Tạo việc làm cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Tỉnh miền núi Bắc Giang hướng đến mục tiêu tăng tỷ lệ lao động nữ là người dân tộc thiểu số đạt 40% trong năm 2025 và 50% trong năm 2030.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang, địa phương đã tổ chức 15 hội nghị tuyên truyền, vận động, tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho 668 lao động ở các thôn, xã vùng dân tộc thiểu số của các huyện Lục Ngạn, Lục Nam và Lạng Giang. 

Sắp tới, tỉnh Bắc Giang phấn đấu đến năm 2025 đạt 50% và đến năm 2030 đạt 60% cơ quan làm công tác dân tộc từ tỉnh đến huyện có lãnh đạo chủ chốt là nữ. 

Tạo việc làm cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số - 1

Nữ lao động thuộc dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Yên Bái được tạo cơ hội làm việc từ Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Hồng Ca (Ảnh: Hồng Duyên).

Bên cạnh đó, địa phương đặt mục tiêu tăng tỷ lệ lao động nữ dân tộc thiểu số làm công hưởng lương đạt 40% vào năm 2025 và khoảng 50% vào năm 2030; giảm tỷ lệ lao động nữ dân tộc thiểu số làm việc trong khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản xuống 50% vào năm 2025 và dưới 30% vào năm 2030,…

Năm 2021, toàn tỉnh đã tạo việc làm cho 35.000 lao động, trong đó 17.600 lao động nữ (6 tháng đầu năm 2022 tạo việc làm cho 17.593 lao động); tỷ lệ lao động qua đào tạo so với tổng số lao động là 72%; số lao động làm việc trong các doanh nghiệp là 451.000 người; tỷ lệ nữ là giám đốc, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt 23%.

Tỉnh Bắc Giang hướng đến thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bắc Giang là tỉnh miền núi, có 9 huyện và 1 thành phố. Trong đó, cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn chiếm đến 14,26% dân số toàn tỉnh, tương đương với 257.000 người sống tại 73 xã thuộc 5 huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế và Lạng Giang.