Hạn chế lao động trẻ em, ngăn ngừa bi kịch
(Dân trí) - Những đứa trẻ phải lao động, kiếm sống sớm dễ gặp cạm bẫy cuộc đời, không chỉ bé gái mà cả bé trai cũng có nguy cơ. Lên tiếng xóa bỏ lao động trẻ em chính là bảo vệ trẻ thoát khỏi bi kịch.
Trẻ vào đời sớm dễ dẫn đến bi kịch
Đầu năm 2023, Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề thiếu niên TPHCM tiếp nhận một ca trẻ lang thang đặc biệt tên Khanh (tên nhân vật đã thay đổi, SN 2008). Chính quyền địa phương phát hiện Khanh sống lang thang khi em đang ngủ tại một công viên ở quận 6.
Cha mẹ ly dị, Khanh sống cùng cha, mẹ kế và con riêng của mẹ kế trong phòng trọ ở Bình Dương. Sau nhiều lần bị đánh vì tranh chấp với con riêng của mẹ kế, Khanh bỏ nhà đi bụi.
Đầu năm 2022, cậu nhóc 14 tuổi lang thang từ Bình Dương đến tận quận 6 (TPHCM), xin vào làm tại một tiệm hủ tiếu gõ. Khanh làm từ 17h chiều đến 23h đêm, mỗi tối được 120.000 đồng. Đêm về, Khanh đến quán cà phê võng gọi 1 ly nước, ngủ suốt đêm hết 30.000 đồng. Sáng dậy đi lang thang khắp phố, chiều lại tới chỗ bán hủ tiếu.
Trong 1 buổi lang thang, Khanh được một chú xe ôm giới thiệu công việc đi tàu câu mực, bao ăn ở, 1 chuyến kéo dài 3-4 tháng thì chủ cho 12 triệu đồng. Khanh xin đi thì được người này chở ra Vũng Tàu giao cho chủ tàu.
Từ đó, Khanh bắt đầu hành trình khổ sai trên biển, không làm thì bị chủ tàu đánh đập. Sau 4 tháng, chủ tàu bỏ Khanh lại ở một bến vắng mà không trả đồng tiền công nào.
Khanh lại lang thang, được bà con thương tình cho tiền mua vé xe về lại TPHCM. Đến thành phố, Khanh tìm về tiệm hủ tiếu gõ ngày xưa xin làm lại nhưng tiệm đã nghỉ. Khanh lang thang đến công viên Phú Lâm (quận 6), vừa đói vừa mệt nên nằm ngủ trên ghế đá thì công an địa phương phát hiện, đưa về trung tâm bảo trợ xã hội.
Khi tiếp nhận Khanh, cán bộ Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề thiếu niên TPHCM nhận thấy em ốm yếu, mệt mỏi, cho đi khám mới biết em nhiễm trùng vì bị xâm hại tình dục đồng tính.
Tiến sĩ Vũ Văn Hiệu (Đại học Tôn Đức Thắng) đang chủ trì một nghiên cứu về lao động trẻ em trên đường phố tại TPHCM. Ông phát hiện các em có một mẫu số chung là gia đình có vấn đề, thường làm những công việc như bán hàng rong, vé số... và buổi tối tụ tập tại các quán internet để chơi game, ngủ qua đêm. Trong môi trường sống và làm việc phức tạp, thiếu sự quan tâm của người lớn, các em đối mặt rất nhiều rủi ro.
Báo cáo của Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM triển khai cho thấy rõ hơn điều này. Trong năm 2024, chương trình ghi nhận rất nhiều trẻ em gái 12-16 tuổi bị xâm hại, hoặc thuận tình trao thân mà có con. Hoàn cảnh chung của những đứa trẻ này là cha mẹ ít quan tâm hoặc gia đình đổ vỡ, nghỉ học sớm và đi làm sớm.
Vào đời khi còn quá nhỏ, những đứa trẻ này dễ bị xâm hại, hoặc thiếu hiểu biết mà có bạn trai sớm, sinh con sớm và dẫn đến bi kịch phải nuôi con nhỏ khi bản thân còn là trẻ em.
Cần nâng cao nhận thức xã hội về lao động trẻ em
Năm 2024, Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em TPHCM tiếp nhận hỗ trợ 1 bé gái 16 tuổi ở trọ tại tỉnh Long An đến bệnh viện Hùng Vương sinh con. Bé nghỉ học từ năm lớp 7 rồi đi phụ quán cơm, quen bạn trai khi còn rất nhỏ, mới 15 tuổi đã mang thai.
