Phu xe khấp khởi chờ giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội để có lương hưu
(Dân trí) - Tham gia bảo hiểm xã hội khi đã qua tuổi 55, Chủ tịch Nghiệp đoàn xích lô Hội An nói nếu được giảm điều kiện đóng BHXH xuống còn 15 năm thì đến 70 tuổi ông có cơ hội được nghỉ ngơi khi có lương hưu.
Cơ hội với người lao động tự do
Chủ tịch Nghiệp đoàn xích lô tại phố cổ Hội An Phan Phước Tùng năm nay 57 tuổi, là một trong hơn 10 phu xe trong đội đã đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được gần 2 năm. Ông Tùng nước da sạm nắng, dáng người gọn quánh, săn chắc.
Nghiệp đoàn xích lô Hội An đã được thành lập, hoạt động 25 năm nay, là hội nhóm của những người lao động tự do, đạp xích lô chở khách du lịch. Đây vốn là nhóm lao động "3 không", không hợp đồng, không bảo hiểm xã hội, không có gì đảm bảo thu nhập. Đến nay, nghiệp đoàn đã có hơn 100 phu xe tham gia, cùng khai thác, tổ chức dịch vụ chở khách đi thăm phố cổ.
Thời gian qua, được sự vận động, tuyên truyền của chính quyền, của cơ quan bảo hiểm xã hội, các thành viên nghiệp đoàn xích lô đã biết tới hình thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
mức thu nhập chỉ đủ sống (khoảng 8-10 triệu đồng/tháng), đến nay đã có hơn 10 phu xe quyết định đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hàng tháng, để được hưởng các chính sách chăm sóc sức khỏe và quan trọng nhất là sau này có lương hưu.
Ông Phan Phước Tùng chia sẻ, bản thân ông dành khoảng 10% thu nhập hàng tháng để đóng bảo hiểm với mức 1,1 triệu đồng, trong đó đã có một phần hỗ trợ của nhà nước (từ 10% tới 30%).
Đã đóng bảo hiểm được hơn 1 năm, gần đây, 2 niềm vui đến với ông Tùng. Trước hết, dịch bệnh đã thực sự qua, du lịch đang phục hồi, du khách đã trở lại Hội An mỗi ngày một đông, thu nhập cải thiện, khoản 10% "lương" bỏ ra để đóng bảo hiểm hàng tháng với ông không đến mức khó khăn.
Sau nữa là thông tin nhà nước chủ trương giảm điều kiện thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm xuống còn 15 năm, tiến tới là 10 năm để được hưởng lương hưu khi sửa luật Bảo hiểm xã hội.
Thông tin này mở ra hi vọng với ông Tùng. Ban đầu ông xác định không kịp đóng bảo hiểm đủ để được nhận lương hưu, chỉ dự định khi già yếu không đạp xe được nữa thì rút bảo hiểm lấy tiền sinh sống. Nay, nếu hạ điều kiện thời gian, đến 70 tuổi ông có thể nghỉ ngơi, có chút lương hưu lo tuổi già.
"Anh em phu xe chúng tôi đã nhận thức được, sau này tự bản thân mình phải lo cho mình thôi, trông đợi vào xã hội chỉ một phần. Vậy nên sau thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lại nghe tin giảm thời gian đóng xuống 15 năm, chúng tôi mừng lắm. Mọi người giờ có cái nhìn tích cực hơn vì hầu hết quỹ thời gian của các anh em trong nghiệp đoàn không lớn lắm.
Giai đoạn đầu chúng tôi vận động nhau không dễ vì người lớn tuổi rồi, ai hình dung ra thời gian nộp bao lâu để mà có lương hưu. Chúng tôi đi trước, để khuyến khích anh em trẻ trong đội, những người có nhiều cơ hội hơn", ông Tùng giải thích.
Làm nghề "không xác định tương lai"
Giới thiệu một "phu xe thế hệ con cháu", Chủ tịch nghiệp đoàn cho biết, tài xế Nguyễn Tiến Mạnh (32 tuổi, chủ xích lô số 07, trú tại phường Cẩm Nam) đã có 6 năm gắn bó với nghề này.
Anh Mạnh là một trong những tài xế trẻ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Anh được tư vấn và thấy có lợi khi đóng bảo hiểm vì được một phần hỗ trợ của nhà nước.
"Tôi xác định mức thu nhập cơ bản mỗi tháng là 5,5 triệu đồng thì đóng 10%, tức 550.000 đồng, không quá nặng nề. Trước đây tôi đã đóng bảo hiểm mấy năm khi đi làm công ty, sau đó nghỉ việc thì rút một lần rồi, giờ vẫn thấy tiếc, thấy thiệt thòi.
Thực sự thì anh em ở nghiệp đoàn xích lô đều muốn có khoản đóng bảo hiểm xã hội vì lâu nay lao động tự do như chúng tôi đều xác định không có lương hưu, người cẩn thận lắm cũng chỉ tự mua bảo hiểm y tế thôi, làm nghề chẳng xác định tương lai. Nay có hướng như này, tôi sẽ cố gắng để duy trì, chỉ băn khoăn là mức đóng thấp thì đồng lương sau này cũng chưa đủ sống", tài xế Nguyễn Tiến Mạnh nói.
Xác nhận nội dung này, Chủ tịch nghiệp đoàn xích lô Phan Phước Tùng cho biết, tùy thu nhập mà nhóm phu xe trong nghiệp đoàn có người đóng 500.000 đồng, 700.000 đồng, 800.000 đồng mỗi tháng và hầu hết mới tham gia bảo hiểm được hơn 1 năm.
Nói về việc này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Lanh xác nhận, khó khăn lớn nhất với việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm tự nguyện là nhận thức của người dân, người lao động. Sau nữa, hoạt động tuyên truyền của chính quyền, cơ quan chức năng cũng chưa thật tốt.
Từ kinh nghiệp thực tế, Hội An xác định, để đạt hiệu quả tốt nhất thì phải tổ chức truyền thông theo từng nhóm đối tượng để kịp thời nắm bắt, giải đáp cho được những khúc mắc, băn khoăn của người lao động.
Kết quả của hướng truyền thông theo các nghiệp đoàn (tức tới từng nhóm nghề nghiệp), như nghiệp đoàn ghe bơi, nghiệp đoàn xích lô, bước đầu đã có thể thấy những thay đổi tích cực trong nhận thức, hành động.
Góp ý thêm từ khía cạnh cơ quan thực thi chính sách, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho rằng luật BHXH nên có thêm nhiều điều chỉnh. Một trong những điều chỉnh quan trọng đã được đề xuất là về điều kiện thời gian. Quy định đóng bảo hiểm ít nhất 20 năm để được hưởng lương hưu như hiện hành, theo vị Phó Chủ tịch, là quá dài, rõ ràng chưa đủ hấp dẫn người lao động, cần giảm nữa.
Chính sách đưa các hộ kinh doanh cá thể vào diện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, ông Lanh cũng rất ủng hộ, vì cho rằng việc này thể hiện tính công bằng hơn với người dân, người lao động. Ông nhận định, việc thực hiện quy định này tại Hội An sẽ thuận lợi. Hơn 9.000 hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn thành phố hiện tại đều thể hiện sự đồng thuận cao.