Sau kỳ nghỉ Tết, nhiều học sinh miền núi đi làm công nhân, lấy chồng

Hoàng Lam

(Dân trí) - Theo thống kê, có 154 học sinh THCS tại Kỳ Sơn nghỉ học sau kỳ nghỉ Tết, trong đó có 70 em đi làm công ty, 57 em lấy vợ, lấy chồng, tập trung chủ yếu ở lứa tuổi 14-15.

Theo thống kê mới nhất của Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), trong năm học 2022-2023, có 154 học sinh bỏ học, trong đó chủ yếu là học sinh các trường Trung học cơ sở trên địa bàn huyện. Tình trạng học sinh bỏ học diễn ra trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão.

Sau kỳ nghỉ Tết, nhiều học sinh miền núi đi làm công nhân, lấy chồng - 1

Một bản làng người Mông tại Kỳ Sơn (Ảnh: B.N).

Cụ thể, trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở (PTDTBT THCS) Na Ngoi có 21 học sinh, trường PTDTBT THCS Mường Lống có 20 em, các trường PTDTBT THCS Nậm Típ, PTDTBT THCS Chiêu Lưu, PTDTBT THCS Huồi Tụ có lần lượt là 18, 17 và 16 học sinh bỏ học.

Thống kê chi tiết cho thấy, nguyên nhân tình trạng học sinh bỏ học là để đi làm công nhân ở các công ty, lấy chồng, lấy vợ hoặc theo gia đình di cư lao động đến địa phương khác hoặc di cư sang Lào hay đơn giản là nghỉ học ở nhà.

Trong đó, số học sinh bỏ học đi làm công ty chiếm số lượng nhiều nhất, với 70 em. Có 57 em lấy chồng hoặc lấy vợ, chiếm hơn 1/3 số học sinh bỏ học của huyện.

Ông Lô Khăm Phu - Trường PTDTBT THCS Mường Lống cho biết, tình trạng học sinh bỏ học trong dịp Tết Nguyên đán diễn ra hàng năm nhưng năm nay cao đột biến.

"Toàn trường có 20 học sinh bỏ học sau kỳ nghỉ Tết, trong đó có 12 em nghỉ học lấy chồng, 3 em lấy vợ và 5 em theo gia đình vào miền Nam làm ăn. Phần lớn học sinh lấy vợ, lấy chồng thuộc khối lớp 8 và lớp 9", ông Lô Khăm Phu thông tin.

Sau kỳ nghỉ Tết, nhà trường đã tổ chức vận động gia đình và các em trở lại trường học đồng thời báo cáo chính quyền địa phương, huy động sự vào cuộc của các tổ chức chính trị xã hội, các già làng, trưởng bản. Tuy nhiên, số em quay trở lại trường rất ít và nếu quay lại cũng không đi học đều. Vị hiệu trường này cũng lo lắng, số học sinh quay lại cũng khó có khả năng tiếp tục đi học.

Sau kỳ nghỉ Tết, nhiều học sinh miền núi đi làm công nhân, lấy chồng - 2

Học sinh người Mông tại xã Mường Lống, Kỳ Sơn Nghệ An chuẩn bị đi chơi Xuân (Ảnh: B.N)

Theo ông Lê Hồng Lập - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Kỳ Sơn, từ tình trạng học sinh bỏ học có thể nhìn thấy vấn đề nhức nhối về lao động trẻ em và tảo hôn.

Theo thống kê, ngoài một số trẻ theo bố mẹ đi làm việc ở những vùng có nhu cầu sử dụng lao động phổ thông trong lĩnh vực nông nghiệp ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, có tới 70 học sinh trong độ tuổi vị thành niên (dưới 18 tuổi) đi làm việc trong các công ty. Vấn đề này tiềm ẩn nhiều hệ lụy và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động khi không có hợp đồng lao động hoặc không có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật khi ký kết hợp đồng lao động.

Sau kỳ nghỉ Tết, nhiều học sinh miền núi đi làm công nhân, lấy chồng - 3

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho học sinh Trường PTDTBT THCS Mường Lống (Ảnh: B.N).

"Trong nhiều năm qua, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện phối hợp Phòng Văn hóa - Thông tin, Phòng Giáo dục và Đào tạo, chính quyền địa phương và các trường học đẩy mạnh tuyên truyền về vấn đề lao động dưới 18 tuổi, tảo hôn, hôn nhân cận huyết... đến phụ huynh và học sinh. Tuy nhiên, một thực tế là hầu hết tình trạng trên xảy ra ở đồng bào Mông, trình độ nhận thức chưa cao, các hủ tục lạc hậu như trộm vợ, tảo hôn còn khá phổ biến...

Mặt khác, phần lớn bà con sinh sống ở các bản làng vùng cao, vùng xa, biệt lập, giao thông đi lại khó khăn, trong khi đó tình trạng trên thường xảy ra trong thời gian nghỉ Tết nên nhà trường và các cơ quan chức năng khó phát hiện để vận động, ngăn chặn kịp thời", ông Lê Hồng Lập phân tích.