Một bé gái sống ở quận 8 (TPHCM) mới 15 tuổi đã phải đến bệnh viện Hùng Vương sinh mổ. Bé sống cùng cha mẹ nhưng nhà nghèo, anh em đông nên nghỉ học sớm, đi bán hàng rong và quen bạn trai từ năm 13 tuổi.
Theo bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới Sở LĐ-TB&XH TPHCM, việc quan hệ sớm, có con khi còn là trẻ em có tác động rất xấu đến tương lai của cả 2 mẹ con bé gái.
"Cứ tưởng tượng đứa trẻ mới 13-14 tuổi, đang tuổi ăn tuổi chơi đã phải sinh con, trẻ em sinh trẻ em thì sau này chăm sóc, nuôi dưỡng nhau ra sao?", bà Kim Thanh xót xa.
Phát biểu tại một hội nghị hỗ trợ lao động trẻ em, bà Nguyễn Thị Thùy Dương, Phó giám đốc Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề thiếu niên TPHCM, cho biết TPHCM hiện có nhiều chương trình để hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như thu dung trẻ em lang thang, mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em... Với việc tiếp cận trẻ sớm, cơ quan chức năng sẽ có giải pháp hỗ trợ, bảo vệ trẻ tốt hơn.
Như trường hợp của bé Khanh, sau khi tiếp nhận, trung tâm đã làm tâm lý, phát hiện bệnh, chữa trị dứt điểm cho em. Sau đó, Khanh được cán bộ trung tâm hỗ trợ tìm lại cha mẹ, làm giấy tờ tùy thân, tìm lớp dạy nghề để giúp em có công việc ổn định khi rời khỏi trung tâm.
Trong năm 2024, Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân TPHCM phối hợp cùng các ban ngành khác cũng đã có chương trình hỗ trợ làm giấy tờ tùy thân cho hàng ngàn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Đa số các em này đều không được đi học, phải đi làm sớm và chịu nhiều thiệt thòi vì không có giấy tờ tùy thân.
Thông qua chương trình này, TPHCM đã giúp các em có giấy tờ, được đi học, nhận sự hỗ trợ từ chính sách để học nghề, tạo điều kiện cho các em sau này có công việc chính thức, cải thiện đời sống...
Các tổ chức xã hội trên địa bàn TPHCM cũng không ngừng nỗ lực hỗ trợ các em bằng những chương trình thiện nguyện mang tính bền vững như dự án "Nâng cao hiệu quả công tác can thiệp, trợ giúp cho các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn TPHCM" của Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM.
Cán bộ dự án sẽ tiếp cận những trẻ 15-16 tuổi đã phải vào đời sớm, hướng nghiệp và dạy nghề cho trẻ, đồng thời hỗ trợ phát triển kinh tế cho gia đình các em, xây dựng mạng lưới các cơ sở hỗ trợ trẻ em… thành một mô hình khép kín để hỗ trợ trẻ có công ăn việc làm, ổn định cuộc sống.
Ông Phạm Đình Nghinh, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM, cho biết đối tượng dự án ưu tiên hỗ trợ là trẻ em lang thang, lao động kiếm sống trên đường phố. Dự án hỗ trợ các em học nghề, tìm việc và xây dựng cuộc sống ổn định.
Theo bà Nguyễn Thị Thùy Dương, Phó giám đốc Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề thiếu niên TPHCM, giải pháp căn cơ nhất để giúp những đứa trẻ, hạn chế tình trạng lao động trẻ em là tuyên truyền rộng rãi đến mọi người dân.
Bà Dương kể, trong những đợt đưa trẻ lang thang được chăm sóc tại trung tâm hồi gia, nói chuyện cùng gia đình trẻ thì cán bộ trung tâm mới biết là phụ huynh các em xem việc bắt trẻ em đi làm rất bình thường.
Nhiều gia đình ở các vùng quê xa xôi đưa trẻ đến TPHCM làm việc tại các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ như một cách giảm bớt chi tiêu cho gia đình. Những đứa trẻ được người môi giới đưa đi, làm việc không có lương mà chỉ nuôi ăn ở, cuối năm về thăm nhà thì cha mẹ trẻ được nhận vài chục triệu đồng tiền công. Có những đứa trẻ không chịu nổi công việc cực khổ, bỏ trốn ra ngoài làm việc, sống lang thang mới được cán bộ địa phương phát hiện, đưa về trung tâm chăm sóc.
Do đó, công tác tuyên truyền để cộng đồng hiểu lao động trẻ em là phạm pháp, sẽ bị pháp luật trừng trị cần được tăng cường triển khai, để phụ huynh và cả chủ sử dụng lao động có ý định bắt trẻ đi làm sớm, hoặc nhận trẻ em vào làm việc biết mà tránh xa.