Phải nghỉ việc do bão, người lao động có được hưởng lương?

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Do ảnh hưởng của bão số 4, cán bộ, công chức, người lao động ở nhiều địa bàn phải nghỉ làm. Trong trường hợp này, người lao động băn khoăn liệu có bị trừ lương hay không?

Tại cuộc họp bàn biện pháp ứng phó với bão số 4 (tên quốc tế là Noru) trước khi siêu bão đổ bộ, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã chỉ đạo từ 12h trưa ngày 27/9 tạm dừng họp chợ truyền thống, cán bộ công chức, viên chức, công nhân, người lao động tại các nhà máy sản xuất trên địa bàn thành phố nghỉ làm việc.

Trước chỉ đạo tạm nghỉ việc, ở nhà tránh bão, nhiều người lao động băn khoăn về khả năng mất một ngày lương.

Phải nghỉ việc do bão, người lao động có được hưởng lương? - 1

Thành phố Đà Nẵng bị ảnh hưởng nặng nề sau khi bão số 4 đổ bộ. Nhiều nhà cửa, công trình hư hỏng, cây xanh bị gió mạnh quật đổ ngổn ngang khắp phố (Ảnh: Mạnh Quân).

Về thắc mắc của người lao động, Điều 99 Bộ luật Lao động 2019 đã quy định về tiền lương ngừng việc. Theo đó, trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:

Nếu do lỗi của người sử dụng lao động thì người lao động được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc thì được trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu.

Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động; thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa; di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:

Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống: Tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc: Tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Ngoài ra, theo Khoản 5 Điều 58 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định thời giờ phải ngừng việc không do lỗi của người lao động sẽ được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương.

Như vậy, trong trường hợp ngừng việc không phải do lỗi của người lao động thì người lao động sẽ được nhận lương ngừng việc, mức lương trả khi ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng sẽ không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Ngoài ra, Bộ luật Lao động hiện tại không có quy định nào về việc người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động đi làm bù sau khi hết thời gian ngừng việc. Do đó, người sử dụng lao động không có quyền yêu cầu người lao động đi làm bù cho những ngày đã ngừng việc.

Tuy nhiên, để đảm bảo sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động có thể yêu cầu người lao động làm thêm giờ nhưng cần đảm bảo các điều kiện quy định như:

- Được sự đồng ý của người lao động;

- Bảo đảm số giờ làm thêm không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm;

- Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, phải bố trí để người lao động nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ.

Do đó, nếu người lao động chấp nhận làm thêm giờ theo yêu cầu của người sử dụng lao động thì sẽ được hưởng lương làm thêm giờ.