Lào Cai:
Gần 200 cuộc tảo hôn, may mắn không có hôn nhân cận huyết
(Dân trí) - Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Ban Chỉ đạo Phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Theo Văn phòng UBND tỉnh Lào Cai, năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023, thành viên Ban chỉ đạo các cấp đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Các đơn vị đã nắm bắt tình hình cơ sở, phối hợp tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ về các hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Ngành chức năng cũng tích cực vận động người dân chấp hành tốt luật Hôn nhân và Gia đình, không để con, em tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.
Tuy nhiên theo thống kê trong năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh Lào Cai vẫn còn 197 trường hợp vi phạm tảo hôn, thể hiện dưới dạng chưa đủ tuổi kết hôn sống chung với nhau hoặc sống chung với người khác như vợ chồng.
Trong đó, năm 2022 là 165 người, giảm 36 người so với cùng kỳ năm 2021 nhưng chưa đạt được chỉ tiêu UBND tỉnh đề ra là giảm 30% (năm 2021 số người tảo hôn là 201 người). 2 tháng đầu năm 2023, có 32 trường hợp tảo hôn.
Các địa phương đã tuyên truyền, vận động được 197 người từ bỏ ý định về chung sống với nhau như vợ chồng.
Đặc biệt năm 2022, các địa phương trong tỉnh không để xảy ra kết hôn cận huyết thống, đạt chỉ tiêu UBND tỉnh đề ra.
Cùng khoảng thời gian trên, toàn tỉnh có 615 phụ nữ dân tộc thiểu số dưới 18 tuổi sinh con. Trong đó, năm 2022 có 602 người, giảm 74 người so với cùng kỳ năm 2021 nhưng chưa đạt được chỉ tiêu UBND tỉnh đề ra là giảm 20% so với năm 2021. 2 tháng đầu năm 2023 có 13 người, chủ yếu là phụ nữ dân tộc Mông, sinh con dưới 18 tuổi.
Các cơ quan, đơn vị địa phương trong tỉnh đã tăng cường thực hiện công tác kiểm tra về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, trong đó nhiều UBND cấp xã đã kịp thời xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm quy định về tuổi kết hôn với 40 vụ và tổng số tiền là 65 triệu đồng.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh đã dành nhiều thời gian tập trung thảo luận, nêu ra được những khó khăn, hạn chế trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành tại một số địa phương như chưa kịp thời phát hiện sớm các trường hợp có ý định tảo hôn trên địa bàn, không kiên quyết trong xử lý hành chính về vi phạm tảo hôn, thống kê không chính xác số liệu tảo hôn, chưa có các giải pháp can thiệp toàn diện, bền vững để phòng ngừa và xóa bỏ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại địa phương.
Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc xử lý vi phạm hành chính, hình sự về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống chưa chặt chẽ; việc nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp địa phương còn thiếu sự kiểm tra, đánh giá trong quá trình triển khai thực hiện, còn tình trạng buông lỏng công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình.
Việc nhận thức về các hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận Nhân dân còn hạn chế.
Việc xử lý tảo hôn gặp nhiều khó khăn do một số cặp tảo hôn còn ít tuổi , suy nghĩ nông nổi, bồng bột lấy cái chết ra đe dọa gây khó khăn cho công tác tuyên truyền, vận động.
Qua đó, các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh cũng đã bàn đưa ra nhiều giải pháp mạnh thực hiện trong 10 tháng cuối năm 2023 nhằm đạt chỉ tiêu giảm 30% số người dân tộc thiểu số tảo hôn so với năm 2022 và giảm 30% phụ nữ dân tộc thiểu số dưới 18 tuổi sinh con lần đầu so với năm 2022.