Quảng Nam hoàn thành chỉ tiêu chương trình mục tiêu quốc gia
(Dân trí) - Tổng nguồn vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh Quảng Nam năm nay gần 3.300 tỷ đồng. Tỉnh phấn đấu đạt mục tiêu đề ra.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện các dự án thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
Nguồn lực đầu tư của các chương trình đã tác động tích cực đến đời sống nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là người dân khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, tổng nguồn vốn hỗ trợ thực hiện của các Chương trình MTQG năm 2023 (bao gồm cả vốn năm 2022 kéo dài) gần 3.300 tỷ đồng. Tổng các nguồn vốn phân bổ hỗ trợ thực hiện của các Chương trình MTQG năm 2023 gần 3.000 tỷ đồng (đạt 91%).
Để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021-2025 và giải ngân kế hoạch vốn năm 2023, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG thường xuyên tổ chức các buổi làm việc trực tiếp, trực tuyến với các cơ quan chủ trì của 3 chương trình và các địa phương để đôn đốc, nắm bắt tình hình triển khai thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Chuẩn bị đầy đủ các nội dung, tài liệu phục vụ các buổi làm việc với các Đoàn giám sát Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, Ban chỉ đạo Chương trình MTQG Trung ương giai đoạn 2021-2025 và các Đoàn công tác của Bộ, ngành Trung ương và của tỉnh theo đúng nội dung yêu cầu.
UBND các huyện, thị xã, thành phố tích cực và có kế hoạch giao ban cụ thể hàng tuần, hàng tháng đối với các chủ đầu tư được giao nhiệm vụ quản lý và triển khai thực hiện các dự án của 3 chương trình để đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện.
Theo tổng kết của UBND tỉnh Quảng Nam, qua một năm thực hiện chương trình đã đạt được những kết quả nhất định; hệ thống cơ chế chính sách và các văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình đến nay cơ bản đã hoàn thành tương đối đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương triển khai thực hiện.
Nhiều cơ chế, chính sách được ban hành sửa đổi, bổ sung kịp thời góp phần rất lớn trong việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc và huy động nguồn lực thực hiện chương trình. Hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu trong các Chương trình MTQG đề ra năm 2023 đều cơ bản đảm bảo theo kế hoạch.
Từ nguồn lực đầu tư của chương trình, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi đã được quan tâm tăng cường đầu tư, diện mạo nông thôn và khu vực miền núi được thay đổi một cách căn bản cơ bản, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, đời sống của người dân, phát triển theo quy hoạch.
Các Chương trình MTQG triển khai đã tập trung giải quyết các yêu cầu bức xúc, thiết thực về đời sống và sản xuất; từng bước giải quyết nhu cầu thiết thực cho các hộ sắp xếp, ổn định dân cư, xóa nhà tạm, chuyển đổi nghề, chuyển dịch cơ cấu sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi.
Nâng cao mức sống văn hóa, tinh thần, vật chất cho người dân, qua đó, bước đầu giúp người nghèo, đồng bào các dân tộc thiểu số có nhiều thay đổi về nhận thức trong phát triển sản xuất, trong học nghề, lập nghiệp, xây dựng đời sống nông thôn mới, nâng cao ý thức gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa của từng dân tộc, tự thân nỗ lực vươn lên.
Việc thực hiện cơ chế phân cấp quản lý đầu tư đã tạo điều kiện cho các huyện, xã chủ động thực hiện nhiệm vụ kế hoạch hàng năm. Trình độ quản lý cấp cơ sở xã, thôn từng bước được nâng lên, đội ngũ cán bộ từng bước được tăng cường năng lực và chuẩn hóa, nhận thức của người dân có những thay đổi bước đầu tích cực trong cách nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế hộ gia đình.
Trong quá trình thực hiện chương trình, một số khó khăn, vướng mắc cũng đã được sự hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo điều hành, cùng với sự nổ lực của các đơn vị, các địa phương trong việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG.
Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn còn chậm so với yêu cầu, kế hoạch vốn chưa phân bổ chi tiết vẫn còn nhiều dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp so với yêu cầu. Đến nay, kế hoạch vốn năm 2022 được phép kéo dài mới chỉ giải ngân được 57% kế hoạch vốn; nguồn vốn năm 2023 mặc dù được UBND tỉnh phân bổ sớm ngay từ đầu năm nhưng đến nay phân bổ chi tiết được gần 95% và mới giải ngân 26% kế hoạch vốn…
Xác định năm 2024-2025 là 2 năm trọng tâm trong việc triển khai hoàn thành các mục tiêu của 3 Chương trình MTQG trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, ngay từ đầu năm 2024, tỉnh tập trung chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, đảm bảo hoàn thành 100% kế hoạch đã đề ra trong 2 năm còn lại.