Nước mắt từ chuyện cha mẹ thuê người về xâm hại con

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Bất lực trước những đứa con chỉ yêu người cùng giới, có cha mẹ thuê người khác giới về xâm hại chính con mình với mong muốn con sẽ thay đổi.

Phần nổi của "tảng băng" bạo lực gia đình

Ngày 12/9, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM phối hợp với Hội liên hiệp phụ nữ Thành phố và Tổ chức Cứu trợ trẻ em (SCI) tổ chức hội thảo tham vấn về giới và vấn đề bình đẳng giới có liên quan đến công tác phòng chống bạo lực gia đình với đối tượng bị tác động trực tiếp là trẻ em, thanh thiếu niên.

Nước mắt từ chuyện cha mẹ thuê người về xâm hại con - 1

Hội nghị thu hút gần 100 đại biểu đến từ hội phụ nữ các cấp trên địa bàn thành phố (Ảnh: Tùng Nguyên).

Theo ông Phạm Đình Nghinh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM, công tác phòng chống bạo lực gia đình đã được các cơ quan ban ngành triển khai khá toàn diện, nhiều vụ việc được phát hiện, xử lý công khai. Tuy nhiên, thực tế tình trạng bạo lực, xâm hại vẫn diễn ra trong gia đình, trên cơ sở giới thì phụ nữ, trẻ em gái thường là nạn nhân.

Ông Nghinh đánh giá bạo lực là hành vi ảnh hưởng lớn nhất đến hạnh phúc gia đình, dẫn đến hôn nhân đổ vỡ, tác động xấu đến sự phát triển của trẻ em. Trong gia đình bạo lực, trẻ không có hạnh phúc, ảnh hưởng tâm lý, khó hòa nhập xã hội; thậm chí, trẻ có tâm lý chống đối, có khi bỏ nhà ra đi..

Phát biểu tại hội nghị, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiệp, Phó Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH TPHCM), cho biết những vụ việc bạo lực gia đình bị phát hiện chỉ là một phần rất nhỏ. Vì hành vi bạo lực, xâm hại trong gia đình thể hiện ở nhiều hình thức và rất khó công khai.

Ông lấy ví dụ một số hành vi bạo lực, xâm hại trong gia đình thường xảy ra như chồng ép quan hệ trái ý muốn của vợ, cha mẹ bạo lực bằng lời nói với con trẻ… Những hành vi này rất khó xử lý nhưng tích tụ lâu ngày có thể làm tan vỡ hạnh phúc gia đình, ảnh hưởng đến tâm sinh lý và tương lai của những đứa trẻ.

Ông Nguyễn Lữ Gia, đại diện Tổ chức SCI, trình bày về các hình thức bạo lực giới trong gia đình nói chung và đối với cộng đồng LGBT (cộng đồng những người có giới tính đặc biệt) nói riêng. Theo ông Gia, bạo lực giới trong cộng đồng LGBT càng khó chia sẻ công khai, nghiêm trọng và hậu quả khó khắc phục hơn.

Nước mắt từ chuyện cha mẹ thuê người về xâm hại con - 2

Ông Nguyễn Lữ Gia, đại diện Tổ chức SCI (Ảnh: Tùng Nguyên).

Ông Nguyễn Lữ Gia chung ý kiến với tiến sĩ Nguyễn Trí Hiệp là những hành vi bạo lực giới trong gia đình rất khó chia sẻ, tố cáo, yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết. Điều này dẫn đến tỷ lệ 90% các vụ việc bạo lực gia đình không được công khai. Nạn nhân chịu đựng và không trình báo.

Đối với cộng đồng LGBT, bạo lực gia đình càng nghiêm trọng hơn, cả về thể chất, tinh thần, kinh tế… và cũng khó công khai hơn.

Ông Gia kể về trường hợp gia đình có con thuộc cộng đồng LGBT, phụ huynh đã tìm mọi cách để khuyên nhủ con thay đổi nhưng không thành công. Bất lực, họ dàn xếp thuê người bên ngoài về xâm hại chính con của mình để hy vọng đứa trẻ thay đổi quan niệm về giới.

