Những cuộc gọi ngày đêm tới đường dây nóng phản ánh bạo hành trẻ em
(Dân trí) - Mọi trẻ em đều được bảo vệ bằng pháp luật, tất cả hành vi gây tổn hại cho trẻ em đều bị các cơ quan thực thi pháp luật xử lý. Do vậy, hãy lên tiếng nếu phát hiện trẻ em có dấu hiệu bị bạo hành.
Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đặng Hoa Nam khẳng định về hiệu quả hoạt động của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em - số 111.
Cụ thể, trao đổi với PV Dân trí, Cục trưởng Đặng Hoa Nam cho biết: "Khi người dân gọi điện đến tổng đài 111 phản ánh, chúng tôi phải xử lý ngay. Cơ quan nào không vào cuộc, cơ quan đó phải chịu trách nhiệm".
Theo ông Nam, thực tế, lãnh đạo Cục luôn họp giao ban với các đầu cầu, trực tiếp đưa ra những giải pháp cụ thể trong công tác ngăn chặn tình trạng xâm hại, bạo hành trẻ. Đơn cử tại Hà Nội, đơn vị này yêu cầu nhân viên trực Tổng đài 111 thường xuyên, liên tục gọi điện xử lý các ca can thiệp khi có thông tin phản ánh về hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em.
Ông Nam kêu gọi, thời đại công nghệ thông tin và truyền thông đa phương tiện, nếu chứng kiến những trường hợp trẻ em bị bạo hành, xâm hại, người dân cần lên tiếng tố cáo đến cơ quan chức năng để hạn chế, ngăn chặn các hành vi xâm hại, bạo hành trẻ nhỏ.
Phân tích từ vụ bé gái 8 tuổi ở TPHCM bị "mẹ kế" đánh đập đến tử vong xảy ra mới đây, Cục trưởng Cục Trẻ em nêu quan điểm, dư luận từng chứng kiến nhiều vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em thương tâm, thiết nghĩ, người làm cha/mẹ dù có đổ vỡ hôn nhân, sau ly hôn mà bị ngăn cấm gặp con cũng không nên lo ngại, im lặng chấp nhận mà hãy tìm sự hỗ trợ như phản ánh tới chính quyền sở tại, tòa án hay gọi điện tới tổng đài 111. Trong trường hợp không được gặp con, cha/mẹ phải đặt ra nghi vấn, nhờ cơ quan chức năng can thiệp kịp thời.
"Mọi trẻ em đều được bảo vệ bằng pháp luật. Tất cả những hành vi gây tổn hại cho trẻ em đều được các cơ quan thực thi pháp luật xử lý, can thiệp, bất luận là chuyện bố mẹ dạy con hay thầy cô dạy học trò. Thực tế, nhiều người im lặng, không thông tin, không tố cáo những hành vi vi phạm vì lo sợ bị ảnh hưởng, liên lụy nhưng lên tiếng phản ánh những biểu hiện bất thường với trẻ em cũng là trách nhiệm của mỗi người dân, trách nhiệm của cộng đồng. Mỗi người dân hãy lên tiếng tố cáo nếu phát hiện trẻ em có dấu hiệu bị bạo hành, xâm hại…", Cục trưởng Đặng Hoa Nam nhấn mạnh.
Theo ông Nam, quy định luật pháp về bảo vệ trẻ em hiện rất rõ nên khi người dân gọi điện đến tổng đài 111 phản ánh, cơ quan tiếp nhận thông tin phải xử lý, giải quyết ngay, cơ quan nào "ngó lơ", thiếu trách nhiệm, không vào cuộc kịp thời thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm với hệ quả xảy ra.
"Một số vụ việc vừa qua, như vụ "mẹ kế" bạo hành bé gái 8 tuổi, gây hậu quả nghiêm trọng, nếu người dân gọi điện báo, thì Cục trẻ em nói riêng, các cơ quan chức năng nói chung đã có thể ngăn chặn được vụ việc, tránh kết cục đau lòng, cháu bé chết thương tâm như vậy" - Cục trưởng Cục trẻ em cảm thán.
Theo ông Nam, ngoài đường dây nóng của Tổng đài 111, Cục Trẻ em đã mở các trang fanpage "Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em", liên tục update các thông tin, video, hình ảnh để tuyên truyền tới người dân để nâng cao nhận thức về việc chung tay bảo vệ trẻ emVấn đề nhiều người dân không tra cứu thông tin, không tố cáo vì lo sợ bị ảnh hưởng đến mình.
Ngoài ra, đơn vị này cũng sử dụng các mạng xã hội khác như kênh youtube "Vì trẻ em" với mục đích trên. Hiện các trang/kênh truyền thông trên nền tảng mạng xã hội này đều đã thu hút lượng lớn người tham gia, quan tâm.