"Phòng trọ nóng rang cũng chỉ bật điều hòa 2 giờ đã buốt ruột vì tiền điện"
(Dân trí) - Tiền điện là một trong những khoản không nhỏ phải trang trải hàng tháng, nhiều công nhân mong được trợ giá trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn về công ăn, việc làm.
Hai con làm công nhân trong Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội), bà Phạm Thị Miên (61 tuổi, ở Yên Khánh, Ninh Bình) đã lên thủ đô hỗ trợ trông cháu.
Gia đình bà thuê phòng trọ rộng khoảng 20m2 tại xã Kim Chung, gần chỗ làm việc của các con. Ban ngày mọi người đi làm, chỉ còn hai bà cháu quanh quẩn trong nhà.
So với những công nhân khác, bà Miên vẫn thấy may mắn khi được kí trực tiếp hợp đồng với bên điện lực. Vì vậy, gia đình bà sẽ được trả tiền điện theo giá bậc thang thay vì chịu 3.000 đồng/số điện như nhiều gia đình thuê trọ khác.
Xác định sinh sống lâu dài tại thủ đô, gia đình bà đã sắm sửa đầy đủ máy giặt, tủ lạnh, tivi, điều hòa…
Ban ngày con cái đi làm, bà Miên ở nhà trông cháu nhưng cũng phải tiết kiệm điện hết sức có thể. Bà chỉ dám sử dụng quạt điện. Ngày nào trời quá oi nóng, đỉnh điểm buổi trưa bà mới dám bật điều hòa khoảng 2 giờ đồng hồ.
Bà Miên chia sẻ: "Phòng trọ mái tôn nóng lắm. Khi nào không chịu được thì gia đình mới dám bật điều hòa".
Vậy mà mỗi tháng gia đình bà vẫn tốn 600.000 - 700.000 đồng tiền điện. Ở nhà trông cháu, bà cũng xót ruột. Công ty thiếu đơn hàng, không được tăng ca đều đặn như trước, hai người con của bà thu nhập giảm mấy tháng nay, chỉ còn hơn chục triệu đồng/tháng.
"Bình thường mỗi tháng cũng hết kha khá tiền điện, giờ tăng nữa thì khó khăn lắm. Người nhà quê như chúng tôi cứ nghe chi tiêu trăm nọ, trăm kia đã xót ruột", bà Miên chia sẻ.
Đầu tháng 5, giá bán lẻ điện bình quân chính thức được điều chỉnh lên mức 1.920,37 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Phần điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.
Tại hội nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động năm 2023, anh Nguyễn Quang Minh, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Rhythm Kyoshin Hà Nội nêu ý kiến, hiện nay người lao động khá khó khăn do bị giảm việc làm, mất việc hoặc nghỉ hưởng 70% lương. Song, giá tiêu dùng liên tục tăng, ảnh hưởng đến đời sống của người lao động.
"Chúng tôi mong muốn thành phố có chính sách hỗ trợ giá điện sinh hoạt cho người lao động bằng cách giảm 10 hoặc 15% giá điện hiện tại cho công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp", anh Minh kiến nghị.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng, giá điện và một số vấn đề khác vượt thẩm quyền, thành phố ghi nhận và báo cáo cấp có thẩm quyền.
Hiện nay, Hà Nội có 10 khu công nghiệp và chế xuất, 1 khu công nghệ cao Hòa Lạc với 661 doanh nghiệp và khoảng 165.000 lao động. Có 80% lao động ngoại tỉnh đang làm việc tại đây.
Theo Liên đoàn Lao động Hà Nội, năm 2022, tiền lương bình quân chung của người lao động trên địa bàn tăng hơn so với năm 2021 từ 2,94% đến 3,82%; thu nhập bình quân của người lao động đạt 6,6 triệu đồng/tháng.
Riêng quý I/2023, thu nhập bình quân của người lao động là 7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, mức thu nhập của người lao động như trên, Liên đoàn Lao động Hà Nội cho rằng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, do tình hình lạm phát, ngoài tiền thuê nhà trọ, gửi trẻ, người lao động còn phải chịu nhiều chi phí đội lên khi giá hàng hóa tiêu dùng tăng cao...