1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:

Sao thông tin trẻ bị bạo hành chỉ nhận được khi đã chậm, muộn?

Nguyễn Tuyền Thái Anh

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đặt vấn đề này khi làm việc với Cục trẻ em chiều 8/2. Ông dẫn chứng, vụ bé gái 3 tuổi bị đóng đinh, khi bé vào viện lần 4, người ông nội mới phản ánh bất thường tới Tổng đài 111.

Bộ trưởng gỡ khó cho Tổng đài 111

Phát biểu tại cuộc họp về việc thực hiện nhiệm vụ năm 2022, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khái quát, nhìn chung bức tranh về trẻ em Việt Nam hiện rất tươi sáng, tốt đẹp. Nhưng vừa qua, vẫn có những vụ việc trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại, lợi dụng gây sửng sốt, phẫn nộ trong dư luận. Bộ trưởng nêu vấn đề, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước là sao để những sự việc như vậy không tiếp tục xảy ra nữa.

Báo cáo lãnh đạo Bộ về vấn đề này, Cục trưởng Cục trẻ em Đặng Hoa Nam nhận định, vừa rồi, các vụ trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại, có thể thấy nổi lên một vấn đề là do việc trẻ được giao cho những người chăm sóc không đủ điều kiện mà cơ quan quản lý nhà nước không nắm được, không phát hiện được, không "chỉnh" được. Đơn cử như việc trẻ phải sống với người tình của bố/mẹ sau khi gia đình tan vỡ, trẻ sống ở những cơ sở nuôi dưỡng chưa được cấp phép, như Tịnh Thất Bồng Lai...

Sao thông tin trẻ bị bạo hành chỉ nhận được khi đã chậm, muộn? - 1

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nêu những vấn đề cấp thiết đối với việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Ảnh: Giáp Tống).

Theo ông Nam, vấn đề này cần tính lại, sao để đảm bảo những môi trường nuôi dưỡng trước hết là phải an toàn với trẻ.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chất vấn thêm cán bộ phụ trách Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111): Tại sao những vụ việc lợi dụng, bạo hành, xâm hại trẻ em nghiêm trọng như vừa qua, khi Tổng đài 111 tiếp nhận được thì các thông tin đều đã chậm muộn rồi? Như vụ bé gái 3 tuổi bị đóng đinh vào đầu ở Thạch Thất, chỉ khi cháu bé nhập viện đến lần thứ 4, thập tử nhất sinh rồi, ông nội cháu mới gọi phản ánh tới Tổng đài 111? Tại sao nhiều người dân vẫn chưa biết đến Tổng đài bảo vệ trẻ em này và sử dụng một cách kịp thời, hiệu quả?

Trưởng Tổng đài 111 báo cáo với Bộ trưởng, thực tế, vấn nạn xâm hại và bạo lực trẻ em trong năm 2021 tăng cao hẳn so với năm 2020, với 625 ca Tổng đài phải can thiệp, xử lý. Trong đó, trẻ bị bạo lực trong gia đình chiếm tỷ lệ nhiều nhất, tới 75%, tăng cao hơn rất nhiều, trong khi bạo lực học đường lại giảm hẳn, do trẻ không thể tới trường.

Đây là một điểm đặc thù của năm 2021. Dự báo thời gian tới, khi trẻ được đi học lại, vấn đề bạo lực học đường có khả năng gia tăng nóng trở lại. Đây chính là vấn đề cần quan tâm để ngăn chặn.

Sao thông tin trẻ bị bạo hành chỉ nhận được khi đã chậm, muộn? - 2

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi làm việc.

Cán bộ phụ trách vận hành Tổng đài 111 cũng trình bày những khó khăn trong hoạt động của cơ quan này chính là đầu mối thông tin, can thiệp tại cơ sở. "Hệ thống của chúng tôi có cơ sở dữ liệu để kết nối tới cán bộ ngành LĐ-TB&XH, tới Phó Chủ tịch thường trực UBND cấp xã, số của công an, Hội phụ nữ… Nhưng hầu hết các trường hợp đều phải kết nối cùng lúc 4-5 đầu mối mới tính được hướng can thiệp, hỗ trợ trẻ. Khả năng làm việc của cán bộ tại cấp cơ sở còn hạn chế. Thông thường, kết nối với cán bộ Phòng LĐ-TB&XH tại cơ sở vẫn là nhanh, hiệu quả nhất" - Trưởng Tổng đài 111 cho biết.

