Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:
Tập trung cao độ ngay cho công việc trong năm "bước ngoặt" 2022!
(Dân trí) - Nhắc lại 8 nhiệm vụ đề ra cho năm 2022 với "núi" việc cần làm, cả về an sinh xã hội và lao động việc làm, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung yêu cầu "vào việc ngay".
Phát biểu tại hội nghị triển khai công tác năm 2022 diễn ra chiều 7/2/2022, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhận định, với tinh thần đoàn kết, thống nhất cao, vượt qua rất nhiều thử thách và gian lao, ngành đã hoàn thành tốt nhiều nhiệm vụ, trọng trách mà nhân dân giao phó trong năm 2021.
Bộ trưởng khái quát, đợt bùng phát Covid-19 lần thứ 4 là phép thử đối với ngành, khả năng ứng phó, thực hiện các giải pháp nhằm ổn định vấn đề lao động việc làm, an sinh và xã hội.
Ngoài ra, ông bày tỏ trăn trở về tình trạng trẻ em bị bạo hành. Ông yêu cầu ngay ngày mai (ngày làm việc thứ 2 đầu năm mới), Bộ Lao động cần có cuộc họp với các bên để đưa ra giải pháp.
Triệu tập cuộc họp về trẻ em ngay ngày 8/2
"Phép thử hay cách khác là thước đo tính bền vững về thị trường lao động của chúng ta thế nào, thước đo về hiệu quả, chính sách an sinh của chúng ta thế nào. Và thứ 4 là thước đo, lòng dân ý Đảng, niềm tin của dân vào chính sách của Đảng, Nhà nước và ưu việt của XHCN ngày càng tăng lên", người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH nêu vấn đề.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong năm 2022 công tác chăm lo cho trẻ em cần được toàn diện hơn, không chỉ ăn no, mặc ấm cho các cháu mà còn là vấn đề không gian, đời sống tinh thần.
"Phải xây dựng môi trường cho trẻ em; không thể để hiện trạng trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại, trẻ em bị chết vì sự vô cảm, vì sự xuống cấp của đạo đức xã hội ở một số đối tượng. Không để trẻ em ở môi trường ẩm thấp thế này được nữa!", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung xúc động nói.
Người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH phân tích: "Gia đình là nơi yên ấm nhất, nhưng chính tại nơi yên ấm nhất, tốt nhất đó, nhiều trẻ em bị bạo hành, bị tước đoạt cả tính mạng. Người làm công tác trẻ em phải suy nghĩ xem nếu gia đình chia ly rồi, người bố, người mẹ không có trách nhiệm với con cái, thì pháp luật phải điều chỉnh, áp dụng chế tài để tước quyền nuôi con của họ".
"Tôi buồn lắm. Tết năm nay, buồn nhất là vì những chuyện xảy ra với trẻ em vừa qua. Mà không phải chỉ riêng tôi buồn đâu..." - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tâm sự.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu ngay ngày 8/2 (ngày làm việc thứ hai sau Tết nguyên đán Nhâm Dần năm 2022), Bộ sẽ triệu tập cuộc họp để đưa ra các giải pháp cứu trợ trẻ em, không còn để hiện trạng trẻ em bị bạo hành tiếp diễn.
Về các nhiệm vụ giải pháp năm 2022, người đứng đầu Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh đến 8 nhiệm vụ lớn của ngành trong năm, trong đó có 5 trọng tâm. Cụ thể, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu tập trung cao vào cải cách thể chế và phát triển thị trường lao động và chiến lược phát triển nhân lực, giảm nghèo; xây dựng chính sách an sinh xã hội và chuyển đổi số và nâng cao chất lượng tổ chức bộ máy và xây dựng vững mạnh.
Về nhiệm vụ của ngành, Bộ trưởng Dung chia sẻ về 8 nhiệm vụ chính, trong đó có chương trình phục hồi kinh tế xã hội, chăm lo an sinh, giáo dục hướng nghiệp, chăm sóc trẻ em.
Người đứng đầu Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu toàn ngành bắt tay ngay vào việc, ông Dung nói: "Trong 8 nhiệm vụ được nêu ra, cần hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cải cách thể chế. Thứ 2 là cần tập trung cao độ cho công việc, ngay từ ngày đầu năm. Hôm nay vui vẻ gì thì vui vẻ nhưng ngày mai, cần tập trung ngay vào công việc. Chúng tôi từ mồng 3 Tết đến nay liên tục công việc, chứ không được nghỉ đâu".
Đột phá chuyển đổi số trong năm 2022
Theo Bộ trưởng Dung, nhiệm vụ năm 2022 rất nhiều, khá nặng nề và có nhiều nội dung bản lề, bước ngoặt nên Bộ cân nhắc lập Ban Chỉ đạo, tổ nghiên cứu hoặc nhóm công tác để đặc trách nhiệm vụ, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về vấn, các nhóm vấn đề trong kế hoạch.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho hay, ngay trong tháng 2, Bộ sẽ ban hành 2 văn bản về chuyển đổi số, hợp tác cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông, xác định năm 2022 là năm đột phá của chuyển đổi số, năm chuyển đổi số của ngành LĐ-TB&XH. Trong đó dành nguồn ngân sách để thực hiện chương trình chuyển đổi số dự báo trong cung cầu lao động; chuyển đổi số bảo hiểm thất nghiệp, giáo dục nghề nghiệp, cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội cho toàn ngành LĐ-TB&XH.
Về công tác bảo trợ, chăm lo an dân, để thống nhất số hóa, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH yêu cầu rà soát lại toàn bộ các chính sách liên quan đến cơ chế bảo trợ xã hội, các cơ chế các đối tượng yếu thế từ Nghị quyết 20, Nghị định 75, từ giảm nghèo... rà soát lại, hướng đến "phòng ngừa, giảm thiểu, và khắc phục rủi ro", xây dựng độ bao phủ an sinh xã hội toàn dân, ở đó mọi người dân đều được tham gia và thụ hưởng thành quả của sự phát triển".
"Những tư tưởng này cần được từng cán bộ thấm nhuần, đưa vào hành động thực tiễn, đừng để nói mãi", Bộ trưởng Dung nhấn mạnh.
Về thị trường lao động, dự báo cung cầu phải làm ngày. Về lao động ngoài nước, Cục Quản lý Lao động ngoài nước phải báo cáo Bộ trưởng: Ngay trong tháng 5, tháng 6 này có thể đưa lao động xuất cảnh trở lại hay không, phụ thuộc vào ai?
Bộ trưởng Dung nói: "Hết tháng 3 này chúng ta kết thúc tiêm mũi thứ 3, 30/3 bắt đầu mở cửa du lịch quốc tế, phải tranh thủ cơ hội làm việc với các đại sứ, mở lại thị trường lao động ngay".
"Những năm trước, 148.000 lao động đi nước ngoài làm việc. Năm 2021, cả nước chỉ có đi được 48.000 lao động, các cháu học xong rồi, nộp tiền hết rồi, không đi làm việc được biết đi đâu? làm gì?", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Về giáo dục nghề nghiệp, hướng đến phải nâng bằng được chất lượng lao động thông qua đào tạo, phải đột phá thực sự, tạo nền tảng cho giáo dục nhân lực chất lượng cao.
Không phải tự dưng Chính phủ ủng hộ 2.000 tỷ đồng để cho giáo dục chất lượng cao đâu, có 2.000 tỷ đồng làm mấy km đường, nhưng dành 2.000 tỷ đồng để đào tạo người có trình độ, chất lượng cao, đây là những ngành nghề chất lượng cao, thay đổi nền tảng lao động, tay nghề cho lực lượng lao động của quốc gia.