1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Quảng Nam:

Phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị thực hiện mục tiêu giảm nghèo

Công Bính

(Dân trí) - Sở NN&PTNT vừa chủ trì với Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam tổ chức hội thảo “Hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn tỉnh”.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam - cho biết, đây là dịp để phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế và nguyên nhân, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2016-2020.

Trên cơ sở đó, đề xuất kiến nghị các cấp thẩm quyền tiếp tục duy trì, điều chỉnh, ban hành chương trình, chính sách trong giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Theo báo cáo, trong giai đoạn 2016-2020, tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước phân bổ để thực hiện hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên toàn tỉnh hơn 318 tỷ đồng.

Phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị thực hiện mục tiêu giảm nghèo - 1

Hội thảo được Sở NN&PTNT phối hợp với Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam tổ chức chiều ngày 7/10

Từ nguồn vốn này, các địa phương đã tập trung hướng dẫn, tổ chức cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất; trong đó ưu tiên tập trung nguồn vốn hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo đăng ký thoát nghèo bền vững.

Nội dung hỗ trợ chủ yếu về giống cây trồng, con vật nuôi, thiết bị, vật tư, dụng cụ sản xuất, phân bón, thức ăn chăn nuôi, tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho hộ tham gia các dự án trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản…

Từ chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất đã có những tác động lớn đến sản xuất, đời sống của người nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước thay đổi tập quán sản xuất, cách nghĩ, cách làm của người dân trong sản xuất nông, lâm nghiệp.

Qua đó, góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp, để phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm.

Bên cạnh đó, khai thác được tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên, đất đai của mỗi địa phương để tạo ra những sản phẩm mang tính đặc trưng vùng miền; trình độ sản xuất và nhận thức của người dân cũng đã có những chuyển biến đáng kể, người dân đã thực hiện việc áp dụng khoa học kỹ thuật và sản xuất, biết sử dụng vốn để đầu tư phát triển kinh tế…

“Mục đích là nâng cao chất lượng đời sống người dân, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi; khai thác tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng miền; nâng cao trình độ sản xuất của người dân…”, ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam phát biểu.

Tại hội thảo, các đại biểu đã có nhiều đề xuất về các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị nhằm nâng cao hiệu quả giảm nghèo; chia sẻ kinh nghiệm triển khai các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất; đề xuất các giải pháp về thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn…