1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Ông lão vô gia cư "chạy" khai sinh để 40 đứa trẻ vô danh được tới trường

Dân trí

(Dân trí) - Ông Nguyễn Đăng Được (76 tuổi, Hà Nội) ngược xuôi khắp các địa phương xin cấp giấy khai sinh cho trẻ em xóm ngụ cư ven sông Hồng, giúp các em có cơ hội tới trường học con chữ.

Hành trình xin cấp giấy tờ cho trẻ em xóm ngụ cư của ông Nguyễn Đăng Được đã kéo dài hàng chục năm nay. Bằng sự kiên trì và lòng quyết tâm, ông đã làm được giấy khai sinh cho gần 40 trẻ em sinh ra và lớn lên ở bãi bồi ven sông Hồng, dưới gầm cầu Long Biên.

Ông lão vô gia cư chạy khai sinh để 40 đứa trẻ vô danh được tới trường - 1

Ông Nguyễn Đăng Được là người dân đầu tiên của xóm phao, ngụ cư ven sông Hồng (Ảnh: Phan Minh Thảo).

Người đầu tiên mang con chữ tới xóm phao

Từ lâu lắm rồi, "ông Được luộm thuộm" trở thành cách người dân xóm phao ven sông Hồng gọi trưởng xóm Nguyễn Đăng Được một cách thân thương. Người đàn ông với vóc dáng nhỏ thó, da đen nhẻm, luôn vận bộ quần áo cũ sờn chính là người đầu tiên cất thuyền, neo phao mưu sinh tại nơi này.

Ông đã chứng kiến nơi đây từ vùng bãi sông heo hút không nhà dần trở thành cả xóm ngụ cư, xúm xít nhà phao. 

Hơn 30 năm cư ngụ dưới chân cầu Long Biên, ông Được chứng kiến nhiều người cùng chung cảnh lang thang tới đây. Họ đều là những người vô gia cư, không có giấy tờ tùy thân, không định danh, không chế độ, sống trong những căn nhà nổi tự chế trên sông. Nhiều gia đình đã sống trong hoàn cảnh như thế tới ba thế hệ. 

Những đứa trẻ sinh ra tại bãi bồi, giống như ông bà, cha mẹ, không có giấy tờ tùy thân. Phần lớn các em là kết quả của những cuộc hôn nhân không giá thú, không thể có cả giấy khai sinh.

Đến tuổi đi học, bọn trẻ xóm nước đen hầu hết cũng chỉ học hết tiểu học, có bé còn không được đến trường. 

Ông lão vô gia cư chạy khai sinh để 40 đứa trẻ vô danh được tới trường - 2

Những ngôi nhà nổi ven sông Hồng là nơi ở của nhiều em nhỏ không được "định danh" (Ảnh: Phan Minh Thảo).

Tội nghiệp bọn trẻ, ông Được quyết tâm tự dạy cho các cháu biết đọc, biết viết. Lớp học tình thương đầu tiên tại sông Hồng đã ra đời như thế. Trong căn lều dựng tạm, hơn 10 cháu nhỏ ê a đánh vần theo lời dạy của ông Được và các sinh viên tình nguyện do ông liên hệ, nhờ tới giúp.

Dần dần, ông Được nhận ra khao khát tới trường của những đứa trẻ xóm phao vượt xa khỏi phạm vi lớp học nhỏ bé nơi chân cầu.

"Các cháu ham học, ham tới trường quá, mà muốn được tới trường đi học thì phải có giấy tờ. Không có gì, sao mà đi học ?", ông Được kể lại nỗi lo canh cánh trong lòng ngày ấy.  

Cũng từ đó, ông bắt đầu "vận động" làm giấy khai sinh cho trẻ em trong xóm phao. Nhờ sự giúp đỡ từ các tổ chức tình nguyện, ông không quản đường sá xa xôi, tìm tới quê gốc của bố mẹ, người thân bọn trẻ trong xóm ngụ cư để xin xác nhận quê quán, từ đó mới xin được giấy khai sinh cho các cháu. 

Ông lão vô gia cư chạy khai sinh để 40 đứa trẻ vô danh được tới trường - 3

Thấy các cháu nhỏ xóm phao say mê học, ông Được còn gom góp làm một thư viện nhỏ ven sông để các cháu được tự do mượn sách về đọc (Ảnh: Phan Minh Thảo).

