Đắk Lắk:
SOS Buôn Ma Thuột xuyên đêm làm việc... bao đồng
(Dân trí) - Bất kể ngày thường hay dịp lễ, Tết, chỉ cần nhận được cuộc gọi cầu cứu, các thành viên trong nhóm SOS Buôn Ma Thuột lại lập tức xách theo đồ nghề lên đường sửa xe miễn phí giúp người.
Giúp người không cần sự đền đáp
Trong những ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần, khi mọi người đều dành thời gian quây quần bên gia đình, tụ họp vui chơi thoải mái sau một năm làm việc bận rộn, những thành viên trong nhóm SOS Buôn Ma Thuột lại chọn việc bận rộn "chạy xô" để sửa xe, hỗ trợ cho người dân.
Chúng tôi gặp nhóm SOS Buôn Ma Thuột vào buổi tối đầu năm mới, sau khi cả nhóm vừa xong 2 ca sửa xe cho người đi đường gặp nạn. Ngày thường, nhóm chỉ hoạt động buổi tối nhưng vào ngày Tết các thành viên quyết định làm cả ngày lẫn đêm để hỗ trợ tối đa cho người cần giúp đỡ.
Anh Đỗ Tuấn Anh - Trưởng nhóm SOS Buôn Ma Thuột cho biết, những ngày Tết vừa qua, cả nhóm sửa chữa trung bình được 50 chiếc xe/ngày.Tuy thấm mệt sau một ngày làm việc vất vả nhưng anh và các thành viên trong nhóm vẫn hứng khởi với mỗi "ca đêm".
"Buổi tối, càng về khuya nhóm thường nhận càng nhiều điện thoại nhờ hỗ trợ so với ban ngày. Do các cửa hàng sửa xe máy đóng cửa nghỉ Tết, người dân hỏng xe không biết xoay sở sao và cứ thế, anh em chúng tôi lại có việc, lên đường", anh Tuấn Anh vừa nói vừa soạn sửa lại bộ đồ nghề được cột cẩn thận phía sau yên xe máy.
Anh kể, nhóm SOS Buôn Ma Thuột được thành lập cách đây 2 năm với số lượng thành viên khá đông đảo. Tuy vậy, theo năm tháng, số thành viên vơi dần vì tính chất của công việc, sự nguy hiểm khi hoạt động về đêm, áp lực từ gia đình… Hiện nhóm có 5 thành viên thường trực.
Các thành viên trong nhóm là những anh em làm tài xế, chạy Grab, làm bảng quảng cáo và cả sinh viên… Ban ngày, mọi người đều đi làm, mưu sinh bằng những công việc riêng của mình. Nhóm bắt đầu vận hành từ 19h mỗi ngày và thường kết thúc công việc lúc 0h đêm.
"Cá biệt có những hôm 2 - 3h sáng, đang ngủ thì nhận được điện thoại cầu cứu, tôi cùng anh em vẫn cố gắng dậy, chạy đến giúp đỡ bà con. Dẫu biết nguy hiểm rình rập khi đi đường đêm hôm nhưng thấy người gặp nạn tha thiết cần mà mình từ chối thì rất áy náy, khó chịu vô cùng", trưởng nhóm SOS Buôn Ma Thuột tâm sự.
Mỗi thành viên trong nhóm sẽ được trang bị một hộp đồ nghề nhỏ phía sau xe, bên trong có dụng cụ sửa xe, ruột săm, kèm thêm vài chai xăng được rót sẵn… Kinh phí hoạt động đều do nhóm tự bỏ tiền túi và từ nguồn những người đóng góp giúp nhóm có thêm chi phí trang trải.
Cả nhóm có vô vàn những kỷ niệm đáng nhớ, khó quên qua hơn 2 năm hoạt động, giúp đỡ hàng trăm ca hỏng xe dọc đường vào ban đêm, hỗ trợ đưa xe bị hỏng nặng về tận nhà, cứu hộ các nạn nhân bị tai nạn giao thông dọc đường...
