Phương án rút BHXH một lần: "Thà đau một lần" hay kiên trì vượt khó?

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Góp ý dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, các ĐBQH TPHCM thống nhất cần có giải pháp hạn chế việc rút BHXH một lần nhưng có ý kiến khác nhau về 2 phương án quy định mà Chính phủ đề xuất.

Ngày 16/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM tổ chức hội thảo góp ý cho dự án Luật BHXH sửa đổi. Tại hội nghị, đại diện các đơn vị trên địa bàn thành phố đóng góp nhiều đề nghị chỉnh sửa dự thảo, trong đó quy định hưởng BHXH một lần vẫn gây tranh luận mạnh.

Phương án rút BHXH một lần: Thà đau một lần hay kiên trì vượt khó? - 1

ĐBQH Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM, chủ trì hội thảo.

Phương án "thà đau một lần"

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Liên đoàn Lao động TPHCM, cho biết hiện tình hình rút BHXH một lần rất "nóng". Nhiều doanh nghiệp có đông công nhân xin nghỉ, rút BHXH một lần dù cơ quan chức năng liên tục tiếp xúc, giải thích cho người lao động (NLĐ) hiểu lợi ích lâu dài của việc bảo lưu thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu.

Ông nói: "Quan điểm của tôi là không ủng hộ rút BHXH một lần vì lãnh lương hưu có lợi hơn rất nhiều so với việc rút BHXH một lần. Chúng tôi đã đến rất nhiều doanh nghiệp để tuyên truyền điều đó nhưng tình trạng rút BHXH một lần vẫn diễn ra".

Do đó, ông Trần Văn Triều đồng tình với chủ trương hạn chế rút BHXH một lần trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Về 2 phương án quy định hưởng BHXH một lần mà Chính phủ vừa đề xuất, ông chọn phương án 1.

Phương án rút BHXH một lần: Thà đau một lần hay kiên trì vượt khó? - 2

Qua quá trình tiếp xúc người lao động trên địa bàn thành phố, ông Triều cho rằng: "Công nhân không ủng hộ phương án 2 vì có rút thì cũng không được bao nhiêu tiền. Đề nghị các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) ủng hộ công nhân thành phố bằng cách lựa chọn phương án 1".

Chủ trì hội thảo, ĐBQH Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM, đặt câu hỏi về việc đánh giá tác động của chính sách, dự tính người lao động sẽ phản ứng ra sao nếu chọn phương án 1.

Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Liên đoàn Lao động TPHCM phán đoán, phương án 1 được chọn có thể sẽ có nhiều người rút BHXH. Tuy nhiên, theo ông, đó là lựa chọn "thà đau một lần". Quy định như vậy thì từ 1/7/2025, những người bước vào hệ thống không được rút BHXH một lần nữa, ai tham gia BHXH cũng với mục tiêu là có lương hưu.

Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn cơ sở công ty TNHH PouYuen Việt Nam, doanh nghiệp có đông công nhân nhất TPHCM đồng tình: "Phương án 1 rất khoa học, tôi rất ủng hộ. Kết quả khảo sát cũng cho thấy người lao động tại công ty chúng tôi hài lòng với phương án này. Còn phương án 2, công nhân nghe chỉ được rút 50% đều không muốn".

Phương án rút BHXH một lần: Thà đau một lần hay kiên trì vượt khó? - 3

Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn cơ sở công ty TNHH PouYuen Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Minh Hòa, Giám đốc BHXH Thủ Đức, cũng tâm tư về việc quá đông người lao động rút BHXH một lần, hình thành tâm lý xem BHXH là tiền tiết kiệm, cứ cần là rút.

Bà nói: "Hằng ngày thấy nhiều người rút BHXH một lần, chúng tôi rất thất vọng, cảm thấy công việc vun đắp mỗi ngày như dã tràng xe cát".

Do đó, bà Hòa đặt kỳ vọng Quốc hội thông qua phương án 1. Bà cho rằng: "Thà đau một lần để xây dựng một hệ thống an sinh mới bền vững khi người bước vào hệ thống là hướng tới lương hưu, đóng BHXH là để có lương hưu".

Phương án 2 khó nhưng nên làm

Tuy ít nhưng tại hội thảo vẫn có những đại biểu lựa chọn phương án 2, như Phó giáo sư, tiến sĩ Đoàn Thị Phương Diệp (Trường Đại học Kinh tế - Luật thuộc Đại học Quốc gia TPHCM), tiến sĩ Nguyễn Thị Hoa Tâm (Phó giám đốc cơ sở 2, Trường Đại học Lao động - Xã hội).

Theo PGS.TS Đoàn Thị Phương Diệp, phương án 2 đáp ứng được chủ trương tiến tới thiết lập hệ thống an sinh xã hội toàn dân. Với quy định chỉ được hưởng 50% chế độ khi rút BHXH một lần, 50% còn lại được bảo lưu để giữ chân người lao động ở lại hệ thống, phương án 2 giúp trì hoãn, làm nhiều người lao động thấy rút BHXH một lần không được bao nhiêu và dần hạn chế họ rút BHXH một lần.

Còn với phương án 1, những người đang tham gia BHXH trước khi Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực vẫn có thể rút BHXH một lần. Điều này dẫn đến hệ quả là khó đảm bảo chính sách an sinh xã hội toàn dân.

Phương án rút BHXH một lần: Thà đau một lần hay kiên trì vượt khó? - 4

PGS-TS Đoàn Thị Phương Diệp phát biểu tại hội thảo.

TS Nguyễn Thị Hoa Tâm góp ý: "Tại hội thảo này có nhiều ý kiến ủng hộ phương án 1. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy phương án 2 mới khả thi, thực tế".

Với phương án 2, cách tính toán phức tạp, khi thực hiện thì thêm việc cho cơ quan BHXH để tính toán quyền lợi cho NLĐ theo tỷ lệ này. Đặc biệt, lựa chọn này có thể sẽ chịu sự phản ứng nhiều.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Thị Hoa Tâm vẫn ủng hộ phương án này vì nó có thể làm cho NLĐ phải đắn đo vì quá thiệt thòi, dần tiến tới hạn chế NLĐ rút BHXH một lần.

Theo bà Tâm, phương án 2 khó nhưng nên làm. Bà nói: "Nếu chọn phương án 1 thì dễ làm hơn, thuận lợi cho cơ quan BHXH nhưng sẽ không đảm bảo ngăn chặn được việc rút BHXH một lần".

Phương án rút BHXH một lần: Thà đau một lần hay kiên trì vượt khó? - 5

Theo TS Nguyễn Thị Hoa Tâm, phương án 2 khó nhưng nên làm.

Phát biểu kết luận hội thảo, ĐBQH Văn Thị Bạch Tuyết khẳng định, các ý kiến đều đồng tình việc cần có biện pháp hạn chế tình trạng rút BHXH một lần.

Tuy nhiên, vẫn còn bất đồng trong việc lựa chọn phương án 1 hay phương án 2 theo đề xuất của Chính phủ trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi. Do đó, cơ quan quản lý, chịu trách nhiệm soạn thảo dự án luật cần nghiên cứu, đánh giá kỹ hơn về tác động của từng phương án, phản ứng của người lao động để có căn cứ lựa chọn.

"Quan điểm là làm sao người dân được hưởng chế độ hưu trí đảm bảo cuộc sống về già. Cần thiết phải tìm những phương án để NLĐ ở lại với hệ thống BHXH nhiều hơn, lương hưu cao hơn, hạn chế tình trạng doanh nghiệp nợ BHXH…", Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM nhận định.