Phụ nữ khởi nghiệp khó khăn vì ngoài công việc còn thiên chức gia đình

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Có chị em khởi nghiệp ngay từ việc lớn, cũng có người bắt đầu bằng việc nhỏ nhưng nhìn chung kết quả từ đề án "hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" là sự thể hiện vai trò của "phái yếu" trong gia đình, xã hội.

Tại hội nghị sơ kết đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025" diễn ra mới đây, bà Trương Hồng Trang, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bạc Liêu, cho biết qua 4 năm triển khai, đã có trên 1.500 gương điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi, khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh thành công.

Trong đó, có nhiều chị em phụ nữ được các hội phụ nữ địa phương đứng ra bảo lãnh vay vốn đầu tư vào mô hình kinh tế tập thể và hộ cá thể sản xuất kinh doanh rất có hiệu quả, như mô hình chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, buôn bán, nuôi tôm…

Phụ nữ khởi nghiệp khó khăn vì ngoài công việc còn thiên chức gia đình - 1

Bà Trương Hồng Trang, Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Bạc Liêu, cho biết đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" trong giai đoạn 2018-2021 trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội (Ảnh: Huỳnh Hải).

Ông Trần Minh Thới, Phó Chủ tịch huyện Hòa Bình cho rằng, khởi nghiệp luôn có những thách thức, với phụ nữ, việc này càng khó khăn hơn bởi ngoài công việc còn thiên chức với gia đình.

Tuy nhiên, nhiều chị em đã không ngại khó, phấn đấu vươn lên. Có chị em bắt đầu từ việc lớn, cũng có chị em từ việc nhỏ nhưng nhìn chung những kết quả từ khởi nghiệp mang lại rất tích cực.

Như trên địa bàn huyện Hòa Bình có tổ phụ nữ đan đát kết nối với nhà cung cấp sản phẩm để gia công nhận các sản phẩm về nhà làm, từ đó chị em có thu nhập trung bình từ 50.000 đồng-100.000 đồng/người/ngày.

Theo ông Thới, huyện cũng vận động nhiều phụ nữ khởi nghiệp, tự tạo việc làm bằng hình thức hỗ trợ vốn đầu tư trồng màu với số tiền 500 triệu đồng và xây dựng được nhiều mô hình liên kết phát triển sản xuất. Từ đó, chị em phụ nữ đã có những cải thiện về đời sống, tăng thu nhập, tự vươn lên thoát nghèo.

Phụ nữ khởi nghiệp khó khăn vì ngoài công việc còn thiên chức gia đình - 2

Ông Trần Minh Thới, Phó Chủ tịch huyện Hòa Bình, cho rằng khởi nghiệp luôn có những thách thức và đối với phụ nữ thì càng khó khăn hơn (Ảnh: Huỳnh Hải).

Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hồng Dân, để nâng cao chất lượng hoạt động của đề án 939, hội đã lồng ghép phát động nhiều phong trào thi đua như phụ nữ làm kinh tế giỏi…, đã xuất hiện nhiều mô hình khởi nghiệp có hiệu quả như mô hình phát triển nghề lục bình, nghề làm cá khô, chả cá…

Một trong những hoạt động hiệu quả của đề án 939 là phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH tổ chức các lớp dạy nghề, bồi dưỡng kỹ năng sản xuất và quản lý kinh tế gia đình. 3 năm qua, đã mở hàng chục lớp dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp như đan đát, trồng màu… với hàng ngàn lao động nữ tham gia.

Điển hình như Hội phụ nữ huyện Hồng Dân phối hợp với cơ sở nhựa trên địa bàn tổ chức dạy nghề miễn phí cho hơn 500 lao động nhàn rỗi ở địa phương, tạo việc làm cho cả ngàn lao động có thu nhập ổn định từ 70.000 đồng đến 130.000 đồng/ngày.

Bà Trương Hồng Trang, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bạc Liêu, khẳng định: "Qua triển khai đề án 939, đã giúp cho nhiều phụ nữ được trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp, phát triển kinh tế, từ đó áp dụng trong cuộc sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng hộ khá, giàu, nâng cao vị thế, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội".

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Bạc Liêu cũng nhìn nhận việc hỗ trợ phụ nữ xây dựng ý tưởng khởi nghiệp ở nhiều địa phương còn lúng túng, chưa có tính sáng tạo; các ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ chủ yếu thuộc lĩnh vực chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp nên mang tính rủi ro cao…

Phụ nữ khởi nghiệp khó khăn vì ngoài công việc còn thiên chức gia đình - 3

Phụ nữ làm nghề ruốc khô ở tỉnh Bạc Liêu (Ảnh: NH).

Phó Chủ tịch huyện Hòa Bình Trần Minh Thới thì cho rằng, một bộ phận phụ nữ còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và các cấp, các ngành, địa phương, không chịu phấn đấu vươn lên làm ăn nên cuộc sống còn nhiều khó khăn.

Đưa ra giải pháp để triển khai đề án 939 thời gian tới có hiệu quả, Hội Phụ nữ huyện Hồng Dân cho rằng cần quan tâm đến hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn có ý chí tiếp cận thị trường, ưu tiên các mô hình kinh tế tập thể, các ngành nghề tạo ra sản phẩm chủ lực của địa phương.

Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Bạc Liêu Trương Hồng Trang thì đề nghị các sở, ngành, địa phương được Ban chỉ đạo tỉnh giao nhiệm vụ triển khai đề án 939, chủ động kêu gọi vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư hỗ trợ nguồn lực cho phụ nữ xây dựng ý tưởng khởi nghiệp thông qua các mô hình phát triển kinh tế, tìm kiếm thị trường ổn định tăng giá trị đầu ra cho các sản phẩm.