1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Sóc Trăng: Thoát nghèo từ Tổ hội nghề nghiệp nuôi bò sinh sản

Cao Xuân Lương

(Dân trí) - Để người dân có việc làm ổn định, không phải chịu cảnh ly hương kiếm sống, chính quyền địa phương đã thành lập Tổ hội nghề nghiệp nuôi bò sinh sản có hiệu quả, giúp người dân có hướng thoát nghèo.

Bà Trần Thị Thu Sương, Phó Chủ tịch UBND xã Hồ Đắc Kiện (huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, cuộc sống của nhiều bà con ở xã vẫn còn khó khăn, nhiều người phải làm thuê, thậm chí rời quê đi nơi khác để kiếm sống.

Trước thực tế đó, được sự hỗ trợ của các cấp Hội Nông dân, xã đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con thành lập các chi hội, tổ hội nghề nghiệp để liên kết những nông dân có chung ngành nghề cùng phát triển, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Trong đó, mô hình Tổ hội nghề nghiệp nuôi bò sinh sản ở ấp Xây Đá B, được bà con ủng hộ cao.

Sóc Trăng: Thoát nghèo từ Tổ hội nghề nghiệp nuôi bò sinh sản - 1

Một buổi họp của các hội viên trong Tổ hội nghề nghiệp nuôi bò sinh sản.

Bà Đỗ Thúy Hồng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồ Đắc Kiện, cho hay, Tổ hội nghề nghiệp nuôi bò sinh sản ấp Xây Đá B được thành lập tháng 3/2020 với 22 thành viên, có 80 con bò (trong đó có 22 con bò cái sinh sản và 58 con bò thịt).

Xã đề xuất Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ vốn vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân với số tiền 500 triệu đồng cho 12 hội viên có nhu cầu vay vốn mua bò giống và nâng cấp chuồng trại. Bên cạnh đó, phối hợp với Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh mở lớp dạy nghề nuôi bò sinh sản cho các hội viên.

Song song đó, Hội Nông dân tỉnh và huyện cũng quan tâm kết nối các hộ nuôi bò ở ấp với một trang trại mua bán bò ở huyện Tiểu Cần (tỉnh Trà Vinh) để trang trại này ký kết hợp đồng liên kết chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm của bà con với giá sàn thấp nhất là 78.000đồng/kg (tùy theo thời điểm) nên bà con rất phấn khởi.

Sóc Trăng: Thoát nghèo từ Tổ hội nghề nghiệp nuôi bò sinh sản - 2

Các thành viên trong Tổ được tập huấn về kỹ thuật nuôi bò.

Qua 9 tháng thực hiện dự án, đến nay tổng đàn bò đã nâng lên 102 con. Nhìn chung, mô hình nuôi bò sinh sản trên địa bàn ấp Xây Đá B đã và đang phát triển có hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.

Ông Nguyễn Văn Tân (một người dân nuôi bò) nói: "Khi tham gia vào tổ hợp tác, tôi được hỗ trợ vốn nuôi bò giống và làm chuồng trại, tôi đã mua được 4 con bò cái, đến nay đã đẻ được 2 con, sắp tới sẽ có thêm bò con nữa. Nuôi bò rất yên tâm vì chi phí không cao, rủi ro không nhiều, lại có nơi bao tiêu đầu ra, nhân công là của nhà mình nên không tốn chi phí".

Theo lãnh đạo xã Hồ Đắc Kiện, một trong những hộ có mô hình nuôi bò hiệu quả, vươn lên thoát nghèo là hộ ông Lâm Đực. Xã đã vận động và được bà con ở xã hưởng ứng học tập theo mô hình này.

Ông Lâm Đực cho biết, trước đây gia đình ông nghèo lắm, không có đất đai sản xuất, phải đi làm thuê làm mướn và thuê đất của người khác để làm lúa nên vất vả. Cách đây khoảng 8 năm, ông nuôi 4 con bò cái sinh sản, sau đó các con bò này sinh sản thêm nhiều bò con, cứ thế ông nhân đàn lên, con nào đẹp giữ lại làm giống, con nào không đạt thì vỗ béo bán bò thịt.

Sóc Trăng: Thoát nghèo từ Tổ hội nghề nghiệp nuôi bò sinh sản - 3

Ông Lâm Đực và đàn bò của gia đình.

Mỗi năm ông Lâm Đực bán được từ 6-12 con bò con, mỗi con khoảng từ 16-17 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi được khoảng 80-100 triệu đồng. Hiện nay trong chuồng có 14 con bò, theo giá thị trường mỗi con khoảng 30 triệu đồng.

Ngoài ra, nuôi bò còn có thêm khoản thu nhập từ bán phân bò, mỗi ngày được khoảng 6 bao phân, bán cho người làm vườn mỗi bao 12.000 đồng. Bên cạnh đó, số chất thải khác từ chuồng bò sẽ được thu gom vào hầm bioga để sử dụng làm chất đốt thay cho củi, khí gas cũng giúp gia đình tiết kiệm được một khoản chi phí không nhỏ.

"Từ chỗ không có đất sản xuất, cuộc sống khó khăn, từ khi nuôi bò đến nay, gia đình tôi đã thoát nghèo, nhà cửa được xây mới khang trang, con cái ăn học, có công ăn việc làm ổn định", ông Đực chia sẻ.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồ Đắc Kiện Đỗ Thúy Hồng cho rằng, việc thành lập Tổ hội nghề nghiệp nuôi bò sinh sản này không chỉ khẳng định tính năng động, sáng tạo của nông dân trong thời kỳ hội nhập mà còn tạo tiền đề cho việc thành lập các tổ hợp tác khác, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo điều kiện cho người dân có việc làm ổn định tại chỗ, không phải tha hương kiếm sống, có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo.