Chuyên gia Phạm Chi Lan:
"Sau đại dịch, lao động nhập cư... sợ lắm rồi!"
(Dân trí) - "Sau đại dịch, lao động nhập cư đã sợ lắm rồi! Làm việc ở các thành phố lớn, họ phải ở trong các nhà trọ tồi tàn, lúc có dịch bệnh về quê cũng khổ" - Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan trao đổi với PV Dân trí về chuyện sinh kế với người lao động nhập cư tại các thành phố lớn, căn nguyên của tình trạng khát lao động thường xuyên trong các dịp lễ tết và nhãn tiền là sau đại dịch Covid-19 tại các tỉnh phía Nam, các trung tâm công nghiệp.
Chống "hội chứng sợ Covid-19"
- Thưa bà, hiện có thực tế là doanh nghiệp cần người, nhưng địa phương sợ dịch, dẫn đến nhiều chuyện dở khóc, dở cười: Doanh nghiệp phải làm đơn xin hoạt động, xin tuyển dụng lao động ngoại tỉnh, đón người của mình về "nuôi", trong khi lao động đó ở vùng xanh, khỏe mạnh và được tiêm phòng. Việc này được cảnh báo chính là một rào cản với việc khôi phục thị trường lao động nói riêng, tái mở cửa kinh tế nói chung?
- Việc một số tỉnh không cho người dân sang các tỉnh khác hoặc có cho đi nhưng khi về bị cách ly đang vô tình kìm hãm sự phát triển, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, người lao động. Trong khi, các địa phương tiếp nhận đòi hỏi quá nhiều thủ tục hoặc sợ lây lan dịch bệnh từ người lao động ngoại tỉnh.
Nhưng thực tế, dịch lây lan không phải trong phạm vi hành chính địa giới nên việc giới hạn địa phương không phải là cách triệt để.
Các địa phương có giữ lao động ở lại cũng không thể giải quyết được việc làm cho họ, trong khi nhu cầu về miếng cơm, manh áo đang lớn dần. Các địa phương khác thì doanh nghiệp cần lao động mà phải gặp quá nhiều rào cản là một điểm bất hợp lý.
- Vậy theo bà, giải pháp gì cần làm để hỗ trợ nơi "khát" lao động, cũng là hỗ trợ người lao động đang phải cầm cự chờ việc?
- Tôi nghĩ những nơi mà doanh nghiệp đang rất thiếu lao động, lãnh đạo tỉnh chỉ nên yêu cầu người sử dụng lao động đáp ứng các điều kiện về cách ly y tế, xét nghiệm và quản lý lao động theo phương thức bong bóng là cho họ tham gia sản xuất.
Đừng đặt quá nhiều gánh nặng lên doanh nghiệp cũng như người lao động, để gượng dậy, duy trì sản xuất đã là tốt lắm rồi, làm được gì nữa!
Nên hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động để ổn định tâm lý xã hội, tái tạo việc làm cho người lao động, cũng để chống "hội chứng sợ Covid-19" không dám đột phá.
Những giải pháp "3 tại chỗ" khiến doanh nghiệp rất khổ bởi chỗ ở công nhân không có, ở chung tại nhà xưởng thì phức tạp, nguy cơ lây dịch bệnh cao, nhà trọ thiếu, nhà ở cho công nhân không có.
Giảm chi phí xét nghiệm sẽ có thêm tiền mua vắc xin
- Thời điểm đại dịch bùng phát tại TPHCM, dòng người lao động tháo chạy về các địa phương khác cho thấy hiện trạng quy hoạch các khu dân cư, khu công nghiệp còn bất hợp lý. Đã có không ít ý kiến cảnh báo, các chính sách mới chỉ chú trọng vào việc làm, chưa quan tâm thỏa đáng đến nhà ở, điều kiện sống cho người lao động, dẫn đến phát triển thiếu bền vững?
- Trước đây chúng ta cũng có chủ trương kêu gọi doanh nghiệp làm nhà ở cho công nhân, nhưng rồi cũng cuối cùng rất ít địa phương làm được.
Không có quỹ đất, doanh nghiệp ngại làm vì chi phí lớn trong khi chính sách không bắt buộc, mới chỉ là khuyến khích... Nhà nước cần hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp bằng tạo nguồn quỹ đất, miễn thuế đất cho một hoặc một nhóm doanh nghiệp trong khu công nghiệp để làm nhà ở cho công nhân.
Ông cha ta thường nói "an cư mới lạc nghiệp", hiện đa phần lao động ngoại tỉnh làm việc bươn trải tại thành phố lớn, thu nhập một phần nuôi sống mình, một phần gửi về cho bố mẹ, cho vợ hoặc để nuôi con tại quê nhà.
Sau đại dịch, lao động nhập cư đã sợ lắm rồi! Làm việc ở các thành phố lớn, họ phải ở trong các nhà trọ tồi tàn, lúc có dịch bệnh về quê cũng khổ mà cố ở lại thì không phải ai cũng có miếng ăn, chỗ ở.
Trong khi đó, rõ ràng lao động nhập cư có đóng góp cho sự phát triển của địa phương, theo luật cư trú thì họ phải được quyền tiếp cận các dịch vụ y tế, phúc lợi xã hội tốt nhất.
- Không chỉ cuộc khủng hoảng sau dịch bệnh lần này, thực tế, hiện tượng thiếu hụt lao động đã xảy ra định kỳ lâu nay, sau mỗi lần lễ tết, kỳ nghỉ dài ngày. Lý do có nhiều, trong đó đa phần lao động của doanh nghiệp là nhập cư ở tỉnh xa, cả năm về được một lần, muốn cắt phép về lâu với người thân hơn. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa là công nghiệp thâm dụng lao động quá lớn, dồn vào các trọng điểm kinh tế, thưa bà?
- Các địa phương muốn có GRDP cao thì phải chạy đua thu hút doanh nghiệp bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng cứng, mềm và tăng lợi thế cạnh tranh.
Muốn GRDP cao, địa phương phải có nhiều doanh nghiệp sản xuất, hoạt động, doanh nghiệp muốn hoạt động được phải có lao động và muốn lao động yên tâm làm việc phải cho họ nơi ăn, chốn ở, các dịch vụ giáo dục, y tế cho con cái họ thật tốt.
Vấn đề lao động tại thành phố lớn hiện nay cần được giải quyết triệt để là chuyện nhà ở, phúc lợi. Có giải quyết được vấn đề này, chúng ta mới không còn cảnh sau lễ tết, doanh nghiệp gồng mình tuyển lao động, kêu gọi lao động trở lại làm việc.
Hiện nay, tại các khu vực trung tâm Hà Nội và TPHCM, quỹ đất khó khăn, khó có thể bố trí đất cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở công nhân được.
Nhưng tại khu vực ngoại ô, các tỉnh, quỹ đất khá nhiều, phải gắn việc phát triển doanh nghiệp, cụm doanh nghiệp với phát triển các khu đô thị, khu nhà ở cho công nhân, tiến đến là xây dựng các cụm dân cư để họ được ổn định công việc, hình thành đô thị mới.
- Gần đây, doanh nghiệp, người lao động cũng ta thán nhiều về gánh nặng chi phí xét nghiệm Covid-19 khi nhiều địa phương yêu cầu rất "ngặt". Có lái xe bỏ việc vì không thể chịu được xét nghiệm quá nhiều. Bà nghĩ sao về vấn đề này?
- Tôi thấy hiện nay việc xét nghiệm rất bất cập, nhiều nơi bắt người ngoại tỉnh vào địa phương phải có xét nghiệm do địa phương mình thực hiện cho dù họ vừa thực hiện xét nghiệm ở nơi khác và kết quả xét nghiệm vẫn còn hiệu lực.
Phải tiến tới cho phép người dân hoặc doanh nghiệp tự test Covid-19 để giảm áp lực đến cơ quan y tế và tuyến đầu chống dịch. Đây là việc làm vừa đỡ công của Nhà nước, vừa đỡ chi phí, thời gian cho người dân, doanh nghiệp.
Đối với những người tiêm đủ 2 mũi, nên được tự do đi lại và để cho doanh nghiệp chủ động xét nghiệm. Đến giờ, hẳn doanh nghiệp nào cũng ý thức được, nếu dịch bùng phát, họ là người chịu thiệt nhất nên để họ chủ động làm điều này sẽ tốt hơn.
- Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trao đổi!
Đứt chuỗi sản xuất vì thiếu nguồn cung một... nút nhựa
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Phúc, Giám đốc Công ty TNHH Transformer Robotics PTE, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội gỗ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ Bình Dương cho biết, hiện nay, khoảng 80% nhà máy chế biến gỗ phải đóng cửa vì dịch hoặc đứt gãy chuỗi sản xuất.
Đại diện doanh nghiệp gỗ tại Bình Dương ước tính, trong hơn 20% nhà máy gỗ còn cố gắng hoạt động thì cũng chỉ làm ở mức độ dưới 50% công suất, 50% lao động mà thôi.
"Nếu họ có 1.000 công nhân thì hiện chỉ có đủ nguyên liệu để cho 500 công nhân làm việc cầm chừng", ông Phúc nói.
Theo ông Phúc, hoạt động doanh nghiệp hiện nay gặp ba vấn đề: thiếu lao động, khó khăn về chỗ ở công nhân và đứt chuỗi cung ứng.
Theo đại diện doanh nghiệp gỗ Bình Dương, chuỗi cung ứng sản xuất ngành gỗ hiện nay đổ vỡ nhiều điểm. Trước đây có 100 nhà máy gỗ, thì có 10 nhà máy khác cung ứng các sản phẩm khác nhau, trong đó có khâu làm bao bì. Hiện nay, việc hoạt động trở lại của các doanh nghiệp không đồng bộ, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, không hề dễ dàng.
"Riêng công ty tôi, hiện chỉ thiếu một nút nhựa, mua của công ty tại TPHCM nhưng họ chưa hoạt động trở lại, chúng tôi không làm gì được", ông Phúc nói.