Ông Gia chia sẻ: "Những vụ xâm hại bình thường, sau khi pháp luật xử lý, nạn nhân có thể nguôi ngoai. Nhưng trường hợp này nạn nhân có tố cáo được không? Xử lý được không? Xử lý rồi đứa trẻ có nguôi ngoai được không?".

Nam giới cam kết không bạo hành vợ, con

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Loan, Trưởng Ban Chính sách - Luật pháp Hội Phụ nữ TPHCM, trình bày một số mô hình, hoạt động nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình của các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn thành phố.

Nước mắt từ chuyện cha mẹ thuê người về xâm hại con - 3

Bà Nguyễn Thị Thanh Loan, Trưởng Ban Chính sách - Luật pháp Hội Phụ nữ TPHCM (Ảnh: Tùng Nguyên).

Theo Hội Phụ nữ TPHCM, tại 312 phường, xã của thành phố, Hội bố trí cán bộ, hội viên nòng cốt tham gia 1.438 địa chỉ tin cậy cộng đồng để tư vấn, hàn gắn những rạn nứt gia đình.

Các tổ tư vấn giúp các thành viên gia đình tự nhận thấy những hành vi chưa đúng của mình, thông cảm và tha thứ cho nhau;  nhất là nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong nuôi dạy con cái, làm giảm đáng kể các trường hợp bạo lực gia đình.

Hội nghiên cứu phát triển nhiều mô hình góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống bạo lực gia đình như: Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hội nhập đô thị trong nữ công nhân, lao động khu lưu trú - nhà trọ; Tổ Tư vấn cộng đồng tại Chi Hội Phụ nữ khu phố, ấp; Mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật…

Đặc biệt, bà Thanh Loan nhấn mạnh đến mô hình các câu lạc bộ nam giới tiên phong thúc đẩy bình đẳng giới đang phát huy tốt hiệu quả phòng chống bạo lực gia đình.

Khi huy động nam giới tham gia công tác bình đẳng giới đã lan tỏa sâu rộng thái độ tôn trọng, chia sẻ đối với phụ nữ và trẻ em gái, góp phần xóa bỏ tình trạng bạo lực đối với trẻ em và phụ nữ. Đến nay, Hội đã thành lập được 22 câu lạc bộ Nam giới tiên phong thúc đẩy bình đẳng giới với 419 thành viên.

Ngoài ra, thông qua việc kết nối với các đơn vị liên quan, Hội Phụ nữ Thành phố phát triển mạnh hoạt động hỗ trợ tư vấn pháp lý, can thiệp, hỗ trợ nạn nhân trong những vụ việc xâm hại, bạo lực.

Theo Nguyễn Lữ Gia, nạn nhân của bạo lực gia đình chủ yếu là phụ nữ. Để giải quyết tình trạng này có nhiều biện pháp nhưng ông đề cao việc tăng cường vai trò, quyền tự chủ của người phụ nữ.

Ông Gia đề nghị các ban ngành nghiên cứu xây dựng những chính sách tăng cường quyền của người phụ nữ trong gia đình, nhất là tăng năng lực kinh tế, quyền tự chủ của họ trong gia đình.

Nước mắt từ chuyện cha mẹ thuê người về xâm hại con - 4

Ông Nguyễn Quý Thắng, Hội PFLAG Việt Nam (Ảnh: Tùng Nguyên).

Với bạo lực gia đình trong cộng đồng LGBT, ông Nguyễn Quý Thắng, Hội PFLAG Việt Nam (Cha mẹ và người thân của người LGBT), cho rằng: "Bạo lực trong gia đình có con là LGBT rất khó giải quyết. Tư vấn cho họ cũng rất khó khăn vì nếu người tư vấn không thuộc cộng đồng này sẽ không tạo được niềm tin. Thậm chí, họ không muốn tiếp xúc, không thích người khác can thiệp vào việc gia đình mình".

Do đó, theo ông Thắng, để hoạt động phòng chống bạo lực gia đình trong cộng đồng LGBT đạt hiệu quả, cần có nhóm làm việc riêng được trang bị kỹ năng, kiến thức và phương pháp làm việc với cộng đồng này.