Rút BHXH một lần rồi nộp lại tiền để khôi phục được không?
(Dân trí) - Nhiều người lao động khi gặp khó khăn vội vàng rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần để lấy tiền giải quyết, sau đó hối hận, muốn nộp lại tiền để khôi phục thời gian đã đóng BHXH.
Kinh tế gia đình anh B.T. gặp nhiều khó khăn sau đợt bùng phát đại dịch Covid-19 tại TPHCM vào cuối năm 2011. Sang năm 2022, anh T. quyết định rút BHXH một lần để giải quyết khó khăn trước mắt dù anh đã đóng BHXH gần 18 năm.
Đến nay, khi kinh tế gia đình ổn hơn, T. tiếc cho quá trình đóng BHXH gần đủ thời gian để hưởng chế độ hưu trí của mình. Tại chương trình giao lưu với cơ quan BHXH, anh T. hỏi: "Giờ tôi có thể nộp lại tiền để khôi phục BHXH được không?".
Trả lời câu hỏi, bà Trương Thanh Phương, Phó trưởng phòng Chế độ BHXH (BHXH TPHCM), cho biết: "Trường hợp đã nhận trợ cấp BHXH một lần thì không được hoàn tiền để lấy lại thời gian đóng BHXH".
Tình trạng người lao động quyết định rút BHXH một lần ngay khi gặp khó khăn kinh tế như anh T. không hiếm. Thống kê giai đoạn 2016-2021 cho thấy có đến 4,06 triệu người rút BHXH một lần, bình quân mỗi năm gần 700.000 người rút và con số tăng theo từng năm.
Nếu như năm 2020 có 860.000 người rút BHXH một lần thì sang năm 2021 có 960.000 người. Năm 2022, số lượng người rút giảm nhẹ so với năm 2021 nhưng vẫn ở mức rất cao (895.000 người).
Trên địa bàn TPHCM, trong 9 tháng đầu năm 2023 đã có gần 86.000 người rút BHXH một lần, tăng hơn 2% so với cùng kỳ năm 2022. Tình trạng này cũng xảy ra ở nhiều địa bàn lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh…
Theo ông Trần Dũng Hà, Phó giám đốc BHXH TPHCM, lợi ích lớn nhất của BHXH là lương hưu, đảm bảo tuổi già an vui cho người lao động. Việc chọn rút BHXH 1 lần khiến người lao động sau này về già không có lương hưu, có thể trở thành gánh nặng cho con cháu hoặc phải làm việc để kiếm sống khi đã đến tuổi nghỉ hưu.
Ông Nguyễn Văn Nho, cán bộ Liên đoàn lao động tỉnh Tây Ninh, khẳng định việc rút BHXH một lần là sai lầm rất lớn vì người lao động không lường hết được khó khăn khi tuổi về già.
Ông cho biết, khi nhà nước lần đầu tiên cho công nhân mất sức nghỉ hưu sớm nhận chế độ trợ cấp một lần vào năm 1993 thì có rất nhiều người xin nghỉ việc để nhận số tiền này. Ai cũng nghĩ mình nhận rồi chia cho con cháu làm ăn, sau này già thì con cháu chăm lo lại.
"Nhưng thực tế cuộc sống như vậy khổ lắm, các cụ phải nhìn mặt con cháu, nó vui thì cho, không thì thôi", ông Nho chia sẻ.
Theo BHXH Việt Nam, trong thực tế đã có rất nhiều người sau khi nhận BHXH một lần muốn nộp lại tiền để phục hồi số năm đã tham gia BHXH cho đủ điều kiện hưởng lương hưu. Tuy nhiên, hiện pháp luật về BHXH chưa quy định trường hợp này.
Có nghĩa là, nếu đã hưởng BHXH một lần thì quá trình đóng trước đó không còn. Khi đi làm trở lại, người lao động phải tham gia BHXH lại từ đầu. Vì vậy, người lao động nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định rút BHXH một lần.
BHXH Việt Nam cho rằng, nếu chẳng may trong tình huống bị thất nghiệp, người lao động nên đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp học nghề để vượt qua khó khăn trong thời gian tìm công việc mới. Còn quá trình đóng BHXH nên bảo lưu, chờ tìm được công việc mới sẽ tham gia trở lại.
Tại các hội nghị góp ý cho dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), cán bộ công đoàn các tỉnh phía Nam cho biết có nhiều người lao động lớn tuổi ân hận vì đã rút BHXH một lần, nay sắp đến tuổi hưu thì không đủ điều kiện để hưởng chế độ hưu trí.
Do đó, nhiều đại biểu đề xuất nên có quy định cho người lao động đã rút BHXH một lần lúc khó khăn, khi giải quyết xong khó khăn và có tiền thì được đóng lại số tiền đã hưởng BHXH một lần để phục hồi quá trình tham gia BHXH.