Khó khăn khác, thực tế với Tổng đài là về nhân sự cũng như kinh phí hoạt động. Đại diện Tổng đài cho biết, riêng năm 2021, Tổng đài còn thiếu 500 triệu đồng tiền cước phí điện thoại, đang "nợ" nhà mạng. Khả năng cao năm nay cũng sẽ tiếp tục thiếu hụt như thế mà chưa biết cách nào giải quyết.

Ngay tại cuộc họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định sẽ giúp Tổng đài 111 giải quyết dứt điểm vấn đề này.

Thanh tra toàn diện cơ sở nuôi dưỡng trẻ

Để nhiều người hơn biết tới Tổng đài 111, Bộ trưởng tán thành đề xuất in thông tin, phổ biến số điện thoại bảo vệ trẻ em này lên sách giáo khoa, bao bì sản phẩm sữa, các sản phẩm… dành cho trẻ em.

Sao thông tin trẻ bị bạo hành chỉ nhận được khi đã chậm, muộn? - 3

Quang cảnh buổi làm việc.

Ngoài ra, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH nêu yêu cầu, phải tuyên truyền chính sách đến mức để ngay trẻ cũng nhận thức được quyền của mình, để khi bị bố mẹ đánh cũng có thể phản ứng, nhắc nhở người lớn và có thể gọi điện tới số 111 phản ánh bất cứ lúc nào.

Ông Dung cũng lưu ý phòng ngừa nguy cơ bạo hành trẻ, nguy cơ tiêu cực, trục lợi từ trẻ em từ chính những cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em như các mái ấm, các làng trẻ SOS... đang vận hành trên cả nước hiện nay vì "chân đèn chính là nơi tối nhất". Bộ trưởng vặn hỏi cán bộ phụ trách hoạt động bảo trợ này có dám cam kết không có bạo lực, tiêu cực tại những cơ sở như vậy không?

Người trả lời thừa nhận không dám cam kết việc này nhưng vẫn luôn tổ chức tập huấn, đào tạo về kỹ năng phòng chống bạo lực, cũng đã tổ chức tuyên truyền để mọi trẻ sống tại các cơ sở này đều biết, đều có thể gọi Tổng đài 111 nếu bị đe dọa, xâm hại.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lập tức yêu cầu tổ chức thanh kiểm tra hoạt động nuôi dưỡng trẻ tại các cơ sở chăm sóc ngay trong năm 2022.

Sao thông tin trẻ bị bạo hành chỉ nhận được khi đã chậm, muộn? - 4

Bộ trưởng yêu cầu thanh kiểm tra hoạt động nuôi dưỡng trẻ tại các làng SOS ngay trong năm 2022.

Vẫn xung quanh chuyện vận hành số điện thoại chuyên để bảo vệ trẻ em, lãnh đạo Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cũng nêu băn khoăn, sao Tổng đài 111 vẫn ít người biết, ít người gọi? Con số 500-600 ca can thiệp, hỗ trợ mỗi năm với trẻ chắc chắn chưa là gì so với nhu cầu của 26 triệu trẻ em, nhu cầu của 100 triệu dân Việt Nam hiện nay.

Ông này cho rằng, cần đi thẳng vào sự thật là cán bộ làm công tác trẻ em nói chung, cán bộ ở cơ sở nói riêng vừa thiếu, vừa yếu và không muốn làm việc, cũng không đủ điều kiện làm việc nên không đáp ứng được yêu cầu thực tế. Đại diện Quỹ Bảo trợ trẻ em mong muốn Bộ trưởng kiến nghị lên cơ quan có thẩm quyền cao hơn để có hướng giải quyết căn cơ vấn đề.

Tán thành phân tích này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhắc lại, trong Nghị quyết về kết quả cuộc giám sát tối cao của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em mới đây có một nhận xét xác đáng: Hiện có 15 cơ quan liên quan đến việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em nhưng mạnh ai người nấy làm, sự phối hợp công tác rất yếu, thiếu, kém hiệu quả. Vấn đề khác, từ Trung ương đến cơ sở, có rất nhiều cấp, ngành quản lý nhưng chưa có cuộc thanh, kiểm tra thực sự nào với hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ.