Bị bạo hành, nhiều phụ nữ chọn im lặng vì xấu hổ với hàng xóm
(Dân trí) - Một số phụ nữ bị bạo hành trong gia đình đã im lặng không khai báo, đôi khi còn che giấu do xấu hổ với xóm làng. Do đó, việc nắm bắt thông tin và xử lý của ngành chức năng còn chưa kịp thời...
Chiều 26/11, tỉnh Bạc Liêu sơ kết 4 năm thực hiện đề án "Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2018-2021" (đề án 938 được phê duyệt theo quyết định số 938/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ).
Nâng cao vị thế phụ nữ
Bà Trương Hồng Trang, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bạc Liêu, cho biết thực hiện đề án 938, tỉnh đã triển khai hàng loạt mô hình, đánh giá vai trò của phụ nữ trong công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới, kiến thức về pháp luật bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, các vấn đề xã hội tại cộng đồng dân cư…
Bà Trang cho biết, nổi bật có các câu lạc bộ, mô hình như: "Nuôi con an toàn", Gia đình sức khỏe hạnh phúc", "Gia đình thực hiện 5 không 3 sạch", "Vì trẻ thơ", "Phòng chống đuối nước trẻ em", "Phòng chống xâm hại tình dục trẻ em", "Chăm sóc, bảo vệ phụ nữ và trẻ em", "Ngôi nhà tạm lánh", "Bình đẳng giới", "...
"Các đơn vị, địa phương thường xuyên tuyên truyền vận động và hỗ trợ giúp đỡ phụ nữ, trẻ em yếu thế. Qua đó, đã tư vấn, giúp đỡ 53 hộ gia đình xảy ra bạo lực có chuyển biến tốt, kịp thời phát hiện, lên tiếng, can thiệp, hỗ trợ, tham gia giải quyết 19 vụ xâm hại, bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em", bà Trương Hồng Trang thông tin.
Bốn năm qua, có 6 mục tiêu của đề án 938 đã được tỉnh Bạc Liêu triển khai đạt từ 100% trở lên. Như mục tiêu mỗi năm có ít nhất 16.000 phụ nữ được cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực giới, bạo lực gia đình, cách thức lên tiếng trước các hành vi bạo lực… thì kết quả có đến 70.200 phụ nữ, đạt trên 400%.
"Qua triển khai đề án 938 đã giúp cho các đối tượng thụ hưởng trực tiếp và gián tiếp được trang bị kiến thức về pháp luật, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình. Từ đó áp dụng trong cuộc sống góp phần xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng", Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Bạc Liêu Trương Hồng Trang nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Hồng Cẩm, Phó Chủ tịch huyện Đông Hải, cho biết khi triển khai đề án 938, có những mô hình, các cuộc gặp gỡ nói chuyện, hội thảo… đã giúp chị em phụ nữ có cơ hội bày tỏ những vấn đề xã hội, lên tiếng các hành vi bạo lực... "Kết quả đã làm giảm các vụ bạo lực gia đình trên địa bàn huyện khi năm 2019 xảy ra 10 vụ, năm 2021 chỉ xảy ra 2 vụ", bà Cẩm cho hay.
Một số ít nạn nhân bị bạo lực còn im lặng, cam chịu
Có những kết quả rất khả quan khi thực hiện đề án 938, tuy nhiên theo Ban chỉ đạo đề án của tỉnh Bạc Liêu thì vẫn còn những tồn tại, khó khăn trong thực tế xã hội hiện nay.
Đó là đời sống của người dân nói chung, phụ nữ nói riêng còn khó khăn, chất lượng cuộc sống thấp, nhiều thiếu niên trẻ em bị tác động bởi mặt trái của đời sống xã hội và của môi trường mạng internet… nên nguy cơ không an toàn cho phụ nữ và trẻ em vẫn còn cao.
Nêu thực tế ở địa phương, bà Nguyễn Hồng Cẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải, cho biết một bộ phận không nhỏ người dân ở nông thôn bị thất nghiệp, không có việc làm, cuộc sống bấp bênh nên một số người phải bỏ xứ đi làm ăn xa.
Từ đó, dẫn đến xảy ra tình trạng bạo lực gia đình, phần lớn đối với gia đình có thu nhập thấp, chồng rượu chè, kém hiểu biết, còn người phụ nữ thiếu kiến thức, từ những va chạm nhỏ cũng có thể xảy ra to tiếng với nhau dẫn đến xô xát, bạo lực.
"Một số ít trường hợp nạn nhân bị bạo lực thì im lặng, cam chịu không khai báo, đôi khi còn che giấu do lo sợ gia đình bị mọi người chê cười, sẽ xấu hổ với xóm làng nên việc nắm bắt thông tin và xử lý của ngành chức năng còn chưa kịp thời", bà Cẩm lo ngại.
Bà Lưu Thị Thanh Mai, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ TP Bạc Liêu, cho biết cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và phối hợp giải quyết những bức xúc của phụ nữ liên quan đến đời sống dân sinh, quyền lợi và lợi ích chính đáng của phụ nữ.
"Phối hợp mở các lớp giáo dục kỹ năng sống, phòng chống đuối nước cho trẻ em, mở các lớp nói chuyện chuyên đề ở các trường học để nâng cao nhận thức cho các em trước các mối nguy hại, những rủi ro có thể xảy ra trong đời sống hàng ngày để các em có khả năng tự bảo vệ bản thân mình", bà Mai nêu giải pháp.