Coi tiền đóng bảo hiểm xã hội như khoản tiết kiệm là không đúng bản chất!

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Đánh giá cao định hướng chính sách để giảm thiểu tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, chuyên gia lao động quốc tế chỉ rõ, quy định cho rút bảo hiểm của Việt Nam không phù hợp với thông lệ chung...

Đây là ý kiến được nêu tại tổ chức hội thảo tham vấn về dự thảo luật BHXH (sửa đổi) do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức ở TPHCM ngày 3/8.

Duy trì tinh thần tiến bộ, hỗ trợ người dân

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH ông Nguyễn Bá Hoan nhấn mạnh 3 mục tiêu khi sửa luật BHXH lần này.

Thứ nhất là bảo đảm an sinh xã hội của người dân dựa trên quyền con người theo quy định của Hiến pháp và thể chế hóa các nội dung trong Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Thứ hai là sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành Luật BHXH năm 2014 và Nghị quyết số 93/2015/QH13 của Quốc hội.

Thứ 3 là mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia BHXH.

Coi tiền đóng bảo hiểm xã hội như khoản tiết kiệm là không đúng bản chất!  - 1

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Tùng Nguyên).

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết: "Hồ sơ dự án luật BHXH sửa đổi đã được cơ quan chủ trì soạn thảo gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và các tầng lớp nhân dân. Đây là dự án luật có tác động rộng lớn, nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân và doanh nghiệp".

Bộ LĐ-TB&XH cùng với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, BHXH Việt Nam, Ủy ban Xã hội của Quốc hội và các tổ chức có liên quan đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm tham vấn ý kiến đối với dự án luật này.

Dự án luật đã được Chính phủ cho ý kiến tại Nghị quyết số 114/NQ-CP ngày 28/7 vừa qua.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, hội nghị tham vấn lần này được thực hiện nhằm tiếp tục lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các cơ quan liên quan để hoàn thiện dự thảo luật, trình Quốc hội cho ý kiến trong thời gian tới.

Coi tiền đóng bảo hiểm xã hội như khoản tiết kiệm là không đúng bản chất!  - 2

Gần 100 đại biểu là các chuyên gia lao động góp ý cho dự thảo luật BHXH sửa đổi (Ảnh: Tùng Nguyên).

Bà Ingrid Christensen, Giám đốc ILO tại Việt Nam, đánh giá: "Lần sửa đổi luật BHXH gần nhất của Việt Nam vào năm 2014 đã có nhiều tiến bộ vượt bậc, hỗ trợ người dân trong hầu hết các trường hợp gặp rủi ro trong cuộc sống".

Tuy nhiên, bà Ingrid Christensen nhận định tốc độ mở rộng của BHXH hiện nay của Việt Nam còn chậm, rất khó để Việt Nam đạt được tỷ lệ bao phủ BHXH 60% vào năm 2030 như mục tiêu đã đặt ra.

Bà Ingrid Christensen nói: "Điều đáng mừng là Việt Nam đang mở rộng diện bao phủ của BHXH và các quyền lợi BHXH bằng việc sửa đổi luật BHXH. Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc phải là nội dung cốt lõi của việc sửa đổi luật BHXH lần này".

Chi trả BHXH một lần không phù hợp thông lệ quốc tế

Tại hội thảo, ông André Gama, chuyên gia của ILO chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và một số khuyến nghị về chính sách của Việt Nam liên quan đến việc mở rộng diện bao phủ BHXH.

Theo ông André Gama, dựa vào những nhóm lao động được đề xuất tham gia BHXH bắt buộc theo dự thảo luật BHXH sửa đổi thì có thể thấy các quy định tới đây sẽ có những tác động rất lớn và tích cực đến diện bao phủ của BHXH.

Coi tiền đóng bảo hiểm xã hội như khoản tiết kiệm là không đúng bản chất!  - 3

Ông André Gama, chuyên gia của ILO (Ảnh: Tùng Nguyên).

Để chính sách mới này phát huy hiệu quả, ông đề nghị cần có lộ trình cụ thể và tuần tự đưa các nhóm lao động tham gia dần vào hệ thống BHXH. Ngoài ra, Việt Nam phải có cơ chế khuyến khích tài chính để thu hút nhiều hơn số người tham gia hệ thống và quyết tâm ở lại hệ thống BHXH.

Ông André Gama đề xuất cải thiện mức hưởng các chế độ BHXH bằng cách tăng mức hưởng các chế độ hiện có và đưa thêm các chế độ mới.

Thứ 2, nhà nước phải hỗ trợ phần đóng BHXH cho nhóm lao động có khả năng đóng một phần nhưng chưa đủ khả năng đóng toàn bộ để họ có cơ hội tham gia hệ thống BHXH.

Tuy nhiên, các chính sách mở rộng diện bao phủ BHXH sẽ giảm hiệu quả nếu tình trạng rút BHXH một lần vẫn diễn ra.

Theo ông André Gama, tốc độ phát triển người tham gia đóng BHXH tại Việt Nam còn hạn chế vì 2 lý do: người đến tuổi nghỉ hưu rút khỏi hệ thống và người nghỉ việc rút BHXH một lần.

Nếu số lượng người rút BHXH một lần cao thì mục tiêu tỷ lệ bao phủ BHXH đạt 60% vào năm 2030 khó mà hoàn thành.

Ông André Gama nói: "Trả BHXH một lần không phù hợp với thông lệ quốc tế. Khi cho rút BHXH thì người lao động xem đó như một tài khoản tiết kiệm ở ngân hàng, điều đó không phù hợp với bản chất của BHXH. Ý nghĩa của BHXH là sự sẻ chia, hỗ trợ của toàn xã hội".

Do đó, ông đánh giá cao chính sách giảm thiểu tình trạng rút BHXH một lần được đưa vào dự thảo luật BHXH sửa đổi lần này.

Coi tiền đóng bảo hiểm xã hội như khoản tiết kiệm là không đúng bản chất!  - 4

Việt Nam là trường hợp cực hiếm trên thế giới cho người lao động rút BHXH một lần (Ảnh: Cao Bách).

Theo ông André Gama, phải từng bước giảm tỷ lệ số tiền đã đóng BHXH mà người lao động có thể được rút một lần, cũng như kéo dài thời gian chờ để được rút BHXH một lần.

Đồng thời phải cải thiện các chế độ hỗ trợ ngắn hạn cho người tham gia BHXH như chế độ hỗ trợ tài chính, trợ cấp gia đình, chế độ thai sản, hỗ trợ nuôi con nhỏ…

Khi những chế độ này ngày càng tốt hơn, người tham gia mới thấy điểm lợi và quyết tâm ở lại hệ thống BHXH.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan đánh giá cao những góp ý của chuyên gia ILO. Ông cho biết, Bộ LĐ-TB&XH sẽ ghi nhận, tiếp thu và nghiên cứu để hoàn thiện dự thảo luật BHXH sửa đổi trước khi trình cơ quan quyền lực cao nhất xem xét, quyết định.