏi: Tôi được biết trong các chế độ đối với người hưởng trợ cấp thất nghiệp có nội dung về hỗ trợ dạy nghề. Vậy để được hỗ trợ học nghề, tôi phải đáp ứng đủ những điều kiện gì?

Trả lời:

- Theo quy định tại Điều 55 Luật Việc làm thì người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ học nghề khi có đủ các điều kiện sau đây:

+ Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

+ Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về lao động thành lập trong thời thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

+ Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây: Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; Chết.

+ Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 09 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật.

L.A