1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Tăng lương hưu 15% đảm bảo công bằng cho người nghỉ hưu trước và sau 1/7

Hoa Lê

(Dân trí) - Tỷ lệ tăng 15% mức hưởng lương hưu được các cơ quan quản lý tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo công bằng, có sự chia sẻ giữa người đang hưởng lương hưu và người đang đóng bảo hiểm xã hội.

Cần triển khai kịp thời

Trước thông tin về đề xuất tăng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội, nhiều người đang hưởng chế độ này rất vui mừng, phấn khởi.

Nghỉ hưu đã lâu, ông Nguyễn Văn An (sinh năm 1948, Hà Nội), từng công tác trong một Cơ quan thuộc Chính phủ cho biết, ông đã được thụ hưởng thông qua việc điều chỉnh lương hưu nhiều lần.

Tăng lương hưu 15% đảm bảo công bằng cho người nghỉ hưu trước và sau 1/7 - 1

Người dân nhận lương hưu hằng tháng (Ảnh: BHXH VN).

Theo quan sát của ông, mỗi kỳ điều chỉnh, mức tăng các nhóm đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức và người về hưu là tương đương nhau. Điều này đã tạo sự đồng thuận, công bằng cho người nghỉ hưu trước và sau thời điểm tăng lương và không có sự chênh lệch nhiều.

Trước thông tin Chính phủ đề xuất tăng lương hưu 15%, ông An cho rằng mức tăng 15% là hợp lý, đảm bảo tốt vấn đề an sinh xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Nghỉ hưu từ năm 2021, ông Trần Trung Thái (ở Bắc Giang) cho hay, điều ông băn khoăn nhất là đảm bảo sự công bằng cho những người về hưu trước và sau thời điểm 1/7.

Cũng theo ông Thái, việc điều chỉnh mức hưởng lương hưu và đưa ra phương án triển khai kịp thời giúp tăng tính hấp dẫn, bền vững của chính sách.

"Mục đích của việc tham gia bảo hiểm xã hội là để đảm bảo an sinh xã hội về lâu dài, khi mỗi người hết tuổi lao động. Nhiều người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần là gánh nặng với việc đảm bảo an sinh xã hội sau này", ông Thái cho hay.

Mức tăng cao nhất 

Nếu đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp 15% được thông qua, đây sẽ là mức tăng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội cao nhất từ trước đến nay.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, phạm vi áp dụng rất rộng lớn tới hơn 3,3 triệu người, bao gồm người đang hưởng lương hưu từ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (khối nhà nước, tư nhân) và người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

"Tỷ lệ tăng này đã được các cơ quan quản lý tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo công bằng, hợp lý, hài hòa, có sự chia sẻ giữa người đang hưởng lương hưu và người đang đóng bảo hiểm xã hội, giữa khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, giữa các thế hệ tham gia và thụ hưởng chính sách; đồng thời đảm bảo khả năng cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội trong dài hạn", Bảo hiểm xã hội cho hay.

Việc điều chỉnh đồng bộ này cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong thực hiện những định hướng, mục tiêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. 

Để hoàn thành các mục tiêu trên cần những điều chỉnh lớn và đồng bộ, phát huy mạnh mẽ tính chia sẻ của Quỹ bảo hiểm xã hội từ sự đóng góp của tất cả các thành phần người lao động và cả giữa các thế hệ người lao động qua các thời kỳ, đồng thời cần có sự hỗ trợ từ các nguồn lực khác của Nhà nước.

Tăng lương hưu 15% đảm bảo công bằng cho người nghỉ hưu trước và sau 1/7 - 2

Ngoài lương hưu, người nghỉ hưu còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí (Ảnh: Hoa Lê).

Do đó, Chính phủ đề nghị cho phép mở rộng phạm vi sử dụng nguồn tích lũy cải cách tiền lương của ngân sách Trung ương và địa phương để chi cho việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, trợ cấp xã hội, chính sách an sinh xã hội và tinh giản biên chế.

Bên cạnh đó, từ ngày 1/7, Chính phủ cũng đề nghị tăng lương tối thiểu vùng thêm 6%. Thực hiện các đề xuất trên sẽ đảm bảo lương hưu của người lao động được đảm bảo tăng mang tính lâu dài với tính toán cân nhắc đến khả năng của doanh nghiệp và sự hỗ trợ của Nhà nước; đảm bảo khả năng cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội trong dài hạn.

Là cơ quan thuộc Chính phủ được giao thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã sẵn sàng tập trung mọi nguồn lực để thực hiện khi đề xuất được Quốc hội thông qua.

Theo đó, có việc triển khai đồng bộ các giải pháp, lên phương án, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình chi trả...

Để bảo đảm đời sống cho người nghỉ hưu từ năm 1995 đến hết năm 2023, Quốc hội, Chính phủ đã tiến hành 23 lần điều chỉnh lương hưu. Mức hưởng lương hưu không phải cố định tại thời điểm nghỉ hưu mà định kỳ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách Nhà nước và Quỹ bảo hiểm xã hội.

Ngoài lương hưu hằng tháng, người hưởng còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí trong suốt thời gian nghỉ hưu.