Như vào mùng 4 Tết vừa qua, đường dây nóng của nhóm nhận được điện thoại của một tài xế Grab báo về việc có hai người Anh trên đường di chuyển từ TP Đà Lạt (Lâm Đồng) khi đi ngang TP Buôn Ma Thuột thì xe bị xịt lốp, không thể tìm kiếm được tiệm sửa xe nào.
Hay tin, cả nhóm nhanh chóng có mặt giúp sửa xe. Chỉ sau nửa giờ đồng hồ thao tác, chiếc xe đã được vá, bơm, xử lý xong xuôi để nhóm du khách nước ngoài tiếp tục lên đường.
"Khi xe sửa xong, cả hai người ngoại quốc cùng rối rít cảm ơn và rút tiền trả công nhưng nhóm chúng tôi nhất quyết không nhận. Dù bất đồng ngôn ngữ nhưng qua ánh mắt, nụ cười của họ, tôi biết họ vui lắm và điều này cũng làm anh em cảm thấy vui lây", anh Võ Ngọc Tấn (30 tuổi, Phó trưởng nhóm SOS Buôn Ma Thuột) nhớ lại.
Bị gọi là "vô công rồi nghề"!
Em Trần Duy Phát (18 tuổi, sinh viên trường Cao đẳng FPT tại Đắk Lắk) là tân binh, vừa vào "nghề" được một tháng. Phát chia sẻ, em thường theo dõi hoạt động của SOS Buôn Ma Thuột trên mạng xã hội. Thích thú với hoạt động của nhóm, Phát đã mạnh dạn liên hệ xin gia nhập dù chưa bao giờ biết đến việc sửa xe máy.
"Những ngày đầu theo chân các anh đi khắp các chốn ở TP Buôn Ma Thuột, em đã học được cách vá lốp, sửa xe, thay nhiều loại phụ tùng.... Đến nay, tay nghề của em đã khá lên nhiều và có thể tự sửa xe những lỗi đơn giản", Phát khoe.
Cũng theo Phát, trong thời gian dịch bệnh, chủ yếu học online nên em sắp xếp thời gian rảnh buổi tối để đi cùng anh em nhóm SOS. Trước khi xin gia nhập SOS Buôn Ma Thuột, Phát đã có buổi trò chuyện, xin phép bố mẹ và được gia đình ủng hộ.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi bị gián đoạn khi trưởng nhóm SOS Buôn Ma Thuột nhận được điện thoại của một cô gái báo xe bị hư trên đường Tản Đà (phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột). Lập tức, nhóm lại cử người nhanh chóng đến hỗ trợ. Sau khoảng 15 phút sửa chữa, chiếc xe đã nổ máy ngon lành trước sự thán phục của cô gái trẻ.
"Ban đêm, để kiếm một tiệm sửa xe rất khó, có khi phải dắt bộ rất xa. May mắn cho em khi chỉ một cuộc gọi, các anh trong nhóm SOS Buôn Ma Thuột đã nhanh chóng đến hỗ trợ, giúp đỡ rất nhiệt tình", Lê Thị Mỹ Duyên (18 tuổi) kể.
Anh Tuấn Anh chia sẻ thêm, việc nhóm đi làm đêm hôm, nhận giúp đỡ người đi đường miễn phí nên không ít lần bị gọi là "nhóm vô công rồi nghề", rảnh rỗi nên hay bao đồng, lo việc thiên hạ… Với những lời lẽ đó, anh Tuấn Anh cùng anh em trong nhóm chỉ cười trừ, bỏ ra ngoài sự quan tâm bởi việc giúp đỡ được người khác trong lúc hoạn nạn mà không cần sự đền đáp mới chính là mục tiêu hoạt động của nhóm.
Sửa xong xe cho cô gái trẻ, cả nhóm lại vội vàng di chuyển tới địa điểm khác cần sửa xe gấp. "Dù còn nhiều khó khăn nhưng anh em tự nhủ rằng, dù chỉ còn một thành viên thì nhóm vẫn sẽ còn lên đường khi nhận cuộc gọi cần hỗ trợ", trưởng nhóm SOS Buôn Ma Thuột nói vội với chúng tôi trước khi rời đi, lao vào màn đêm trên chiếc xe máy cũ kỹ, phía sau có gắn bộ đồ nghề dán dòng chữ "SOS Buôn Ma Thuột".