Nữ sinh viên bị quấy rối tình dục im lặng vì sợ... không lấy được chồng
(Dân trí) - Khảo sát mới đây của Cơ quan Liên hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) cho biết, các sinh viên nữ bị quấy rối tình dục thường sợ nói ra sự việc thì không lấy được chồng nữa.
Sinh viên, giảng viên đều bị quấy rối
Theo khảo sát mới đây của UN Women với 1.809 sinh viên và 350 cán bộ, giảng viên ở 3 trường đại học là ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Hồng Đức, ĐH Sư phạm Thái Nguyên cho thấy, có 51,8% sinh viên và 30,2% cán bộ, giảng viên đã từng bị quấy rối tình dục trong thời gian 1 năm học.
Trong đó, hình thức quấy rối tình dục bằng lời nói như có những lời tán tỉnh, làm quen, những cử chỉ, nhận xét hoặc trò đùa khêu gợi tình dục khiến người khác cảm thấy khó chịu là phổ biến nhất, ở cả nhóm sinh viên và cán bộ, giảng viên.
Ngoài ra, các sinh viên và cán bộ, giảng viên đều đã từng trải nghiệm các hình thức bạo lực khác nhau như: bạo lực thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực kinh tế và bạo lực tình dục. Trong đó, cả sinh viên và cán bộ, giảng viên đều trải nghiệm hình thức bạo lực tinh thần phổ biến nhất.
Trong khi với sinh viên hình thức bạo lực kinh tế ít phổ biến nhất thì với giảng viên đây lại là loại bạo hành xếp thứ 2 về mức độ phổ biến. Bạo lực thể xác, thực tế lại ít thể hiện nhất.
Theo khảo sát, tỉ lệ sinh viên bị ép buộc quan hệ tình dục ở cả 3 trường chiếm 1,2% tương đương 21 sinh viên.
Cả sinh viên, cán bộ và giảng viên đều lo ngại về sự không an toàn ở một số địa điểm trong trường đại học như: đường về kí túc xá, cổng trường và sân vận động.
72,5% sinh viên và 61,7% cán bộ, giảng viên còn chưa biết nhiều đến các địa chỉ hỗ trợ người bị bạo lực bên ngoài trường học như nơi tạm lánh hay mô hình "ngôi nhà bình yên".
Không dám lên tiếng vì sợ không lấy được chồng
Trao đổi với Dân trí về vấn đề này, bà Lê Thị Lan Phương, cán bộ chương trình Chấm dứt bạo lực với phụ nữ của UN Women cho biết, thực tế tham vấn với sinh viên và học sinh thì những con số nêu ra chưa phản ánh được tình hình vấn nạn quấy rối tình dục vì những vụ việc thường bị che giấu.
"Con số 51,8% qua khảo sát là con số thể hiện sự dũng cảm, dám lên tiếng của cá nhân. Khi chia sẻ câu chuyện của bản thân, chính các nạn nhân lại sợ bị đổ lỗi và rất nhiều người thường chọn giải pháp im lặng.
Các bạn sinh viên nữ sợ khi nói ra sẽ bị mang tiếng, sợ không lấy được chồng... Và họ thường chọn giải pháp im lặng" - bà Lan Phương cho biết.
Cán bộ của UN Women cũng thông tin về hoạt động hỗ trợ sinh viên tự nghiên cứu về bạo lực hẹn hò. Kết quả khảo sát thể hiện, 64% thanh niên độ tuổi từ 18 đến 35 đã từng bị bạo lực khi hẹn hò. Đây chính là tiền đề của tất cả các loại bạo lực đối với phụ nữ. Con số cũng tương thích với kết quả nghiên cứu quốc gia đưa ra là 63%.
"Nếu trong hẹn hò người ta có thể gây bạo lực thì khi kết hôn, nam giới cho rằng mình có quyền sở hữu và họ sẽ tiếp tục gây bạo lực trong suốt vòng đời còn lại của người phụ nữ", bà Phương cảnh báo.
Cán bộ chương trình UN Women chia sẻ rằng, các con số cho thấy bạo lực phổ biến nhất là bạo lực tinh thần, sau đó tới bạo lực thể xác, bạo tình dục ít hơn.
"Có thể là vì nạn nhân bạo lực tình dục e ngại không nói ra và con số thấp không có nghĩa là hình thức bạo lực này ít hơn. Việc phân loại các hình thức bạo lực chỉ mang tính chất tương đối vì một người khi bị bạo lực thường phải trải qua những hình thức bạo lực kết hợp.
Đặc biệt trong khảo sát vừa rồi, chúng tôi thấy một số dữ liệu rất đáng quan tâm là các sinh viên cũng bị bạo lực về kinh tế, nghĩa là họ bị người yêu bóc lột thông qua các hình thức cống nạp về tiền", bà Phương nói.