1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Quảng Nam:

Tăng cường biện pháp phòng chống tai nạn đuối nước, xâm hại trẻ em

Công Bính

(Dân trí) - UBND Tỉnh Quảng Nam vừa yêu cầu các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể, UBND các địa phương khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn, đuối nước và xâm hại trẻ em.

Theo công văn của UBND tỉnh Quảng Nam, các cấp, ngành, địa phương cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em, hướng dẫn cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em, gia đình, cộng đồng những kiến thức, kỹ năng phát hiện, tố cáo kịp thời các hành vi xâm hại trẻ em; giám sát, trông coi trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ tuổi.

Đồng thời, việc phối hợp liên ngành trong việc chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em ở các cấp, các ngành cần được tăng cường; huy động sự tham gia của các Hội, đoàn thể và người dân trong việc phát hiện, giám sát, cảnh giới các khu vực có nguy cơ gây tai nạn, thương tích, đặc biệt là khu vực có nguy cơ gây đuối nước đối với trẻ em.

Tăng cường biện pháp phòng chống tai nạn đuối nước, xâm hại trẻ em - 1

Vùng biển thị xã Điện Bàn là nơi xảy ra vụ đuối nước vào ngày 25/2. Hậu quả làm 1 em học sinh tử vong. 3 em khác được anh Trần Văn Tròn (20 tuổi, trú phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) cứu sống.

UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tăng cường rà soát các khu vực hay xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp phòng ngừa, can thiệp nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ; bố trí rào chắn, cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các ao, hồ, sông, suối, bãi tắm, khu vực nước sâu nguy hiểm…

UBMTTQ Việt Nam tỉnh, hội, đoàn thể các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; đặc biệt chú trọng nội dung phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn, thương tích trẻ em; vận động các nguồn lực hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em bị tai nạn, thương tích, bị xâm hại, bạo lực.

Công an tỉnh, các cơ quan, đơn vị có liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn tiếp nhận, giải quyết kịp thời và xử lý nghiêm minh các vụ việc xâm hại trẻ em; thực hiện quy trình can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị xâm hại theo đúng Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 9/5/2017 của Chính phủ; làm tốt công tác cấp cứu, khám, chữa bệnh kịp thời cho trẻ em bị tai nạn, thương tích, đuối nước và trẻ em bị xâm hại.

Tăng cường biện pháp phòng chống tai nạn đuối nước, xâm hại trẻ em - 2

Anh Trần Văn Tròn nhận giấy khen của Tỉnh đoàn Quảng Nam sau khi cứu được 3 em học sinh bị đuối nước.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam cho biết, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh có 1 vụ xâm hại trẻ em vào giữa tháng 4 vừa qua ở huyện Nam Trà My.

Còn về tình hình tai nạn đuối nước ở trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, trong 3 tháng đầu năm nay xảy ra 3 vụ, làm 3 trẻ em tử vong, tăng so với cùng kỳ năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 xảy ra 2 vụ, làm 2 trẻ em tử vong).

Trong năm 2020, tỉnh Quảng Nam xảy ra 5 vụ đuối nước, làm 8 trẻ tử vong, giảm so với năm 2019 (năm 2019 xảy ra 5 vụ đuối nước, làm 10 trẻ em tử vong). Huyện Đại Lộc là địa phương xảy ra nhiều vụ trẻ em bị tử vong do đuối nước nhất trong năm 2020 và 3 tháng đầu năm nay với 5 trẻ/4 vụ.

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam, các trẻ bị tai nạn đuối nước trong thời gian qua đa số ở độ tuổi tiểu học, mẫu giáo và phần lớn là do trẻ nhỏ, trẻ không biết bơi; tắm sông, suối, kênh, biển và chơi gần khu vực ao, hồ nhưng thiếu sự giám sát của người cha mẹ, người lớn...