Nhớ lại hành trình "xin giúp đỡ" từ đủ các cơ quan, cấp quận tới thành phố, ông Được nói khó khăn chính nằm ở việc người dân xóm phao đều là dân vô gia cư.

Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy Nguyễn Thị Thu Hường ghi nhận: "Nhờ sự vận động của ông Được cũng như sự giúp đỡ từ chính quyền, trẻ em xóm nhà phao giờ đều đã có giấy tờ để tới trường. Ông Được sẵn sàng hy sinh nhiều thời gian, công sức để đảm bảo quyền công dân cơ bản của người dân nơi đây".

"Có người còn không nhớ quê mình ở đâu. Có người lang thang từ bé, làm gì có quê mà nhớ. Vì thế quá trình xin giấy đi học cho các cháu cũng gặp nhiều rào cản", ông kể.

Song những khó khăn ấy không khiến ông già 76 tuổi nản chí. Kết quả của hành trình nhiều năm, ông đã xin cấp được giấy khai sinh cho gần 40 cháu nhỏ, giúp các cháu được tới trường như bao bạn bè đồng trang lứa.

Ông còn thuê đất dựng một sân chơi dưới chân cầu Long Biên để bọn trẻ quanh năm sống lênh đênh trong căn nhà nổi có chỗ chạy nhảy, chơi đùa mỗi ngày.

Ông lão vô gia cư chạy khai sinh để 40 đứa trẻ vô danh được tới trường - 4

Khu vui chơi do ông Được dựng, trở thành điểm đến cho các hoạt động ngoại khóa của nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội (Ảnh: Phan Minh Thảo).

 "Thấy người gặp khó, không cứu cũng là tội"

Nhắc tới ông Được, ai ở xóm phao cũng dành những lời ấm áp. 

Giữa Thủ đô Hà Nội, người dân xóm ngụ cư ven sông Hồng vẫn sống trong cảnh không điện, không nước sạch, nhiều người không biết chữ. Họ không hiểu về thủ tục xin cấp các giấy tờ cần thiết như căn cước công dân, giấy tạm trú… Những việc ấy "ông Được luộm thuộm" đều đứng ra lo liệu.

Nhờ trưởng xóm đứng ra làm việc với chính quyền, người dân đã được tạm trú hợp pháp dưới chân cầu Long Biên.  

Ông lão vô gia cư chạy khai sinh để 40 đứa trẻ vô danh được tới trường - 5

Không chỉ xin giấy khai sinh cho các cháu nhỏ, ông Được còn sẵn lòng hỗ trợ bà con xóm phao làm thủ tục xin cấp các loại giấy tờ cần thiết như căn cước công dân (Ảnh: Phan Minh Thảo).

"Vì nhiều người dân ở đây không biết chữ nên việc sắp xếp giải quyết vấn đề giấy tờ trên phường cũng gặp khó khăn. Ông Được là trưởng xóm, có ông ấy đứng ra hướng dẫn mọi người mới hiểu được việc có giấy tờ công dân quan trọng ra sao. Ông ấy là người kết nối xóm này với chính quyền", ông Tô Văn Ngạc (90 tuổi), hàng xóm của ông Được, chia sẻ.

Ông Vũ Văn Mai, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Ngọc Thụy cho biết, ông Được chính là người kết nối những người dân vô gia cư với chính quyền địa phương. Cũng nhờ những đóng góp của ông, người dân nơi đây mới tin tưởng tiến cử ông làm trưởng xóm.

Bà Đào Thị Phương Nga (60 tuổi), cư dân xóm phao, tâm sự: "Ông ấy tốt lắm. Hoàn cảnh nào ông ấy cũng giúp đỡ. Người ta chết thì lo liệu ma chay giúp, người ta thất nghiệp thì tìm giúp việc làm. Bây giờ không tìm được mấy ai như thế nữa".

76 tuổi, "ông Được luộm thuộm" vẫn tiếp tục công việc làm trưởng xóm ngụ cư. "Cái này có phải nghề đâu mà mình nghỉ hưu. Tôi cũng biết người ta hay bảo tôi "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng", nhưng tôi lại tin thế này, thấy người gặp khó, không cứu cũng là tội", ông giải thích. 

"Đời mình đã khổ rồi, chỉ mong đời con cháu mình sẽ thoát khỏi bóng tối mù chữ, được vươn xa, bay ra với thế giới ngoài kia", ông lão 76 tuổi cười hiền khô.

Phan Minh Thảo